Ở trọ trong nhà mình

Trong gia đình hạt nhân thời hiện đại, nhiều người không còn quan tâm, đầu tư nhiều cho cuộc sống gia đình, thậm chí không còn khái niệm “nhà mình” nữa.

Gia đình là nhà trọ

 

Ngay từ những ngày đầu mới cưới vợ, anh Hùng - trưởng một cửa hàng điện thoại - đã có vẻ sướng hơn những người đàn ông mới lập gia đình khác vì anh chẳng phải lo lắng gì cả.

 

Do hoàn cảnh nhà vợ neo đơn, bản thân anh cũng chưa có sự chủ động về kinh tế nên thời gian đầu vợ chồng anh về ở cùng với ba má vợ. Ba vợ anh nguyên là chủ một trại mộc nên cực kỳ tháo vát, má vợ anh làm nội trợ mấy mươi năm nên hết sức đảm đang. Hai ông bà lại còn đang rất khỏe. Thấy con rể mới về nhà mình còn lạ nước lạ cái, lại sợ con tủi thân “ăn nhờ ở đậu” bên vợ nên ông bà luôn giành phần đảm đương mọi việc trong nhà.

 

Tuy không bao cấp toàn bộ về kinh tế, nhưng trong nhà từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, cũng đều do một tay ba má vợ sắp xếp ổn thỏa. Lúc đầu anh Hùng cũng hơi ái ngại, nhưng chị Dương, vợ anh, nói: “Anh mới về chưa quen việc đâu, làm mất công hổng vừa ý ba má”. Sau đó không lâu, anh cũng quen dần. Cho đến lúc vợ sinh con rồi, anh vẫn còn lơ ngơ như người khách lâu lâu đến chơi. “Nước sôi để đâu em?”, “Giấy vệ sinh hết rồi kìa em!”, “Em ơi dậy dỗ con, nó khóc nãy giờ rồi kìa!”...

 

Không chỉ trường hợp ở chung với cha mẹ mới có kiểu “làm khách” như anh Hùng. Còn có nhiều gia đình hạt nhân khác, chỉ có vợ chồng con cái với nhau, nhưng cũng không ít người đóng vai như một người khách ở trọ trong chính căn nhà của mình.

 

Ngay chính trong công ty anh Hùng, có chị Tuyết, người vẫn thường tâm sự với mọi người về nỗi khổ có anh chồng hơi “khách sáo”, dù ở cơ quan chồng chị là người rất có năng lực. Mỗi lần đức lang quân dẫn bạn ở cơ quan về nhà liên hoan, là y như đang có một khóa huấn luyện mới trong nhà.

 

Nào là “Em ơi ổ cắm điện để đâu?”, “Con dao ở chỗ nào rồi?”, “Ủa anh lau nhầm giẻ lau bếp hả?”... Lâu lâu nghe chồng hỏi những câu trớt quớt, đại loại như: “Em nhắc một lần là anh biết cuối tuần có đám giỗ rồi, đừng có lải nhải nữa, nhưng mà đám giỗ ai vậy em?”...

 

Hai, ba khách trọ trong nhà

 

Phần lớn đàn ông khi lý giải nguyên nhân “làm khách” trong gia đình thường nói rằng do chưa quen với vai trò, vị trí mới. Khi còn độc thân, ở chung với cha mẹ thì không phải để ý đến việc nhà cửa. Cho đến lúc có gia đình riêng thì không thể hình dung hết cuộc sống cần có nhiều thứ phải quan tâm như vậy. Đó là chưa kể, bản tính đàn ông thường vô tư, chỉ chú ý đến tổng thể, ít quan tâm đến chi tiết, chỉ chú ý đến những việc lớn chứ mấy việc nho nhỏ trong nhà làm sao biết được?!

 

Bên cạnh đó, một số phụ nữ cũng tiếp tay cho quan điểm này bằng kiểu lập luận như chị Dương: “Tại sợ ảnh chưa quen!”. Ngoài ra, có những người vợ vốn dĩ giỏi giang, tháo vát, nên có thể kiêm nhiệm luôn vai trò của cả người đàn ông và người đàn bà trong gia đình để chồng yên tâm với những công việc bên ngoài xã hội. Từ đó, người chồng quên luôn nghĩa vụ làm chủ gia đình, ỷ lại và phó thác hoàn toàn cho vợ con.

 

Tuy nhiên, việc ngày càng có nhiều ông chồng ở trọ trong nhà chưa phải là điều đáng lo nhất. Đáng báo động hơn nữa là phải kể đến việc trong nhà không chỉ có một người mà có thể là hai, ba khách trọ. Vì giờ đây, nhiều gia đình đã có điều kiện thuê người giúp việc nên không chỉ các ông chồng mà nhiều bà vợ cũng trở thành khách trọ khi mọi việc đều phải hỏi người giúp việc.

 

Từ việc ấm trà vỡ lúc nào, cái chổi mua bao lâu rồi, cho đến việc ngày mai cho chồng con ăn gì ... đều phải trông cậy vào người giúp việc, nếu người giúp việc hôm đó nghỉ làm là các chị “bó tay” luôn. Rồi đến con cái, khi lớn lên, đã quen với cách sống của cha mẹ, với nếp sống thiếu gắn bó trong gia đình, mạnh ai nấy đi, chỉ biết đến việc học hành, vui chơi, công việc của bản thân, không ai quan tâm đến “nhà mình” nữa. Từ đó gia đình không còn là tổ ấm mà chỉ đơn thuần là một nơi chốn để có chỗ đi về.

 

Dân gian có câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” không có nghĩa là việc trong nhà chỉ là việc của đàn bà mà nó nói lên sự tương tác, hỗ trợ và thống nhất với nhau giữa vợ chồng trong việc xây dựng gia đình, tạo nên hôn nhân hạnh phúc và bền vững. Để gia đình thực sự là chỗ dựa vững chắc, là động lực tinh thần mạnh mẽ cho con người trong cuộc sống, luôn cần có sự chung tay xây đắp của từng thành viên trong đó. Vì vậy mỗi người, dù là vợ hay chồng, nên ý thức và thực hiện đầy đủ vai trò người chủ xây dựng gia đình, đừng mãi là một khách trọ ngay trong tổ ấm của mình.

 

Theo ThS tâm lý Lê Thị Linh Trang

Người lao động