Si Ma Cai mờ sương

(Dân trí) - Chuyến tàu sớm đến ga Lào Cai lúc tám giờ sáng. Dù đã gần trưa mà bầu trời vẫn âm u trong màn sương lạnh.

Trong tiềm thức tuổi thơ tôi, Lào Cai gắn liền với những vui buồn, suy tư, trăn trở của ba...

Hồi ấy còn là tỉnh Hoàng Liên Sơn. Sau ngày đất nước giải phóng đơn vị của ba được biên chế đi nhiều nơi, có bộ phận vào biên giới Tây Nam, bộ phận lên biên giới phía Bắc, nếu không được cử đi học lớp Quản lý kinh tế chắc ba cũng có mặt trong đoàn quân ấy...

Ngày ngày sau giờ cơm chiều ba lại lặng lẽ theo dõi bản tin chiến sự và bài xã luận qua chiếc radio nhỏ xíu, bản tin thường kết thúc bằng bài hát “Giữ cho em mùa hoa đào” của Bảo Chung, những lúc ấy đôi mắt ba nhìn vào cõi xa xăm nào đó.

Một buổi trưa ba đi đâu về mang theo một phong thư đã bóc dở, đôi mắt ông đỏ hoe “thằng Quyến hi sinh rồi”, giọng ba như nghẹn lại. Chú quê Thái Bình, con người nhỏ nhắn, ít nói nhưng trong chiến đấu thì dũng cảm còn trong tình yêu thì nghiêm túc.

Ngày còn ở chiến trường Quảng Trị khối cô giao liên mê chú lắm nhưng chú đều khéo léo chối từ, đời người lính biết sống chết ra sao? Những ngày đầu lên biên giới thư chú gửi về, phần người gửi bao giờ cũng “em ở biên cương” sau đó mới đến họ tên, đơn vị.

... "Xe đến rồi kìa, nhanh lên cậu ơi!" - Tiếng anh rể reo lên làm tôi đứt mạch cảm xúc... Giờ mới thấm lạnh khi nghĩ đến quãng đường về ngót trăm cây số.

Nhìn ông anh rể co ro trong chiếc áo bộ đội đã cũ màu mà thương, đều đặn mỗi năm hai lần anh phải lặn lội vượt chặng đường mấy trăm cây số lên thăm chị, dịp hè và dịp Tết, cứ thế đều đặn đã mười năm nay kể từ ngày chị có quyết định lên đây dạy học.
Lên đến trường, nhìn tôi co ro, tím tái vì giá rét chị nói như an ủi, "vất vả lắm phải không cậu? Ngày trước chị lên đây lần đầu cũng khổ lắm nhưng lâu dần thành quen".

Chị Hoa phòng bên vừa nhặt rau vừa hồ hởi góp chuyện: "Ở đây có nhiều cái thú vị lắm: Học sinh lớp Một thì không biết tiếng Kinh, cô giáo nói khô cả cổ mà các em cứ ngồi ngủ gật cuối cùng phải triệu các em lớp Năm vào, đứng thông ngôn, thôi thì tiếng Kinh, tiếng H’mông, ngôn ngữ hình thể, ngôn ngữ chân tay loạn xị.
Có hôm các em nó muốn về nhà, chúng ngấm ngầm bảo nhau từ chiều, đến tối cơm nước xong ngồi ngay ngắn vào bàn học, nhân các cô không để ý, từng tốp một chuồn lặng lẽ, đến nửa đêm cô giáo trực nhật đi kiểm tra mới hốt hoảng thông báo. Giận lắm nhưng cũng đành ngậm ngùi vượt năm sáu cây số đường rừng đến từng nhà vận động các em trở lại trường".

Học sinh ở đây thiếu thốn những thứ rất đỗi con người, chẳng bù cho dưới xuôi, bố mẹ đèo đi đèo về mà còn sợ con bị lạc.

Sáng hôm sau chị và chị Hoa chở anh em chúng tôi ra chợ cho biết chợ vùng cao. Cũng phải trên chục cây số mới đến nơi, con đường đất lầy thụt với những đáy vực sâu hút. Anh rể to con gồ ghề là thế nhưng phải ngồi nép sau lưng chị, run bần bật...

Đêm cuối cùng ở lại Si Ma Cai là đêm sắp rằm. Nhìn những bản làng xa xa bên sườn núi, lặng lẽ yên bình dưới bóng trăng tôi thầm ước ao một ngày không xa ánh điện lưới sẽ tỏa sáng cho khắp lượt bản làng, để những cung đường lầy thụt vì đất nhão sẽ dễ đi hơn, để chị gái tôi và các đồng nghiệp của mình không phải trở thành “quái xế” bất đắc dĩ và xa hơn là cả vùng quê nhiều tiềm năng này sẽ vươn mình đứng dậy để họ, những người giáo viên cắm bản sẽ an tâm hơn góp chút sức mình dựng xây quê hương.

Đình Dũng