“Ông cụ” phong kiến

(Dân trí) - Khi suy nghĩ hiện đại đổi mới của giới trẻ bị kìm hãm bởi lối suy nghĩ cổ của bố, người đàn ông trụ cột đầy uy quyền của gia đình, sẽ rất dễ nảy sinh xung đột. Nặng thì “từ mặt nhau”, nhẹ thì cũng hậm hực, trong lòng không thoải mái.

Những cuộc tranh cãi

 

Phương tâm sự: “Bố em cổ lắm. Nhà phải có trên dưới, tôn ty trật tự rõ ràng. Ăn cơm phải mời rành rọt, chứ loáng quáng kiểu sinh viên “con mời cả nhà” là thế nào cũng được một buổi thuyết giáo.

 

Ăn mặc nhiều lúc cũng bị bố chê, tóc thì nhất quyết không cho cắt. Đi đâu đậm tí phấn son là y như rằng nhận cái lắc đầu “Hỏng!”. Ức chế lắm, mà có dám “bật” đâu”.

 

Có lần Phương buột mồm kể: “Sếp con cổ hủ, đã không cập nhập cái mới lại còn hay áp đặt”. Chưa cần biết sếp và công việc của con như thế nào, bố cô đã đưa ra một loạt phê bình và tranh luận, nào là người ta có giỏi thì mới được làm sếp, đưa công ty đi lên…

 

Quả những lời ông cụ nói đều đúng. Nhưng thế hệ Phương luôn cần những cái mới, thử nghiệm mới, đặc biệt trong công việc. Có óc sáng tạo mà không được phát huy khác nào bị kìm hãm, tư duy không phát triển.

 

Con gái biết chịu đựng và ngoan ngoãn, nếu được sống trong gia đình có bố phong kiến sẽ nề nếp hơn và nữ công gia chánh giỏi. Nhưng đã ra ngoài xã hội mà về nhà gặp suy nghĩ của bố, không ít cô hậm hực trong lòng.

 

Con gái phục tùng bố đã đành, với các anh con trai mới gọi là “khó lắm thay”.

 

Hùng bức xúc kể về mối quan hệ của anh và bố. Cứ hở ra là ông cụ chê bai cách nghĩ, cách nói chuyện của anh. 29 tuổi đầu ra ngoài được người ta kính nể về cả cách sống lẫn công việc, ấy thế mà về nhà chẳng lúc nào anh không bị bố chê bôi.

 

Hùng làm ngoại giao, phải đi sớm về khuya không tránh khỏi đêm rồi vẫn lạch cạch. Bố lại khó tính, từ hồi Hùng còn bé xíu cụ đã quán triệt tinh thần “11 giờ giới nghiêm”. Từ ngày thấy Hùng 11 giờ mới bước chân vào nhà, ông cụ đột ngột đổi giờ sang con số 9, mặc cho Hùng cãi về “truyền thống gia đình”, cụ chỉ một câu “trước khác, bây giờ khác”.

 

Công việc đã vậy, đến cả chuyện tơ duyên Hùng cũng không được bố tán thành. Dắt bạn gái về ra mắt, ông cụ chê hết điểm nọ đến điểm kia: “ Con gái gì ăn nói vụng về, con nhà gia giáo có đứa nào về nhà giai đâu, ngày xưa mẹ mày đến ngày lấy tao rồi mới biết mặt…”.

 

Nhiều lúc ngẫm cái sự phong kiến của bố, Hùng quyết thay đổi tư duy cho “ông già”. Song trước không khí gia đình ảm đạm, anh lại xìu xuống mà xin lỗi.

 

Khôi hài đến… méo mặt có lẽ phải kể đến hoàn cảnh của Thanh, có gia đình riêng rồi mà vẫn bị phụ thân làm khó.

 

Hôm bữa, ba ông con cà kê nhắm rượu, “nhạc phụ đại nhân” ở đấy mà cụ thân sinh ra anh vẫn cứ vô tư: “Đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện thường”, “Mày không được để nó qua mặt, phụ nữ là phải nghe lời chồng” làm anh cứ lo ngay ngáy bố vợ sẽ phật ý.

 

Có lần bố con khắc khẩu, ông cụ nổi xung: “Mày cút đi đâu thì đi, đừng ở cái nhà này nữa”, anh xách va ly đi luôn, để vợ con ở nhà. Đó là khi anh muốn lập công ty tư nhân xin cụ cho chuyển làm từ nhà nước sang kinh doanh nhưng cụ không chịu, một mực cho rằng nhà nước ổn định hơn…

 

Thông cảm cho những suy nghĩ của bố, Thanh ngấm ngầm tự làm. Đến lúc công ty  làm ăn phát đạt, anh mới báo cho gia đình thì cụ ông cáu tiết vì “bị con qua mặt”, bảo anh là người “không có trước sau”, nằng nặc đòi đuổi ra khỏi nhà.

 

Thường khi ông cụ phong kiến đến mức ấy, hiếm “ông con” nào chịu được, gia đình dễ tranh cãi triền miên dẫn đến xung đột nảy lửa, đôi khi là bế tắc không thể cứu vãn.

 

Trời không chịu đất…

 

Cái lẽ từ xưa, trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Thế nên gia đình Phương vẫn cứ dằn lòng chiều ý cụ ông, đến cả cụ bà cũng không ý kiến nửa câu. Nói ra lại thành dại vì ông cụ thế nào cũng có cớ ngâm nga “con hư tại mẹ”. Không muốn mẹ khổ, Phương chỉ còn nước im lặng mà nghe.

 

Hùng cũng nín nhịn cha nhiều. Nhưng may mắn hơn cho anh là cụ ông bị cụ bà “át vía”. Mà cụ bà thì “thanh niên tính”, bà hiểu và thông cảm cho con nên bao che “con cứ đi, miễn đừng quá 11 giờ”. Nhiều lúc Hùng thấy mình trẻ con nhưng thật may vì có mẹ “che chở”.

 

Thanh sau nhiều lần “nhẫn nhục” quyết tâm nổi dậy đấu tranh. Cuối cùng ông cụ cũng phải chịu vì rõ ràng tư tưởng của ông sai. Sau khi được cụ bà phân tích, lại thấy cảnh con dâu thui thủi một mình, vợ chồng mỗi đứa một nơi, ông muốn gọi Thanh về lắm nhưng tự ái không mở lời. Cụ bà biết ý gọi điện cho con trai, cả nhà lại bình thường.

 

Xung đột tư tưởng giữa hai thế hệ là điều không tránh khỏi. Không thể phủ nhận tính tích cực của những quan niệm cũ, nhưng nếu thái quá sẽ kìm hãm sự phát triển của thế hệ tương lai.

 

Rõ ràng, chấp nhận cái mới, cái hay của thời đại và bảo tồn tư tưởng cũ nhưng đúng đắn mới là điều các ông bố nên làm.

 

Tùng Nhi