Nỗi niềm chuyện ở rể

(Dân trí) - Chưa đầy một tuần nữa anh sẽ tổ chức đám cưới với Linh - cô con gái một trong gia đình ở Hà Nội. Anh là người Ninh Bình làm việc tại thủ đô chứ chưa mua được nhà riêng nên việc ở lại nhà vợ là điều không tránh khỏi

Nhưng càng đến gần ngày cưới, anh lại thấy lo lắng, trong lòng lúc nào cũng bồn chồn suy nghĩ “Ở rể là mất cái tự chủ và cái uy của thằng đàn ông”. Sự thật là anh chưa thể mua được nhà nên cực chẳng đã không còn lựa chọn nào cả. Chẳng lẽ vợ chồng anh thuê nhà ở riêng trong khi căn nhà 4 tầng của bố mẹ vợ rộng thênh thang không có ai ở. Ban đầu thì anh cũng không thấy có vấn đề nhiều bởi sắp xếp như thế là hợp lí và Linh - vợ anh cũng tôn trọng chồng hết mức, không vì là người Hà Nội mà lên mặt hay chỉ trích anh. Tuy nhiên ở công ty có anh Hải và hai, ba người nữa cũng đang trong cảnh “ở nhờ” đã kịp thời “ngăn cản” khi biết anh cũng chuẩn bị như thế.

Anh Hải kể “Ban đầu bố mẹ vợ cũng nhiệt tình lắm, nói là ở lại cùng nhà để không mất tiền chi trả và bố mẹ con cái lại được gần nhau. Nhưng rồi về sống mới biết hai cụ khác tính khác nết với mình lắm nên không tránh khỏi va chạm. Điều khó nhất đó là bố mẹ của vợ nên dù khó chịu đến đâu cũng không dám góp ý hay phàn nàn gì cả”. Mấy anh khác cũng được dịp truyền lại “kinh nghiệm” cho anh trong việc “vợ là người ở giữa không biết xử lí ra sao nên đâm ra bực tức với cả chồng và bố mẹ mình khiến hai cụ càng thêm “ghét ra mặt” con rể”. Quá ra nữa đó là nhà vợ sẽ nói bóng nói gió rằng “vì mày không có nhà cho con gái bố mẹ ở nên bố mẹ mới phải thế này chứ chẳng ai muốn ôm rơm nặng bụng làm gì”

Chàng lo lắng chuyện sẽ ở rể sau khi cưới

Chàng lo lắng chuyện sẽ ở rể sau khi cưới

Bao nhiêu chuyện khiến anh hoang mang rồi lại đâm ra nghi ngờ chính con mắt nhìn của mình. Trong mắt anh bố mẹ Linh rất hiền và không coi trọng vật chất nên cũng thoải mái đồng ý khi con gái quyết định về làm vợ một người con trai tỉnh lẻ. Từ trước đến giờ anh luôn có suy nghĩ rằng lấy vợ rồi thì bố mẹ vợ cũng là bố mẹ mình nên sẽ chăm sóc hai cụ thật tốt, vậy mà bây giờ anh thấy cái ý nghĩ đó có vẻ “hoang đường” không thực tế. Bởi các anh đi trước đã nói vậy, anh không tin cũng không được.

Suy nghĩ mông lung, anh chưa biết quyết định như thế nào cho đúng. Chẳng lẽ cả gan xin phép bố mẹ cho vợ chồng ra ngoài thuê nhà ở hay thỏa thuận trước với Linh một số điều và vẫn ở lại đó. Ra ngoài thì chắc chắn là các cụ không cho còn ở lại thì anh lo lắng va chạm rồi khi mâu thuẫn không biết sẽ thế nào….Càng gần ngày tổ chức đám cưới đầu óc anh lại quay cuồng nhiều khi bế tắc.

Hôm nay cũng như bao ngày, anh ngồi nhâm nhi li café đen không đường buổi sáng để chờ Linh sửa soạn quần áo rồi hai người sẽ đi mời nốt một số bạn bè. Bất giác tin nhắn của anh Hải báo tín hiệu ở điện thoại: “Chú quyết định nhanh đi đừng để rơi vào bi kịch như mấy anh em trên công ty thì nhục lắm” anh lại càng thấy tai mình nóng ran. Phải nói cho Linh biết những đắn đo, lo lắng mới được để vợ chồng hiểu nhau và anh cũng không thể sống trong cảm giác chần chừ không dứt khoát này mãi được.

Quả đúng là Linh đã giải tỏa được tâm lí này cho anh khi cô nhẹ nhàng nói “Anh phải tự tin vào chính bản thân mình để sống ở gia đình em. Vợ chồng sống với nhau là quan trọng, chúng mình hạnh phúc và đối xử với bố mẹ tử tế thì không có lí gì các cụ bắt bẻ anh. Trên cùng một cơ thể hai tay còn cái to cái bé hay đôi dép có khi còn cộc lệch thì làm sao đảm bảo 100% sẽ hài lòng về nhau nhưng quan trọng là hạn chế nó đến mức tối đa”. Linh cũng nói rõ quan điểm muốn vợ chồng ở lại để tiết kiệm chi phí, để dành tiền mua một căn nhà mới sau đó hai vợ chồng sẽ chuyển ra. Nghe vợ nói anh thấy những tính toán của Linh thật đúng và phù hợp với hoàn cảnh của hai vợ chồng son. Đúng là sẽ không có điều gì hoàn hảo nhưng anh cứ sống tốt với bố mẹ và với vợ đã rồi chuyện gì đến sẽ đến. Anh chột dạ “Chưa làm đã lo thì không biết lo đến lúc nào”.

Phạm Oanh