Bạn đọc viết:

Nỗi khổ làm dâu

(Dân trí) - Tôi là một người phụ nữ đã có gia đình. Không may mắn cho tôi, bố mẹ chồng tôi là những người thủ cựu khiến cho cuộc sống của tôi ngạt thở. Tôi những mong mang được dòng tâm sự của mình đến được với mọi người và được mọi người cảm thông chia sẻ.

Hồi còn yêu nhau tôi tự hỏi tại sao anh và các em của anh không thích về nhà. Bây giờ về làm dâu tôi đã trả lời được câu hỏi đó.

 

Bố chồng tôi là một người thủ cựu đến mức gàn dở và ông luôn cho mình là rất xuất chúng trong mọi chuyện, từ thượng vàng đến hạ cám. Trong nhà chồng tôi tồn tại hai định lý: một là trên đời này bố luôn đúng hai là nếu ai nghĩ bố có gì không đúng thì xem lại điều một.

 

Ông luôn ép chúng tôi vào một khuôn khổ tù túng đến nghẹt thở. Chúng tôi không được đi đâu mà không xin phép ông. Nếu đi không được quá hai tiếng và phải về  nhà ăn cơm, đi buổi tối không được quá 10 rưỡi. Vì vậy mặc dầu nhà mẹ đẻ tôi ở gần đấy nhưng rất ít khi tôi dám sang chơi và chuyện ăn một bữa cơm bên nhà mẹ đẻ chỉ là chuyện mơ ước.

 

Ông nói với tôi vì tôi là con dâu nên tôi phải lo lắng hết mọi chuyện lễ tết, giỗ chạp phúng viếng và tất nhiên ông yêu cầu tôi phải thực hiện chúng một cách hoàn hảo. Nếu tôi có phạm một lỗi nào dù rất nhỏ đi chăng nữa thì cũng bị ông nói là đồ vô tích sự.

 

Ông nói vì tôi là chị dâu nên tôi phải làm các công việc nấu cơm, rửa bát quét nhà thậm chí là cả dọn nhà vệ sinh thay cho các em chồng tôi, mặc dù các em chồng tôi đứa lớn kém tôi có một tuổi, đứa bé chỉ kém tôi có vài tuổi. Chồng tôi thương tôi nên nhiều khi góp ý với ông nhưng ông nói anh mất dạy và không đủ tư cách dạy dỗ ông. Còn tôi khuyên anh đó chỉ là những công việc nhỏ không đáng để tị nạnh và luôn cố gắng hết sức để làm vừa ý ông.

 

Tuy nhiên ông luôn xét nét tôi, tìm từng lỗi nhỏ của tôi để giáo huấn, ví dụ như buổi sáng sớm, tôi dậy nấu cơm đến lúc gần chín thì con khóc, tôi phải chạy vào buồng cho nó bú thì đúng lúc đó ông ngủ dậy đi qua bếp ngó vào đó chỉ thấy đứa em chồng vừa mới dậy trước ông một tí là ông cho ngay rằng tôi chưa dậy, ông liền sai đứa em vào buồng gọi tôi ra và mắng rằng tôi là đồ bỏ đi, nằm trương thây nứt mắt để em chồng phải thổi cơm.

 

Chúng tôi tìm được công việc trên thành phố và chuyển lên đó sống. Mỗi tuần chúng tôi đều thu xếp công việc để về quê điểm danh và không bao giờ dám vắng mặt mỗi khi nhà có giỗ chạp, tết đến thì lo lắng về sớm để dọn dẹp. Mặc dù lương còn ít ỏi nhưng chúng tôi vẫn phải cố gắng trích mua một món quà có tấm có món cho bố mẹ trong mỗi lần về vì nếu không như thế sẽ bị bố mẹ chồng tôi cho là không có tình cảm, “ăn cháo đái bát”.

 

Mẹ chồng tôi là người cầm kinh tế trong nhà, mặc dù tài chính của bà rất mạnh có tiền xây một ngôi biệt thự thật to để ở, rồi có hàng tỷ đồng cho người này người kia vay lãi nhưng chưa bao giờ bà giúp vợ chồng tôi một chút xíu. Hồi anh ấy mới ra trường hỏi mượn bà có hơn mười triệu để làm vốn đi làm nhưng bà cự tuyệt khiến chúng tôi phải khổ sở chạy vạy vay mượn bạn bè. Cũng may sau đó chúng tôi làm ăn cũng may mắn nên chẳng mấy chốc trả được nợ, mua xe máy, sửa nhà và mua sắm tất tật đồ dùng để chuẩn bị đám cưới. Chúng tôi vẫn đùa với nhau rằng may mình tự làm được lấy mà ăn không có thì chết đói.

 

Khi chúng tôi được đàng hoàng như ngày nay thì bố mẹ chồng tôi nói rằng hồi xưa họ làm như vậy vì muốn chúng tôi tự lập. Họ trách chúng tôi đi làm mà không đưa lương cho họ và rằng chúng tôi phải tỏ lòng thơm thảo hơn nữa. Mặc dù vợ chồng tôi thấy ấm ức nhưng nghĩ con không chọn được bố mẹ nên vẫn cố gắng để chiều ý các cụ cho yên cửa nhà, tuy nhiên mới đây xảy ra một chuyện mà tôi thấy nó đã vượt ngoài sức chịu đựng của tôi.

 

Chồng tôi đợt này làm ăn lớn hơn nên thiếu một chút tiền. Rút kinh nghiệm lần trước chúng tôi vốn không định hỏi vay tiền gia đình chồng nhưng tôi ngẫm nghĩ, bố mẹ có thể cho người ngoài vay tại sao con lại không cho vay và chúng tôi quyết định hỏi các cụ. Nhưng chúng tôi hoàn toàn bị bất ngờ khi câu trả lời của bố mẹ chồng tôi là sẽ cho vay nhưng với mức lãi suất cắt cổ gấp bốn lần ngân hàng. Chúng tôi tuyệt vọng và quay qua bên ngoại nhờ vả. Vì có con nhỏ nên chúng tôi thu xếp chuyện về vay tiền vào một ngày Chủ nhật, trùng với ngày giỗ họ chồng tôi.

 

Buổi sáng chúng tôi sang bên nhà thờ họ làm giúp tới gần trưa thì về đưa con sang bên ngoại để thu xếp việc của mình. Tới khi quay về nhà chồng để chuẩn bị quay lên thành phố thì bố chồng tôi gọi tôi ra mắng tôi là đã phá hoại cuộc ăn họ của chồng, làm ông mất mặt với họ hàng và nói rằng tôi không quan tâm đến dòng họ, tức là không quan tâm đến tổ tông gốc gác của mình. Rằng người như thế có học cũng bằng không và cuối cùng ông nói tôi là kẻ vô học. Tôi thấy choáng váng nhưng không nói câu nào chỉ lẳng lặng thu xếp đồ đạc để dời khỏi chốn này.

 

Tối hôm đó, tôi gọi điện cho bố chồng tôi để giải thích việc chúng tôi không ăn giỗ họ được vì có việc quan trọng cần giải quyết nhưng chỉ nhận được câu khẳng định của ông rẳng tôi là đồ vô học rồi ông cúp máy. Lúc đó tôi thấy có một cái gì đó đổ vỡ trong tôi, tôi thấy cay đắng vì hoá ra bao nhiêu cố gắng của tôi đã làm từ khi về nhà chồng chỉ đổi được bằng hai chữ vô học.

 

Tôi nguyền rủa tại sao tôi lại làm con dâu ông_ một lão già gàn dở mắc chứng hoang tưởng. Tôi nghĩ ăn họ mà làm gì trong khi thực sự họ hàng rất xem thường chúng tôi vì cái tính kẹt xỉ của mẹ chồng tôi và cái tính “quái thai” của bố chồng tôi. Và ngay cả ông cũng đã cắt đứt mọi mối quan hệ với chính gia đình anh trai mình và gây mâu thuẫn với nhiều gia đình khác trong dòng họ.

 

Tôi thấy trước đây, tôi nghĩ cần phải tôn trọng ông bao nhiêu thì bây giờ tôi thấy xem thường ông bấy nhiêu. Không biết tri thức cả đời học hỏi của ông có đủ để ông hiểu được hết nghĩa của hai từ vô học không mà ông có thể buông lời dễ dàng như vậy. Trong lòng tôi trào lên sự căm gét ông sâu sắc và tôi thề rằng sẽ chỉ về quê thực hiện nghĩa vụ làm dâu trong  dịp lễ tết giỗ chạp mà thôi. Tôi không muốn nhìn, không muốn nghe thấy ông nữa.

 

Thật chớ trêu thay bây giờ khi sắp đến dịp nghỉ lễ Ba mươi tháng tư - Mồng một tháng năm tôi lại thấy băn khoăn không biết mình có nên về nhà không vì từ trước đến giờ bố chồng tôi có một qui định rằng vào dịp này tất cả mọi thành viên đều phải có mặt ở nhà.

 

Bản thân tôi không hề muốn quay về chốn đó nhưng tôi lo sợ nếu không về ông sẽ lại càng ghét tôi hơn và như thế sẽ làm khó chồng tôi hơn. Tôi thấy mình đang ở trong hầm tối thật ngạt thở, bí bách.

 

Trangduoc…@yahoo.com