Thương con thế bằng mười hại con

(Dân trí) - Năm con Duyên được năm tuổi, thì nó bị sốt cao quá, trong khi bà Hòa bận quắn lên, chẳng để ý. Các cô giáo cũng không đủ quan tâm để nhìn đứa trẻ đang ngày một lịm đi. Đến lúc nó lên cơn co giật, chảy cả máu mũi, tưởng chết, thì mẹ mới hay tin chạy đến.

Thương con thế bằng mười hại con - 1

Duyên nguy kịch đến mức có người đã nhờ đi mua cho cháu nó bộ quần áo mới để thay. Song quay về thì thấy nó mở mắt trừng trừng, ra là Duyên vừa được ông y sỹ tiêm cho một mũi, một là sống, hai là…

Mọi người thở dài, chẳng thà nó “đi”, chỉ đau một chốc một lát, đằng này nó lại sống, nhưng thành ngơ ngơ, chân nó đi tập tễnh, miệng lảm nhảm, ở nhà “cấm cung” suốt.

Mỗi ngày qua cuộc sống dần khấm khá, giờ ông bà Hòa chỉ còn biết đặt niềm hi vọng vào đứa con gái thứ hai, nên thường cúc cung tận tụy, hầu hạ nó như để chuộc lại lỗi lầm. Con Nhung chẳng xinh bằng chị, nhưng đầu óc nó bình thường, nó còn biết làm cái nọ cái kia, không để bố mẹ phải chăm sóc tí một như chị.

Được chiều, đâm ra Nhung sinh hư, mới nứt mắt đã tiêu tiền của bố mẹ như xả rác, yêu đương loạn cào cào, còn đi đánh ghen với đứa bạn cùng lớp cấp ba, vụ ấy nổi đình đám, tai tiếng một thời.

Lớn lên, con Duyên cũng vẫn dậy thì như ai và bố mẹ chẳng canh được, những lúc nó vắng nhà lại thấy yên tĩnh và ngỡ nó chơi cùng bọn trẻ ở phố hoặc đi cùng con Nhung. Ai ngờ nó cũng biết yêu như một bản năng, và rốt cuộc có bầu với một tay mà nó chẳng biết tên. Bố nó gặng hỏi mãi, còn dắt đến mấy nhà quanh xóm đấy thì may quá nó nhớ được mặt và chỉ, tên kia cúi đầu nhận “tội”.

Nhà ông bà Hoà có tí chức, có tiền nên “thủ phạm” không dám chạy làng, đành phải lấy con Duyên. Những tưởng thở phào thế là xong, ông bà nhủ sẽ cố gắng bù đắp cho vợ chồng nó ít kinh tế. Nhưng con Duyên vừa đẻ thêm đứa con trai thứ hai rõ đẹp, rõ ngoan, thì cũng là lúc thằng chồng không thể chịu đựng, đóng kịch thêm được nữa. Nó trả lại tất vợ con, của nả, làm thủ tục ly hôn rồi bỏ vào miền Nam. Con Duyên dắt con về nhà bố mẹ, vẫn ngáo ngơ như xưa chả lộ gì buồn bã, vẫn ăn nói cộc cằn lúc mơ, lúc tỉnh…

Còn cái Nhung, chưa học xong cao đẳng đã tớn lên đòi lấy chồng vì cái bụng sắp to. Bà Hòa phải lo lót cho từ A đến Z không thiếu thứ gì, lúc nó ra trường chưa xin được việc, bà nghe nó hạch sách mỗi ngày và vẫn phải cấp “lương” đều đều cho con tiêu vặt, đồng thời thi thoảng còn “cho cháu”.

Hồi nó mới cưới, lúc đó có tiền, việc mua xe không khó, nên ông bà Hòa trót hứa sẽ mua cho nhà con Nhung cái ô tô. Ai ngờ càng ngày càng túng vì ông bà phải bao thầu hết hai đứa con, ba đứa cháu, rồi lại phải đặt tiền để nhờ người xin việc hộ con Nhung tốn nhiều quá, nên bà bí. Song con rể gợi ý tận nơi, còn chửi tục với vợ: “Hứa láo, làm mất công tao học lái xe, không bảo mua xe tao đi học làm cái… gì?”.

Nghe sang tai, bà sợ con gái khổ, liền hỏi xem nhà nó để dành được bao nhiêu. Nó quát, chả có đồng nào cả, bố mẹ chồng liền đưa cho một trăm triệu, bà thở dài rút tiết kiệm dành phòng thân, cho chúng nó một trăm năm mươi triệu, rồi đứng ra vay hộ thêm một trăm năm mươi triệu đồng nữa, chả biết bao giờ nó trả. Đến tiền lãi bà vẫn phải ngậm ngùi trả hộ hàng tháng để chúng lấy xe vi vu cho oách.

Thi thoảng con Nhung vẫn chạy sang xin mẹ chục triệu, rồi bòn mót “vay” thêm chục triệu nữa “để đưa bố mẹ chồng đi du lịch”. Như từ xưa đến nay, bà vốn vẫn chưa từ chối con Nhung điều gì bao giờ, nó vui và được lòng nhà chồng là bà cũng hạnh phúc.

Song bà chợt lạnh người nghĩ đến cảnh một ngày ông bà ốm nằm đấy, hết nhẵn tiền… ai lo? Bà nhận ra, mình đã thương con sai cách, làm hại nó mất rồi, như đã có lần ai đó góp ý mà bà tức tối gạt đi, họ bảo: “Sứ mạng của người mẹ không phải là làm chỗ dựa cho con cái, mà là làm cho chỗ dựa ấy trở nên không cần thiết” (B.Babbles).

An Miên