Những người phụ nữ tháo chạy khỏi người chồng bạo lực

(Dân trí) - Trên 58% phụ nữ ít nhất bị một hình thức bạo lực từ chồng, nhưng chỉ một số ít trong số họ dám đứng lên để phản đối hành vi bạo lực. Và trong số đó, nhiều người thực sự phải “tháo chạy” bởi sự truy sát của ông chồng vũ phu.

“Không an toàn ở chính ngôi nhà mình”

Chia sẻ tại Hội nghị quốc gia về Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2012 với chủ đề “Thu hẹp khoảng cách từ Luật tới cuộc sống” diễn ra ngày 27 - 28/9 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thu Thúy, CSAGA cho biết về trường hợp một người phụ nữ thành đạt nhưng bị chồng kiểm soát về mọi mặt và nhiều lần “thượng cẳng tay, thượng cẳng chân” với vợ. Thấy không an toàn trong chính ngôi nhà của mình, người phụ nữ này đã phải cùng đứa cô con gái học cấp một trốn đến Câu lạc bộ Ngôi nhà bình yên của Trung tâm CSaga (nhà tạm lánh cho phụ nữ bị chồng đánh). Thế nhưng chị vẫn bị chồng tìm mọi cách tiếp cận đến mức chị phải thuê vệ sĩ những khi đưa con đi học, đi làm…
 
Những người phụ nữ tháo chạy khỏi người chồng bạo lực


Cũng tại hội nghị này, nhiều chị em phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình đã lên tiếng chia sẻ những câu chuyện vốn trước đây được cha mẹ răn đe “xấu chàng hổ ai” và họ cũng đã từng câm lặng nín nhịn.

“Lời anh khi nghiến, khi đay/Còn chua hơn khế, còn cay hơn gừng”. Câu hát ru cũng là một “nhân chứng” do chính chị Hoàng Thị Lâm (Thạch Thất, Hà Nội) sáng tác sau khi quằn lưng dưới những trận đòn của chồng. Chị cũng đã bao lần ru con bằng câu hát ru đó.

Chị Lâm từng là cô giáo mầm non ở Yên Lãng, Phú Thọ, nhưng chị đã bỏ nghề, theo về quê chồng làm ruộng, chợ búa để chăm lo cho hạnh phúc gia đình. Chồng chị làm mộc, thường xuyên ghen tuông vô cớ rồi về hành hạ vợ. Anh ta dùng ghế đẩu, gậy gỗ lim phang vào mặt, vào lưng chị, nhiều lần đánh chị tới gãy chân, có lần bị chấn thương đầu đến ngất đi. Hiện giờ cứ trở giời là chị lại đau nhức. Xa quê, lạ nhà, chị Lâm không biết chia sẻ cùng ai, đành cắn răng chịu đựng.

Bà Nguyễn Thị Hiên (54 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội), gần 40 năm chịu đựng chồng đánh đuổi. Ác một nỗi, không ai can ngăn thì chồng bà còn đánh ít, nhưng có người lên tiếng bênh vực vợ là ông ta đánh bà nặng tay hơn. Cách đây 5 tháng, ông ta uống rượu, bị cảm nên mất. Bà được giải thoát nhưng nỗi khiếp hãi vẫn ám ảnh đêm đêm.

Vợ lấy tiền túi nộp phạt cho chồng

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ 1/7/2008, nhưng thực tế, số phụ nữ bị bạo lực gia đình vẫn rất nhiều và đến 87% người bị bạo lực chưa dám chia sẻ về câu chuyện của mình.

 

Theo điều tra quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ năm 2010 thì 58% phụ nữ được hỏi bị ít nhất một hình thức bạo lực gia đình (thể chất, tình dục, tinh thần - bao gồm cả các vi kiểm soát trong cuộc đời. Và trong số này, có tới 87% không hề tìm kiếm sự hỗ trợ nào từ các dịa chỉ hỗ trợ hay ban ngành ở đại phương. Gần 50% không hề tiết lộ việc mình bị lạo lực gia đình cho bất kỳ ai.

Một nghiên cứu được UNODC thực hiện năm 2008 chỉ ra rằng chỉ có 43% số vụ việc bạo lực gia đình được báo cho cơ quan công an, và trong số này có tới 34% người bị bạo lực được khuyên là nên “giải quyết vấn đề” trong nội bộ gia đình có hiệu tực từ 1

Chị N.T.V (TP Vinh, Nghệ An) chia sẻ, có lần, vì quá uất ức trước những trận đòn roi vô cớ của chồng, chị đã liều mình chạy ra ngoài hô hoán với hàng xóm, báo chính quyền. Khi chính quyền vào cuộc, ông ấy hứa hẹn cho qua nhưng rồi lại chứng nào tật đấy, thậm chí còn đánh vợ kinh khủng hơn. Chị V. cũng không đồng ý với quy định phạt tiền của Luật phòng chống BLGĐ vì “có chị bị đánh rồi lại phải bỏ tiền túi của mình cho chồng nộp phạt hoặc nộp tiền xong là cánh đàn ông như “chuộc tội”, lại nhơn nhơn”, chị V bức xúc nói.

Bà Nguyễn Thu Thúy cho rằng, tình trạng bị bạo lực của phụ nữ vẫn bị che giấu, lờ đi, không dám nói (87% nạn nhân chưa dám nói ra câu chuyện của họ). Điều này chứng tỏ họ chưa có niềm tin, chứng tỏ các dịch vụ, các cơ quan chức năng được giao trong lĩnh vực này đang bỏ ngỏ nhiều thứ.

Theo bà Thúy, điều này liên quan một phần đến việc hòa giải mà nhiều nơi đang áp dụng cho các hộ gia đình có bạo lực gia đình.

“Hòa giải được coi là một trong những biện pháp đầu tiên để xử lý người có hành vi bạo lực gia đình áp dụng hầu hết ở các địa phương. Nhưng tôi cho rằng, việc hòa giải này không có tác dụng răn đe, không có tác dụng gì với người bạo lực. Bởi qua thực tế tìm hiểu chúng tôi được biết, việc thực hiện hòa giải của cơ quan đoàn thể còn chưa đúng, xuê xoa, thậm chí đổ lỗi cho người phụ nữ như “chắc chị nói gì nó mới đánh”, “Thôi, anh ấy vốn bình thường, bản chất tốt, chẳng qua hôm nay say rượu”... Với cách hòa giải như thế này, người bạo lực thấy họ không phải chịu trách nhiệm về hành vi đó mà đổi lỗi cho rượu, làm nhẹ đi tính chất của hành vi bạo lực”, bà Hoa nói.

Một sự “cả nể” nữa của tổ hòa giải các địa phương, đó là khi hòa giải xong, không lập biên bản hòa giải trong khi nguyên tắc phải có và biên bản này là có giá trị pháp lý, là cơ sở để tiến hành biện pháp tiếp theo ở mức cao hơn. Còn không lập biên bản, lời nói gió bay, người bạo lực càng không ý thức được sự nguy hiểm trong hành vi của mình.

“Mục tiêu của hòa giải, đó luôn là gia đình hòa thuận, vợ về với chồng, nhịn đi và sau hòa giải cặp đôi vẫn ly hôn thì được tổ hòa giải cho là thất bại. Vì vậy, bên cạnh việc thực hiện luật, tôi cho rằng cần thực hiện nhiều hơn nữa những khóa tập huấn về hòa giải, kỹ năng tư vấn cho người bị bạo lực biết cách bảo vệ mình, biết cách kêu gọi sự can thiệp của xã hội khi mình bị bạo lực”, bà Thúy nói.

Tú Anh