Nỗi đau của người mẹ có con “cuồng sát”

Chị không thể tin rằng, đứa con ngoan ngoãn hiền lành của mình lại biến thành một con quỷ dữ khát máu chỉ sau có 21 ngày xa mẹ…

 
Nỗi đau của người mẹ có con “cuồng sát” - 1

Lê Ngọc Chung.
 
Lê Ngọc Chung là nhân viên rửa xe ở cửa hàng của gia đình anh Đỗ Quốc Hùng. Trong quá trình làm việc, có nhiều lần Chung bộc lộ tính xấu hay táy máy đồ của người khác và được chủ nhắc nhở.

 

Không những không chịu sửa chữa, Lê Ngọc Chung sinh ra thù hận và mua kiếm của người bạn cùng quê là Lê Văn Bình và lập kế hoạch giết người. Rạng sáng ngày 30/4/2007, kẻ thủ ác đã dùng lưỡi kiếm oan nghiệt kết liễu 3 mạng người và làm trọng thương hai người khác.

 

Cho đến tận giờ phút này, chị Nguyễn Thị Chín vẫn tin rằng có một con quỹ dữ chiếm đoạt linh hồn con trai chị và đẩy Chung tới hành động thủ ác đó chứ không phải là chính nó. Gặp chị trong căn nhà tuềnh toàng ở Bạch Nao, người mẹ không thể kìm được nước mắt khi nói về đứa con mà mình dứt ruột đẻ ra.

 

Trong ký ức của chị Chín, Chung là một đứa trẻ hiền lành, ngoan ngoãn. Vừa lau nước mắt, chị vừa lấy tập giấy khen của Chung suốt trong những năm học tiểu học và THCS ra cho tôi xem. Chị bảo: “Bao nhiêu năm trời, cháu chỉ ở nhà chơi với gà với chó chứ không chơi bời, đàn đúm gì. Ai ngờ…”.

 

Nguyễn Thị Chín là người con gái thiệt thòi khi mới sinh ra đã mắc bệnh suy thận nặng. Đến tuổi lấy chồng, các bác sĩ khuyên không nên sinh con bởi có thể ảnh hưởng đến tính mạng nhưng chị không thể khước từ quyền làm mẹ của mình.

 

Năm 1986 chị sinh được một cô con gái. Do bệnh tật, chị bị gia đình chồng hắt hủi và cướp đi đứa con gái đó. Một mình trở về quê cũ, chị lủi thủi sống trong căn nhà lụp xụp do bố mẹ đẻ cho.

 

Năm 1990, bản năng làm mẹ lại trỗi dậy và chị đã sinh ra đứa con trái kháu khỉnh đặt tên là Lê Ngọc Chung. Từ nhỏ tới lớn, Chung ít nói nhưng ngoan ngoãn và rất thương mẹ. Chị Chín kể: “Cháu đi học, tôi cho tiền cũng không dám lấy, vì thương mẹ nghèo, vất vả kiếm tiền. Cháu không bao giờ lấy trộm tiền của mẹ, cho đến cái đêm định mệnh ấy”.

 

Đó là đêm 10/4/2007, Chung bỏ nhà ra đi, viết thư để lại cho chị Chín, xin một chiếc xe máy và 1 triệu đồng và đề nghị mẹ “coi như con đã chết rồi”. Thời điểm này, chị gái của Chung đã đi lấy chồng. Người chồng bội bạc của mẹ năm nào nay đã nhận ra lỗi lầm và xin trở về nối lại tình xưa nghĩa cũ. Người đàn bà chịu nhiều sóng gió chỉ mong có một mái ấm hạnh phúc nên nhanh chóng đồng ý.

 

Chị những tưởng, niềm hạnh phúc đó sẽ kéo dài mãi mãi bởi dù không phải là cha con ruột thịt nhưng chồng chị là anh Lê Văn Thương và Chung sống khá hòa thuận. Thậm chí có lần, hai bố con đã bàn đến kế hoạch tương lai, Chung sẽ thi vào Trường Sĩ quan Lục quân, nếu không đỗ sẽ đi học nghề điện. Sau khi tốt nghiệp, Chung mở một hiệu sửa chữa nhỏ, bố Chung sẽ rửa xe còn chị Chín sẽ nấu cơm. Viễn cảnh tương lai tan vỡ sau một lần hai cha con cãi vã và Chung bỏ nhà ra đi.

 

Chị Chín còn nhớ nguyên 21 ngày con bỏ đi là 21 ngày chị không ăn không ngủ. Vốn mang bệnh tật, chị lại càng thêm yếu. 21 ngày ấy dài đằng đẵng trong chờ đợi mỏi mòn và trong nước mắt. Chị đã huy động tất cả mọi người quen để đi tìm con nhưng càng tìm càng vô vọng. Thậm chí, chị đã photo rất nhiều tờ rơi có in hình của Chung để nhờ Cảnh sát giao thông ở các chốt tìm kiếm.

 

Sự chờ đợi của chị đã có kết quả nhưng nó lại không đáp đền những mỏi mòn mà chị phải gánh chịu. Ngược lại, nó nối dài thêm sự cay đắng của người phụ nữ vốn chịu nhiều thiệt thòi của số phận: Chị nhận được thông báo của cơ quan Công an lên nhận con mình với cái tên Hùng - tên của Chung khi gây ra án mạng.

 

Có mặt tại cơ quan Cảnh sát điều tra và biết được sự thật rằng con trai mình đã giết chết 3 mạng người, chị quỵ ngã. Đứa con bé bỏng của chị đã cầm kiếm tước đoạt đi mạng sống của một bà già, một nam giới khỏe mạnh và một cậu bé bằng tuổi nó. Hai người nữa, một phụ nữ và một cháu bé mới 8 tuổi bị thương nặng đang nằm bệnh viện. Chị không thể tin rằng, đứa con ngoan ngoãn hiền lành của mình lại biến thành một con quỷ dữ khát máu chỉ sau có 21 ngày xa mẹ.

 

Những ngày Chung bị giam chờ cơ quan điều tra xét hỏi là những ngày chị Chín sống trong tuyệt vọng. Chị biết rằng, chẳng gì có thể bù đắp được nỗi đau của những người thân trong gia đình nạn nhân. Đúng 100 ngày của 3 người đã mất, chị cùng cô con gái đến quỳ lạy trước vong linh của người đã mất những mong gánh bớt những tội lỗi mà con mình đã gây ra. Bao nhiêu nỗi uất hận của người còn sống dồn hết lên đôi vai của người mẹ. Lúc đó, chị chỉ biết khóc và van lạy.

 

Nhiều lần sau đó, vào những ngày rằm và ngày mùng 1, chị vẫn đến thắp nhang cho những người đã khuất dù cho nhiều người ngăn cản không nên đến bởi cơn tức giận bùng phát khi không có kiểm soát có thể dẫn đến những điều không lành với bản thân chị. Chị nghĩ rằng, nước mắt chảy xuôi và tội lỗi của con cũng là tội lỗi của người mẹ.

 

Trong thời gian chờ xét xử, người phụ nữ ấy luôn sống trong sự sợ hãi và tuyệt vọng. Bên cạnh việc phải đối mặt với búa rìu dư luận giáng xuống gia đình, chị còn sống trong sự tuyệt vọng khi nghe nhiều lời đồn con trai chị sẽ bị tử hình bởi giết người phải đền mạng.

 

Từ ngày con gây án, chưa đêm nào chị ngủ yên giấc. Trong những giấc mơ của mình, chị thấy hình ảnh những người chết hiện về đeo bám chị. Chị mơ thấy cảnh con mình bị dẫn ra pháp trường hành quyết. Khi giật mình choàng tỉnh, chị chỉ còn biết khóc. Bao nhiêu tình yêu thương, bao nhiêu niềm hy vọng vào một đứa con ngoan ngoãn, hiếu thảo, đứa con có thể cho chị một nơi nương tựa, một niềm an ủi, một mái ấm hạnh phúc khi về già giờ đây vuột khỏi vòng tay của chị.

 

Mỗi lần được vào thăm con, chị Chín đều động viên con thành khẩn khai báo để nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Chị cầu trời khấn phật để những cơn ác mộng kia không trở thành hiện thực. Chỉ đến khi tòa tuyên án, chị mới thực sự tin rằng, con mình vẫn có cơ hội làm lại cuộc đời. 12 năm tù, 12 năm thanh xuân là cái giá mà Lê Ngọc Chung phải trả cho tội ác tày trời của mình.

 

Từ khi Chung thụ án, mỗi tháng một lần chị Chín lại lặn lội từ Hà Nội vào Thanh Hóa thăm con. Việc duy nhất người mẹ có thể làm lúc này là động viên con cải tạo tốt và đợi chờ đến ngày con được trở về hòa nhập với cộng đồng.

 

Lê Ngọc Chung chỉ là một trong số nhiều sát nhân tuổi vị thành niên trong hồ sơ của cảnh sát. Do thiếu sự quan tâm của người thân, do đua đòi ăn chơi theo chúng bạn hoặc do rất nhiều nguyên nhân khác, những đứa trẻ đang tuổi đến trường này đã tự tước mất cơ hội của cuộc đời mình khi gây ra những vụ giết người thảm khốc.

 

Khoảng trống đằng sau những bản án chính là những số phận, những mảnh đời không bao giờ còn lặn lành, nguyên vẹn. Rồi đến một ngày Lê Ngọc Chung sẽ mãn hạn tù, nhưng nỗi đau buồn đã trở thành án “chung thân” trong trái tim một bà mẹ…

 

Theo Cảnh sát toàn cầu