Nỗi lòng ở chung

(Dân trí) - Cuộc sống hiện đại, chị em nào cũng muốn có sự công bằng, không chịu nổi những áp đặt và khuôn phép đến thành áp lực trong gia đình nhà chồng. Tuy nhiên, "ra riêng" vốn không dễ khi “chồng là con trai một”/”Đến ăn còn chẳng đủ”…

Sướng không biết hưởng?

Nếu hồi mới về, Nhung “tung tẩy” bao nhiêu vì có mẹ chồng lo cho từng miếng ăn, giấc ngủ thì dần dần cô trở thành “osin” lúc nào không hay. Lúc đầu, mẹ chồng chỉ đi trong ngày, dặn dò cẩn thận: “Mẹ chuẩn bị cả rồi, con chỉ việc bỏ rau ra luộc, bỏ thịt ra hấp là xong”. Chưa yên tâm, bà còn gọi điện về chỉ đạo thêm cho chu tất. Dần dần bà đi vài ngày rồi cả tuần mới về. Những lúc về chỉ là để chợ búa, chuẩn bị thêm nồi thịt kho, cá kho… rồi các loại rau sơ chế, nhặt sạch… xếp ngăn nắp trong chiếc tủ lạnh cỡ lớn. Và vẫn giữ nếp cũ, hằng ngày, đều đặn bà gọi điện về cho ông, cho con dâu dặn dò cẩn thận hôm nay ăn gì, nấu ra sao.

Ai cũng bảo Nhung sướng, mẹ chồng quá chu đáo, thương con, vừa biết chăm con gái lại chu tất với con dâu nhưng tự đáy lòng Nhung thấy chẳng vui. Vậy là những tưởng mình đi làm gần nhà đẻ, trưa về ăn sẽ đỡ mệt hơn, Nhung phải tất tả về chuẩn bị ăn trưa cho chồng và bố chồng. Khổ một nỗi, bố chồng cô vốn “chả biết mở cánh cửa tủ lạnh” nên dù con dâu hay vợ dặn dò thì các món nấu cũng khi nhừ bét, lúc thành thập cẩm vì “đổ tất vào quay vi sóng cho nhanh lại tiết kiệm”!!! Vậy là bữa ăn trưa bỗng chốc thành gánh nặng, nuốt không nổi mà lại chẳng có thời gian nghỉ ngơi.

Nhà đẻ Nhung vốn quen ăn tươi, thức ăn mua ngày nào hết ngày ấy. Vậy mà giờ thì chỉ tuyền đồ tủ lạnh, các món mặn đã đành, ngay đến rau cỏ, 2 bước chân là xuống tới chợ, rau xanh tươi non mơn mởn, cũng để tủ lạnh cả tuần. Mà các món bà kho, vì vội vã, tranh thủ nên thường không cháy thì mặn. Một nồi tướng, cả tuần ăn lay lắt mãi mới hết, chưa kịp hoàn hồn, tuần sau đã lại nồi mới.

Vợ chồng son, thỉnh thoảng muốn đi ăn ngoài, đi gặp bạn bè hay đây đó cũng khó vì còn ông, không thể để bố ở nhà một mình. Vậy là cuộc sống bỗng chốc thành tù túng, sáng đi làm, trưa tất tả về ăn bữa cơm khó nuốt, tối cơm cơm nước nước rồi dọn dẹp rồi nằm xem tivi và ngủ lúc nào không biết… khác hẳn với những mơ mộng tối xem phim, đi thăm bạn bè… như hồi chưa cưới.

Khổ không biết kêu?

Khác với Nhung, Hoa về làm dâu trong một gia đình lớn với đủ em chồng, cháu chồng, cô chồng, con cô chồng. Bố mẹ chồng rất tốt nhưng lại cực kỳ khó tính và kỹ tính. Luôn dạy dỗ con cái là phải làm thế này mới đúng, làm thế kia mới phải đạo… Thế nên tất cả các con, trong đó có chồng Hoa chưa bao giờ xứng với kỳ vọng của 2 cụ… Vậy là Hoa trở thành nơi ông bà trút nỗi niềm mong mỏi có được cô con dâu lý tưởng. Bất kỳ lúc nào, bất kể việc gì Hoa làm cũng đều được bố mẹ chồng “góp ý” để tốt hơn, để chăm chỉ hơn.

Chuyện dậy sớm pha trà, quét tước nhà cửa, rửa bát, lau dọn bụi bặm đồ đạc… là phải đều đặn như “vắt chanh”, bất kể nắng mưa hay có việc gì. Nếu không khỏe, dậy muộn sau bố chồng thì thế nào Hoa cũng nhận được lời giáo huấn: “Con phải chịu khó, chăm chỉ thì chồng nó mới tôn trọng, bố mẹ con cũng tự hào…”.

Vậy là việc chăm lo cho cả một gia đình lớn cứ thế cuốn sạch mọi thời gian rảnh rỗi của 2 vợ chồng son. Cứ về đến góc riêng của mình là chỉ còn nước lăn ra ngủ để lấy sức chuẩn bị cho một chu trình đã định sẵn. Không trò chuyện, chia sẻ, chẳng có những giây phút riêng tư, không cả sở thích thói quen đã có từ ngày con gái, Hoa nảy sinh ước ao thoát khỏi cảnh này và bỗng thấy “thèm” ghê gớm một cuộc sống chỉ có đôi chim cu.

Theo các chuyên gia tâm lý, những ấm ức về cuộc sống chung nếu không được giải tỏa, chia sẻ, không nhận được sự cảm thông, động viên từ người chồng thì mâu thuẫn, thành kiến sẽ chỉ ngày càng gia tăng mà không có cách nào khắc phục được. Cách tốt nhất là con dâu nên chọn dịp, chọn thời điểm thích hợp để tâm sự với mẹ chồng, bố chồng về những khúc mắc trong lòng.

Với trường hợp của Nhung, việc đề nghị mẹ chồng để mình đi chợ, tự lo việc bếp núc là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, với những người phụ nữ vốn luôn giữ vai trò trụ cột gia đình thì việc thuyết phục đôi khi không dễ, lúc đó, cách tốt nhất là nên dung hòa. Một mặt để bà tiếp tục quản lý chi tiêu, chuyện bếp núc gia đình; mặt khác, con dâu nên tự tạo cho mình giây phúc riêng tư, không nên câu nệ tới mức phải về ăn trưa khi chỗ làm xa, không tiện đi lại.

Với trường hợp của Hoa, việc chia sẻ những khó khăn, khúc mắc trong công việc của bản thân với bố mẹ chồng sẽ rất quan trọng. Việc chia sẻ thường xuyên sẽ giúp 2 cụ dần hiểu về tính chất công việc bận rộn của bạn cũng như điều chỉnh lại việc phân công lao động trong nhà. Ngoài ra, sống trong một gia đình lớn như vậy, người con dâu luôn phả biết chấp nhận thiệt thòi, nhún nhường còn không, ra riêng là giải pháp duy nhất. Vấn đề là nên có quyết định sớm, dứt khoát, dù thu nhập có thể chưa cao, còn nhiều khó khăn; dù có thể làm ảnh hưởng ngay lập tức tới quan hệ trong gia đình lớn nhưng “xa thương gần thường” và thời gian sẽ giúp những người trong cuộc hiểu được vấn đề, giúp giảm thiểu những tổn thương sâu sắc trong mối quan hệ vốn rất phức tạp này.

Minh Thu