Nỗi lòng kẻ... “ôm bom”

Từ lúc phát hiện mình có bầu đến lúc được chàng "rước về dinh" thật là dài và nhiều bất trắc...

Nỗi lòng kẻ... “ôm bom” - 1
 
Nguy cơ "mất trắng"

 

Lan (nhân viên IT, TPHCM) yêu Tuấn gần được 2 năm nhưng không được gia đình chấp nhận. Bố mẹ Lan cho rằng, Tuấn làm nghề tự do, không ổn định nên nhất quyết khuyên con gái tìm mối khác. Chán cảnh chờ đợi, Lan chủ động dụ người yêu “ăn cơm trước kẻng”, để ép bố mẹ cho cưới.

 

“Kế hoạch” hoàn thành cũng là lúc “ông bố trẻ” thay tâm đổi tính. Tuấn lý luận: “Bố mẹ em sẽ chẳng coi anh ra gì.

 

Các cụ sẽ nghĩ rằng, anh giăng bẫy em, nên tốt nhất, chúng ta không cưới”. Lúc này, Lan mới cuống quýt vì vừa lo “níu kéo” người yêu vừa lo giải thích cho bố mẹ.

 

Chắc có đích tôn, ông bà nội mới cho về

 

Sau khi cậu con trai được 2 tháng tuổi, kháu khỉnh, đáng yêu, Nhâm (Đông Anh, Hà Nội) mới được ông bà nội cho đón về. Số là do Dũng - chồng Nhâm đã có một đời vợ cùng 2 cô con gái riêng. Biết “con dâu tương lai” mang bầu, bố mẹ Nhâm lừng chừng rồi tuyên bố: “Để từ từ tính sau”. Uất ức, Nhâm quyết định sinh con một mình.

 

Khi biết tin, Nhâm sinh được một “thằng cu” khỏe mạnh, bố mẹ Dũng lại vội giục giã con trai đi đón dâu, đón cháu về. Hết thời gian ở cữ, Hà ôm con về nhà chồng mà không cần tổ chức cưới xin đình đám. 2 người ra phường đăng ký, đồng thời được hai bên gia đình tổ chức một bữa cơm nhỏ - thông báo cho hàng xóm, họ hàng biết Hà đã về nhà chồng. Mọi chuyện thế là êm xuôi.

 

“Bố nó” trốn trách nhiệm

 

Hằng bầu đã to và muốn được cưới ngay, trong khi, Chính còn “lờ đờ nước hến”: “Sang năm mới cưới, anh còn bận học lên cao”.

 

Sợ cảnh phá thai, lại thấy mình cũng không còn trẻ (đã suýt soát 30), Hằng nhất định giữ thai lại. “Cuộc chiến” giằng co chưa có hồi kết thì Chính có ý tránh mặt người yêu. Trước tiên, anh âm thầm đổi nhà trọ mà không cho Hằng biết. Tiếp đến, kế hoạch cắt đứt liên lạc với người yêu bằng di động cũng được Chính “phác thảo”. Duy chỉ có chuyện thuyên chuyển công tác là Chính còn… chậm trễ thì đã bị Hằng phát giác.

 

Sau 5 lần gọi điện cho Chính không được, Hằng quyết định lên kế hoạch “đón lõng” Chính ngay cửa cơ quan. Gặp nhau, “đôi trẻ” xông vào to tiếng đến mức đồng nghiệp của Chính phải “nhảy vào” can ngăn. Mọi người chép miệng: “Thế này mà có trói được nhau thì cũng chỉ đến lúc đẻ xong là “đứt”.

 

“Ăn cơm trước kẻng” - Kế hoạch đầy mạo hiểm

 

Có bầu trước hôn nhân không còn là chuyện hiếm. Nếu may mắn, bạn gái sẽ được tổ chức đám cưới ngay sau đó. Nếu trục trặc, bạn gái có thể đối mặt với nguy cơ “treo cưới” vô thời hạn.

 

Thậm chí, ngay cả khi nhà trai đồng ý cho tổ chức đám cưới thì họ vẫn có cái nhìn ác cảm với nàng dâu, nhất là khi trong nhà có chuyện cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Không ít phụ nữ có bầu trước hôn nhân và được nhà trai tổ chức cưới xin đàng hoàng nhưng sau này, chính người chồng lại nảy sinh tâm lý ức chế. Anh ấy có thể lý luận: “Chưa sẵn sàng mà đã phải cưới” hoặc bị chuyện cưới xin làm gián đoạn hành trình công danh, sự nghiệp nên thường xuyên khó chịu với vợ. Cho dù trước đó, hai người có yêu nhau tự nguyện và sâu sắc.

 

Bên cạnh việc phải đối diện với dư luận thì chuyện “ăn cơm trước kẻng” rất dễ gây mất thăng bằng trong đời sống vợ chồng:

 

- Chuẩn bị cho con thụ động, người phụ nữ dễ bị căng thẳng sau khi sinh, chăm sóc con cũng khó bề chu đáo.

 

- Không trăng mật, mới cưới đã phải “nhịn” lâu, đàn ông càng dễ “sa ngã”.

 

- Tâm lý bị nhà chồng coi là “máy đẻ” cũng khiến hòa khí trong gia đình ảnh hưởng nghiêm trọng.

 

Trường hợp xấu nhất, anh người yêu “no xôi chán chè” thì các bạn gái sẽ phải gánh vác trách nhiệm nuôi con một mình. Khi ấy, những cực nhọc của người mẹ đơn thân không dễ khắc phục.

 

Theo Mẹ và bé