Tết việc gì phải sợ

(Dân trí) - Thấy mấy cô bé mới cưới tính lập hội những người ghét tết vì phải đón năm mới ở nhà chồng, nó lại tủm tỉm nghĩ lại mình cách đây vài năm, cũng mặt mày tím tái quyết đấu tranh với chồng về việc tết chỉ ở quê hai ngày.

Cuộc đấu tranh bị vùi sâu trong bể nước mắt khi nó muốn tìm đồng minh là mẹ đẻ cũng bị bà phản đối. Lúc nào mẹ cũng có câu lấy chồng phải theo chồng... nghe mà nhọc óc.

Nó hoảng tết cũng vì các chị đi trước dọa nạt, răn đe rằng, tết về làm trâu thì phải chịu khó kéo cày. Một năm có mỗi dịp để thể hiện đấy thôi, tuy nhiên để làm vừa lòng những người nhà chồng thì có mua cả tấn hành về nhồi cũng chẳng đủ đâu nên cứ bình tĩnh, làm được đến đâu thì làm, mệt thì nghỉ... nó nghe mà mồ hôi rịn trán.

Tết việc gì phải sợ



Năm ấy nó miễn cưỡng về ăn tết, lóng nga lóng ngóng chẳng biết gói bánh, chẳng rành cuốn chả, bị mẹ chồng góp ý mà mặt đỏ tía tai vì xấu hổ. Năm sau nữa nó vẫn mang trong lòng những mặc cảm, cứ nghĩ đến là nó sợ. Ấy thế nhưng sau vài năm đón tết ở nhà chồng, năm nay chồng gợi ý về quê hai ngày thôi, còn xuống đây luôn để thắp hương, cúng lễ ở nhà mình, rồi đi chúc tết bà con trong liên gia, thăm đồng nghiệp... vậy mà nó lại rụt rè nêu ý kiến, xuống đây trước một ngày là được rồi, đồng nghiệp ngày nào chẳng gặp, hàng xóm thì thăm lúc nào chẳng xong... chồng nó phì cười, tưởng vợ đùa.

Nó phân trần rằng mình chưa quen việc, giờ ở đây phải lo mua đồ lễ sắp mâm cúng bái cho đủ lệ bộ, rồi thì hóa vàng... tất cả phải làm một mình, lo từ A đến Z thì hãi quá. Quan trọng hơn đó là nó thực sự nhớ những phút giây gia đình quây quần. Được cùng mọi người tấp nập lau dọn, ngồi kiểm đếm lại những gì còn thiếu để mua cho đủ, được cùng mẹ chồng chuẩn bị những món ngon ngày tết, những đặc sản chỉ ở làng mới có, mà cứ mỗi khi ăn lại thấy thân thuộc như quê hương. Được cùng mọi người thắp nén hương mời ông bà tổ tiên về ăn tết sum họp với cháu con. Được cùng chồng con về quê mang quai hành, con gà của bà nội biếu bà ngoại nấu đông, rồi lại quay đầu mang măng khô, miến và mộc nhĩ bà ngoại gửi cho bà nội ăn tết. Tình thông gia, mỗi năm lại thêm một gần gũi.

Năm nay kinh tế khó khăn chung, nhiều người còn chả có việc, hai vợ chồng vẫn có thưởng, thậm chí khá hơn năm trước thì lo sợ cái nỗi gì. Quan trọng là cả gia đình được gặp nhau đông đủ, có mấy ngày tết thôi.

Chỉ có điều rút kinh nghiệm năm ngoái, giờ quán triệt, khi đi chúc tết mỗi nhà một tí thôi, hạn chế ở lại ăn uống, rượu chè rườm rà nhiêu khê, mất thời gian cả của mình lẫn gia chủ...

Nó cứ miên man nghĩ, rồi kể lể dự định của mình thì đứa đồng nghiệp chợt xìu mặt: “Ước gì em được như chị. Bố mẹ chồng chị tâm lý hơn bố mẹ chồng em rất nhiều, giờ cứ nghĩ đến về quê chồng thôi là em đã sợ rồi, chưa kể gì đến tết”.

Nó liền động viên con bé: “Hồi đầu chị cũng thế, nhưng rồi sẽ quen em ạ”.

TSL