Thương sao, gió Lào và cát trắng!

(Dân trí) - Phác họa trong hình dung quê hương xứ sở của tôi là vậy, dải đất miền Trung có gió Lào và cát trắng mịt mùng. Nghĩ, thương lắm đất mình khi gió cát cằn cỗi đã thành “thương hiệu” nên gánh gồng hoài bao mất mát và bất hạnh như là hiển nhiên.

Thương sao, gió Lào và cát trắng! - 1

Độ này, nắng có phần dữ dội khi gió Lào đã vào mùa, hơi nóng phả ra từ triền cát làm da dẻ thô ráp, khô rang. Có lần, bạn ở xa về chơi đúng mùa gió đang gay gắt nhất, bảo lạ lùng, gió máy kiểu này mà con gái vẫn da trắng môi hồng thế kia. Em gái thôn quê cười ý nhị, tại dầm nắng gió đã quen nên chẳng hề hấn chi nữa rồi.

Khi tiễn một ai đó đi xa giữa thê lương và ảo não, mệ tôi hay bảo số trời vậy rồi, không cãi được. Nghe vậy, bạn nghĩ bởi quê mình an phận thủ thường nên mãi chẳng thể khá lên. Tại bạn sống giữa thành phố xa hoa, chân bước ra nhà đâu lấm lem bụi đất, mùa nóng lạnh cũng chẳng việc chi bởi máy móc thiết bị điều hòa ở đó, nấu cơm có bao giờ bị củi than làm cho cay mắt, đâu xé lòng trước những tang thương của thiên tai và địch họa nên nói nghe dễ dàng.

Chẳng ai muốn mình khổ cực và bần hàn mãi, lắm người đêm về nằm vắt tay lên trán nghĩ suy về miếng cơm manh áo cho gia đình mà đâu tìm được lối đi. Đôi lúc tha hương giữa thành phố chật chội, căng khít và mệt mỏi bởi những cãi cọ phân bua của người đời, lắm người buột miệng muốn về quê cho khỏe. Nghĩ rồi chép miệng, chỉ ngần ngại gió và ngao ngán nắng mà thôi. Thế nên có em gái đi học xa, trót thề với cha mạ không bao giờ quay về quê cũ bởi ký ức có bào mòn đến mấy vẫn thấy toàn cơ cực.

Nên bây chừ, chứng kiến hình ảnh những chú chim sẻ sà xuống gắp mớ cá chết la liệt trên bờ mà thương đứt ruột. Người dân thẫn thờ, mấy o hàng cá chuyển qua bán trứng và đồ khô mỉm cười yếu ớt xua đi sợ hãi. Cái nét quý của quê mình và cả dải đất miền Trung này là vậy, khốn khó ê chề than thở lắm cũng ráng buộc mình nhắm mắt mà vượt qua.

Nhớ hôm nào mấy o oằn vai gánh triêng gióng đi nghiêng ngả giữa bờ cát mềm mịn, mang theo cá tôm tươi rói ra chợ bán, lòng vui khấp khởi, miệng đon đả mời chào. Có hôm nào họ cũng ra chợ vì miếng cơm manh áo, bán cho người ta mà lòng nghe xót xa khi không chắc cái thứ mang bán sẽ nuôi mình đó mà biết có hại người.

Góc chợ vốn xôn xao nói cười giờ lặng ngắt, ai nấy nhìn nhau bằng ánh mắt âu lo cho thời cuộc. Nỗi buồn lo in hằn lên gương mặt rồi đây lấy gì để sống, lấy gì nuôi cả nhà khi mọi thứ vẫn trông mong vào nghề đi biển. Những con thuyền nằm chỏng chơ, lặng yên như mùa không ra khơi vì trời nổi gió. Biển gào thét dữ dội bao nhiêu rồi sẽ bình lặng còn bão tố do chính bàn tay con người gây nên thì dễ gì yên ắng.

Bạn tính lễ này về quê mình chơi, thăm bãi biển được mệnh danh là “nữ hoàng của các bãi tắm” (*) để đùa vui cùng sóng nước rồi chúng mình ngồi bên bờ thưởng thức bao của ngon vật lạ ở đây. Thế mà giờ không nghe nhắc ý định ấy nữa, đột nhiên bối rối hệt như lời hứa bị bỏ quên kia là tại mình.

Mấy bạn nhỏ ngác ngơ thi nhau kể mới hôm nào tụi em còn lội biển đùa nghịch với đám rong rêu xanh mềm, giờ thấy chúng nằm chết khô bạc màu mà chua xót. Tôi thấy mừng vì sự thương xót ấy của những người trẻ, bởi cuộc sống sau này sẽ phụ thuộc vào họ chứ ai. Giữa đời, còn biết xót thương thật là đáng trọng, sợ nhất thờ ơ vô cảm, chẳng biết nhớ nhung và xót xa bao điều dung dị bình thường.

Mai mốt khi chạy dài từ đường quê ra đường lộ mùa này, tôi không chắc gió sẽ thôi tạt ngang dọc làm rạp những hàng cây và dải xuyến chi cỏ ngủ có còn đầy rẫy hệt bây chừ. Những ngọt ngào nhiều lúc khó nói, nhất là khi đã quá thân quen, vậy mà tôi vẫn muốn thốt lên một câu đỗi ngọt lịm rằng “Thương lắm, gió Lào và cát trắng ơi!”

Diệu Ái

(*) Bãi biển Cửa Tùng thuộc địa phận huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị vốn được vua Bảo Đại chọn làm bãi tắm riêng và được mệnh danh là “nữ hoàng của các bãi tắm”.