Sông có khúc...

(Dân trí) - Ngày ấy lúc nào Bảo cũng tỏ vẻ mình là chàng công tử bảnh bao. Mà đúng nhà nó giàu thật, từ lúc chúng bạn còn nhếch nhác, xách cặp đi bộ đi học, thì Bảo đã thường xuyên được chở đi bằng xe máy, có hôm còn được lái xe riêng của bố đưa đến tận trường.


Sông có khúc...



Bố nó rất giỏi, làm giám đốc một công ty của nhà nước, nhiều tuổi mới lấy vợ, rồi lại hiếm hoi có mỗi nó là con trai, nên khỏi phải tả nó quan trọng với bố mẹ đến mức nào, chính vì thế thành ra nó luôn khệnh khạng, khinh rẻ các bạn cùng lớp, những đứa nhà nghèo thì càng bị miệt thị thậm tệ.

Bảo hay chọc ghẹo và hây hấn với bạn bè cũng do bản tính hiếu thắng, thích người khác phải biết quy thuận, phục tùng mình. Học lớp năm mà Bảo đã có tiền tiêu nặng túi, hòng thu nạp mấy đứa giỏi giỏi ở lớp làm đệ tử.

Chỉ cần nghe tên của nó ghép với tên bố các thầy cô khó tính nhất cũng phải giãn mặt ra, tươi cười niềm nở, không ai dám làm mếch lòng ông giời con.

Đến lúc lớn lên Bảo vẫn giữ bản tính như vậy, tiền nhiều không tiêu để làm gì, bố mẹ có mình nó là con để hưởng đám của cải ấy... Nó lêu lổng chẳng chịu học hành, có mỗi cái trường trung cấp mà nay nhờ người đi học, mai thuê người đi thi. Nó mải dành thời gian để ăn chơi, hưởng thụ.

Thế rồi, bao con gái nhà lành bố mẹ dẫn đến cho nó chả thích lại đi ngất ngây cô nàng bán quán cafe vốn là ổ mại dâm trá hình, mê mệt đến nỗi nhất quyết đòi bố mẹ tổ chức đám cưới. Bố mẹ Bảo vẫn như hồi nó còn nhỏ, luôn đáp ứng mọi yêu sách của con, nay thì quyết định mang núi tiền đi rửa vết nhơ quá khứ của con cô dâu, nuôi cho nó đi ăn học lại, chạy chọt chỗ làm oai hùm như ai.

Song, hai đứa có với nhau được đứa con gái ba tuổi thì cũng là lúc Bảo chính thức phải vào trại cai nghiện trước vẻ bẽ bàng của bố mẹ và sự ngỡ ngàng của rất nhiều người.

Cô con dâu trước đó cũng mải mê tranh thủ làm giàu, đầu tư đất cát, chung cư, toàn dự án trên giấy, nay thì ngập trong nợ nần, cơ ngơi bố mẹ Bảo gây dựng ngỡ mấy đời ăn chả hết thì nay chỉ trong chớp mắt tất cả đã trống trơn. Sổ lương hưu của ông hàng tháng họ chỉ để lại cho vài ba triệu tiêu xài, còn lại bị cấn trừ hết vào để trả nợ.

Từ một đứa trẻ được cưng nựng, lớn lên Bảo vẫn là như thế và ở một cấp độ cao hơn, chuyên nghiệp hơn, có lẽ bố mẹ vẫn phải lo cho nó đến hết cuộc đời. Ai đó nói, nhân cách, tương lai của trẻ định hình từ lúc còn thơ, quả thật vậy?

TSL