Thú đỏ đen

(Dân trí) - Một buổi mang quần áo của anh đi giặt, nhìn thấy chiếc thắt lưng da đẹp, chị liền khen, anh cười hào hứng: "Ừ, anh mua hồi học năm thứ 4, cũng không hay ho lắm, nó từ tiền đánh lô mà ra đấy!".

Chị tái mặt rồi lạnh sống lưng bỏ vào buồng nằm, tay vắt lên trán, tự dưng nước mắt cứ rơi. Anh vào trông thấy đâm bực mình, gắt: "Em chẳng ra làm sao cả, khóc cái gì? Đó chỉ là ngày xưa, sinh viên hết tiền đánh cho vui, giờ có điên đâu mà đánh!".  
 
Thú đỏ đen - 1
Hình minh họa.

 

Chị vẫn chạnh lòng khóc. Bởi trong cái phút giây ngắn ngủi anh kể chuyện đó thôi mà chị đã tưởng tượng được ra bao nhiêu chuyện. Chị sợ mình cũng sẽ giống mẹ, cả một đời nuôi con, nuôi chồng, bởi chồng thì bận nuôi bố - bố Đề.  
 

Bố chị làm cho một công ty doanh thu lớn nhất tỉnh, có tiếng trong cả nước. Thu nhập không đến nỗi nào, đồng nghiệp của bố có con học ở Hà Nội đều được mua nhà riêng cả, từ cái thời ở đây mọi người có phong trào mua đất thủ đô. Vậy mà bố chị vẫn quẩn quanh nơi góc vườn cùng hàng trăm con số chi chít, tính tính toán toán như một nhà bác học, không giúp được gì cho vợ con.

 

Thời gian rảnh ông lại chăm chú vào lô, đề tựa như đó là một bộ môn cần nghiên cứu. Ông cũng là người có hiểu biết, vậy mà chị sưu tầm khá nhiều sách viết về toán xác suất, thống kê về ngẫu nhiên cho ông hiểu, thì ông trừng mắt mắng chị ngu, "không chạm được đến lĩnh vực cao siêu này thì đừng có bày đặt giải thích".

 

Chị gạt nước mắt nghĩ, khi xưa chỉ có mỗi đồng xu chẵn lẻ, mặt sấp, mặt úp mà còn khiến bao người tan cửa nát nhà, gia đình ly tán nữa là giờ hàng trăm con số chọn lấy một hai, liệu còn có đê mà ở?

 

Cũng nhờ bố nên chị rút được bài học cho mình, rằng chẳng gì tự dưng mà có, chỉ của cải từ bàn tay chân chính mình lao động ra là có thôi. Bao nhiêu lương bố đem nướng sạch sẽ vào đề, cuối tháng về vẫn bám mấy sào ruộng của mẹ. Chị đau xót nghĩ, giá như bố tỉnh táo dành thời gian mà hạch toán xem, tiền trúng đề liệu có bù đắp được khoản bố phải chi ra chơi? Hoặc giả như bố kiếm được tiền từ trúng đi, thì đó cũng là đổi từ đồng tiền trong sạch mồ hôi công sức sang đồng tiền xám nhuốm màu bất minh rồi.

 

Ai nói gì bố chị cũng chỉ một mực: "Mỗi người có một thú vui, sở thích riêng, niềm đam mê của tao là tính đề, chả liên quan gì đến ai. Tiền tao, tao chơi!". Phải, chính cái niềm ham mê mông muội đến ích kỷ đó mà gia đình chị cơ cực, chỉ trông vào vườn rau, sào ruộng của mẹ khiến chị buồn bã, âu lo suốt thời con gái, thương mẹ và tủi phận mình liệu có khốn đốn như thế…

 

Gặp anh, một người chỉn chu, chịu thương chịu khó, chị yên tâm anh không ngốc nghếch đến vậy. Giờ nghe chuyện vui anh kể, chị bỗng rùng mình.

 

Lát sau anh đã bình tĩnh, điềm đạm hơn vào nói với chị: "Anh hiểu em đang nghĩ đến bố ở nhà, hãy yên tâm, anh không dại dột vậy đâu. Mình là người được nuôi nấng, ăn học tử tế, tin vào đôi bàn tay, vào sức người. Đâu thể dễ dàng đặt cuộc đời mình vào một canh bạc nhiều rủi ro. Anh chưa thấy người nào giàu nhờ những trò đỏ đen hết. Vết xe đổ vẫn hiện hữu ngay trước mặt, anh còn mù quáng đâm vào à?"

 

Mắt chị lại long lanh nước, dẫu sao cũng cảm ơn bố chị đã là tấm gương nhãn tiền để con cái soi vào mà tránh.

 

Triệu Bình Yên