“Săn” sơn nữ lắm kiềng

(Dân trí) - Đối tượng của hắn không phải là các hoa khôi kiêu kỳ sành điệu, cũng chẳng phải các em “gái quê” dịu dàng chân chất. Hắn “khoái” các em cử tuyển vừa trút bỏ váy áo truyền thống hôm qua, nhưng vẫn còn nguyên vòng, kiềng trên cổ, trên tay…

Tiếp cận

 

Đến KTX ĐHNN-ĐHQG HN ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh Hùng ngồi hàng giờ quan sát các tân sơn nữ đang làm quen với lối sống thị thành. Hắn, một “headhunter” (kẻ săn đầu người) chuyên nghiệp, không tiếc thời gian chờ đợi để lựa chọn cho mình một “con mồi” béo bở nhất.

 

Với hắn, chỉ một là đủ. Hắn “nằm lòng” những ẩn ý sâu xa của các cụ: “Tham thì thâm”. Hắn “lựa chọn”, “sàng lọc” và quyết định “tuyển dụng” đối tượng chỉ bằng quan sát. Thật không quá khi gắn cho hắn danh hiệu “nhà tuyển dụng từ xa”.

 

Đối tượng của hắn không phải là các hoa khôi kiêu kỳ sành điệu, cũng chẳng phải các em “gái quê” chân chất dịu dàng. Hắn “khoái” các em cử tuyển vừa trút bỏ váy áo truyền thống hôm qua, nhưng vẫn còn nguyên vòng, kiềng trên cổ, trên tay.  

 

Hắn nắm vững thói quen của “con mồi” hơn chính bản thân họ. Đi đứng thế nào, màu sắc quần áo ra sao? Thậm chí, đôi khi hắn còn theo “đối tượng” vào nhà ăn, gọi một xuất ngồi ăn và không quên giữ khoảng cách đủ để quan sát những thứ em ăn và lắng nghe những gì em nói. Những câu chuyện hắn nghe được, chắp vá thôi nhưng giúp ích cho hắn rất nhiều khi quyết định “tấn công” đối tượng.

 

Thuộc lòng thói quen, sở thích, sẵn có gương mặt khá điển trai lại không tiếc thời gian công sức và tiền bạc, hắn coi việc làm quen với các em là việc không có gì dễ làm hơn. Nhưng hắn cũng luôn tâm niệm rằng chẳng có gì “dễ làm mà ngon ăn” cả. Hắn luôn biết cách “bỏ con săn sắt” để “bắt con cá rô”.

 

Thành hoạt động trong cùng “lĩnh vực” nhưng tại địa bàn ĐHSP. Không kiên trì như Hùng nhưng hắn lại có sở trường “đánh nhanh thắng nhanh”. Hắn luôn biết cách đưa ra những “mồi nhử” đầy lãng mạn.

 

Ngay khi có số điện thoại của “đối tượng”, hắn sẽ nhắn “nhầm” một cái tin mà bất cứ ai cũng phải trả lời. Hắn luôn biết cách gợi sự tò mà nơi các cô gái mới lớn. Qua một vài lần nhắn tin qua lại, nghiễm nhiên hắn trở thành người “quen nhưng không biết” của “nạn nhân”.

 

“Mỳ ăn liền” có lẽ là món khoái khẩu của Thành, thế nên thông thường chỉ sau một tuần là hắn có thể “triệu” được “khách hàng” đến gặp mặt tại một địa điểm đã tính trước. Thông thường là một quán ven hồ lãng mạn nhưng cũng đầy thân thiện và an toàn. Đây có lẽ là yếu tố giúp hắn luôn thành công trong “nghề”.

 

Chinh phục

 

Hùng và Thành đều biết cách trang bị cho mình những thứ “vũ khí” chết người. Xe máy đắt tiền, điện thoại đời mới và máy tính xách tay thời thượng là những thứ không thể thiếu trong lần gặp gỡ đầu tiên. Cả hai đều ăn mặc như những doanh nhân thành đạt hoặc chí ít cũng tỏ ra thành đạt.

 

Hùng tiết lộ: “Bí quyết thành công của mình là luôn tạo ra một thế giới mới lạ đầy hấp dẫn để các em khám phá”. “Cuộc gặp gỡ lần thứ hai là điều các em mong đợi nhất, mình áp dụng rất thành công nghệ thuật chiếu phim truyền hình, luôn biết cách dừng ở tình huống kịch tính nhất”, Thành khẳng định chắc nịch. 

 

Quả đúng vậy, khi gặp gỡ họ, các em sẽ được nói những chuyện chưa bao giờ được nói, được nghe những chuyện chưa bao giờ được nghe và được biết những thứ chưa bao giờ được biết. Dĩ nhiên đấy chỉ là đối với các em sơn nữ, xuống HN với ước mơ mang “cái chữ” về cho bản làng.

 

Thành bộc bạch những khó khăn trong “nghề”: “Không phải lúc nào sinh viên cử tuyển cũng là dân tộc, đôi khi mình cũng gặp những “vị” người kinh 100% nhưng núp bóng dân tộc để đi học. Gặp những “khách hàng” kiểu như vậy là mình rút lui ngay”.

 

Hùng, nhờ có sự quan sát kỹ lưỡng từ trước nên tỏ ra dày dặn hơn: “Các em rời buôn làng xuống đây học, nhu cầu tất yếu là hòa nhập vào lối sống thị thành hiện đại. Mình giúp các em hòa nhập nhanh hơn và dĩ nhiên, mình cũng sẽ có những “phần thưởng” xứng đáng”.

 

Đào mỏ

 

Quần jean, áo phông nhanh chóng thay thế váy áo truyền thống. Những chiếc kiềng vàng, bạc thô kệch nặng nề bỗng trở nên “lẻ loi” và không còn phù hợp.

 

Những món quà lần lượt xuất hiện sau vài lần đi chơi. Cả Hùng và Thành đều tỏ ra sành sỏi trong “nghề”: “Dây chuyền bạc PNJ, vàng tây hoặc mạ vàng bắt mắt hợp thời trang là những thứ các em khó lòng từ chối”.

                                                                                               

Đổi lại, các “chuyên gia” này thuyết phục được giúp các em thanh lý chỗ kiềng vàng, bạc đã lỗi thời. Khi đã nắm được “hàng”, các món quà “thị thành” ngày càng xuất hiện nhiều hơn như mũ nón, giày dép, quần áo… nhưng mối quan hệ thì cứ mờ dần rồi tắt lịm khiến các em bất ngờ ngơ ngác mà chẳng biết “tỏ” cùng ai.

 

Cá biệt, có những “vụ” lớn, sau khi “ăn hàng”, các “công tử hào nhoáng” cùng số tài sản ra đi không một lời từ biệt. Điện thoại không liên lạc được, còn e-mail thì gửi gãy tay cũng chẳng nhận được một lời hồi đáp.

 

Liệu có mối liên hệ nào giữa những “chuyên gia” hào nhoáng này với những vụ mất cắp tài sản xảy ra ngay trong KTX tại các phòng dành cho sinh viên cử tuyển? Hay là “quá mù ra mưa” khi các “chuyên gia” không kìm nổi lòng tham trước những “món hàng” quá hời. Với sự quan sát “tinh tế” như của Hùng thì chúng ta có quyền nghi ngờ lắm. Còn với sở trường “đánh nhanh thắng nhanh” của Thành thì không gì là không thể xảy ra.

 

Các sơn nữ mới chân ướt chân ráo xuống chốn phồn hoa, đã nhanh chóng muốn “lột xác” biến thành những con người hiện đại mà không lường trước được hiểm nguy rình rập. Âu cũng là cái giá phải trả dù có hơi chua chát.

 

Thanh Phong