Nỗi ân hận của người vợ không chịu tha thứ cho chồng

Chồng ngoại tình, chị kiên quyết ly hôn dù bao nỗ lực níu kéo của anh. Ba năm sau cuộc chia ly, đọng lại trong lòng chị là nỗi ân hận và câu nói “giá như”…

Nỗi đau của “người vợ mạnh mẽ”

Chị tên Nguyễn K.H., sống ở chung cư Gò Dầu, quận Tân Phú. Vợ chồng chị lấy nhau được 8 năm, sinh được hai con một trai, một gái. Chị làm ở một ngân hàng tại TP HCM, xinh xắn, trẻ trung. Anh thì làm xây dựng, dáng dấp lù khu, bụi bặm.

Những năm đầu mới cưới và sinh đứa con đầu lòng, hai vợ chồng hạnh phúc lắm. Anh làm ăn cũng đang gặp thời, mọi chuyện suôn sẻ. Nhưng đến khi chị bắt đầu mang thai đứa con thứ hai, mọi chuyện bắt đầu khác. 

Trong khi chị càng ngày càng thăng tiến, thu nhập tăng lên thì anh ngược lại, gặp nhiều bất trắc. Kinh tế khó khăn, nghề xây dựng ít khách hàng, lại phải bồi thường một hợp đồng lớn khiến anh gần như trắng tay. Thời điểm ít việc, anh hầu như không làm gì, buồn nản, bệ rạc.

Chị thì quần áo lượt là, đi công việc, đi tiếp khách. Anh khó chịu, thế là cãi cọ nhau. Từ vị thế bình đẳng, dần dà trong con mắt chị, chồng chị bỗng bị hạ xuống vài nấc, thành kẻ ăn bám vợ. Trong ngôn ngữ của chị bắt đầu có những lời nói xem thường chồng. 

Buồn chán, vô công rồi nghề, mong muốn nhanh chóng lấy lại những gì đã mất, anh theo bạn đánh bài, lúc đầu thì chơi cho vui, càng chơi càng hăng. Rất nhiều lần hai vợ chồng chị nảy ra những trận tranh cãi nảy lửa vì chị khuyên mà anh không nghe. Chị càng coi thường chồng hơn. Trong những lời lẽ chị dành cho chồng, đã có “vô tích sự”, “bê tha”…

Những rạn nứt trở thành đổ vỡ từ khi chị phát hiện anh có “bồ nhí”. Từ những cuộc gọi bất thường, tin nhắn lạ, rồi chồng chỉnh chu hơn khi ra ngoài, chị đã có những linh cảm không hay. Theo dõi chồng, chị phát hiện ra, người mà chồng chị đang qua lại là một cô gái phục vụ quán café gần công ty xây dựng của anh.

Nghe tin, mẹ chị tức tốc từ Hà Nội bay vào để “giải quyết” chuyện nhà con gái. Trước đây, khi nghe đứa con gái xinh đẹp của mình lấy gã đàn ông làm cái nghề phải đi đây đi đó, bà đã cản mà con không nghe. Bà chì chiết con gái:

“Mẹ đã nói với con bao nhiêu lần rồi, lấy thằng chồng chả xứng với mình, giờ nó theo gái, trắng mắt ra chưa? Thôi, giờ thì nhất định ly hôn đi, mày hai con nhưng nhìn còn trẻ đẹp, có tiền, sợ gì không có thằng theo”. 

Không chỉ khuyên chị, mẹ chị còn can thiệp vào chuyện nhà, ra mặt chửi mắng, xỉ vả con rể. Đỉnh điểm là con rể phải thẳng thừng mời bà quay về Hà Nội “để vợ chồng con tự giải quyết với nhau”.

Anh kiên quyết không đồng ý kí vào đơn, vì còn yêu vợ, thương con, không muốn gia đình tan nát, anh chỉ sa cơ và nhất thời mắc phải sai lầm, sẽ quyết tâm làm lại từ đầu. Từ ngày lấy chị, chưa một phút giây anh nghĩ đến người đàn bà khác, nhưng ở thời điểm này, khi lòng tự trọng đàn ông bị đánh mất, cộng thêm việc chị tỏ thái độ khinh anh, lại có người con gái luôn ở bên lắng nghe, chia sẻ, an ủi anh, khiến anh xao lòng… “

Anh hứa với em sẽ không bao giờ có chuyện như vậy xảy ra, anh sẽ cố gắng thay đổi, trở lại như xưa, để mẹ con em hạnh phúc” - người đàn ông kiệm lời, làm nhiều hơn nói như anh thốt ra câu nói này không dễ dàng. Nhưng chị đã lắc đầu.

Nỗi ân hận của người vợ không chịu tha thứ cho chồng - 1

 

Ảnh minh họa. Nguồn internet. 

Quyết tâm ly hôn…

Năm 2011, chị chính thức nộp đơn xin đơn phương ly hôn tại TAND quận Tân Phú sau khi sinh con được hơn 1 năm. Chị khăng khăng giành quyền nuôi con vì với chị, anh chỉ là một gã trắng tay, đã thế lại ngoại tình với một con bé mà chị cho là “rẻ tiền”, thiếu phẩm giá, nên không thể có cơ hội được sống với mẹ con chị nữa, 

Sau khi thuyết phục vợ không được, gần 1 năm trời, để phản ứng với chuyện ly hôn và tránh chạm mặt chị, anh đi công trình biền biệt, thi thoảng mới về thăm con. Toà triệu tập mấy lần, anh lấy cớ không nhận được giấy, dù chị đưa tận tay anh. Hồ sơ bị ách lại. 

Quyết tâm bỏ chồng, chị thuê luật sư tư vấn. Thậm chí, chị nhờ đại diện tổ dân phố nhận giùm chị giấy triệu tập của toà dành cho anh. Khi anh vừa về, chị báo tổ dân phố biết để có mặt và trao tận tay anh làm bằng cớ. 

Với nhiều nỗ lực, cuối cùng chị cũng chính thức được ly hôn với anh. Với điều kiện tài chính, nhà cửa, nghề nghiệp, chị thắng anh trong việc giành nuôi cả hai con. 

Sau khi chia tay, mỗi lần chồng đến thăm con, chị đều khó chịu ra mặt, tìm cách cản trở vì “không muốn con tiếp xúc nhiều với người cha như thế”. Chị thấy mình như sống lại thời chưa chồng, tự do về thời gian, muốn làm gì thì làm, muốn du lịch đâu thì đi, rảnh lại tụ tập bạn bè vui chơi thoải mái. Đàn ông tán tỉnh, chị tha hồ đưa đẩy chẳng ai cấm cản. Nhiều người ngưỡng mộ vì chị quyết liệt, mạnh mẽ, vì giờ chị ly hôn rồi nhưng vẫn đẹp, tự lập về tài chính, xông xênh. Chị đại diện cho mẫu phụ nữ hiện đại, biết tự quyết định hạnh phúc cho mình…

Để rồi cô đơn trong nỗi buồn bất tận

Nhưng, vài năm sau ly hôn, sau tất cả những khuyên bảo, những tung hô và sự thoả mãn của bản thân, chị đối diện với sự trống trải của chính mình. Lần đầu tiên chị phát hiện ra điều này, là từ khi anh đi lấy vợ. Vợ anh cũng tầm tầm, về cả nhan sắc lẫn nghề nghiệp. Chồng cũ chị thì bây giờ gầy dựng lại từ đầu, làm nhân viên cho một công ty xây dựng nhưng họ hạnh phúc. 

Chị thấy được điều đó trong cái nhìn ngời ngời của anh và vợ mới dành cho nhau mỗi khi họ sang đón con chị đi chơi. Từ lời kể của con chị, là nhà ba vui lắm, ba và dì nói giỡn suốt ngày, dì nấu ăn cho ba ngon lắm, ba tặng quà cho dì nữa... Rồi những điều chị nghe ngóng được, là anh bỏ hẳn cờ bạc, ít đi công trình xa, biết ân cần chăm sóc vợ mang thai… 

Thực ra, đã từ một thời gian, sau khi cảm giác chiến thắng sau ly hôn tan đi, chị lờ mờ nhận ra mình chưa hết yêu anh. Rồi cảm giác ấy ngày càng rõ hơn, khi mỗi lần tình cờ nhìn thấy đồ vật gì của anh còn sót lại trong nhà, khi chị ăn những món anh từng thích. Hay những bức ảnh vợ chồng, con cái chụp chung với nhau, hay những kỉ niệm thời mới yêu, mới có con đầu lòng. 

Chiếc giường ngủ từng nhuốm mồ hôi chồng, nhiều lần chị hít hà rồi rớt nước mắt, nhớ lại những ngày tháng mặn nồng. Nhớ trước khi gây lỗi lầm, anh từng là người đàn ông ít nói nhưng mạnh mẽ, ít lãng mạn nhưng khá chu đáo, nhà có anh, chẳng bao giờ phải lo sợ điều gì… Đã có những lúc, chị chợt nghĩ đến một giả thiết về sự tái hợp, rồi gạt đi. Giờ thì tất cả đã muộn màng.

Hồi tưởng lại giai đoạn “chiến tranh lạnh” của hai vợ chồng ngày ấy, chị nhận ra lỗi không chỉ do anh. Chị đã thiếu cảm thông, thiếu sẻ chia và tỏ lòng khinh anh khi anh sa cơ, để rồi anh ngả vào một người con gái biết lắng nghe, san sẻ với anh. Vì chị, khi chồng ngoại tình, tự ái ngút trời không thể tha thứ vì chồng qua lại với người đàn bà “tầng lớp thấp”. Cũng là chị, thủ thế cho mình, sợ anh phá sản, cờ bạc sẽ “vạ lây” cho chị. 

Và hồi ấy, chị đã để mình bị tác động quá nhiều bởi những lời chì chiết của mẹ, những lời khuyên của bạn bè, những lời có cánh của chung quanh. Chị không đủ sáng suốt để nhận ra đâu là điều nên làm, không đủ tỉnh táo và độ lượng để nắm lấy bàn tay chồng, giữ anh lại bên mình, giữ mái ấm trọn vẹn cho con. Đã rất nhiều lần chị lạnh lùng đẩy anh ra khi anh cần chị.

Ba năm sau ly hôn, chị vẫn đẹp, vẫn độc lập và vẫn cô đơn trong nỗi buồn bất tận.

Theo Trân Trân
Pháp luật Việt Nam

 

Nỗi ân hận của người vợ không chịu tha thứ cho chồng - 2