Những người phụ nữ lạc quan ở Phổ Yên

(Dân trí) - “Khi phát hiện mình có HIV... Tôi rất sợ, sợ vì tôi nghĩ tôi sắp chết tôi sợ lây sang người khác, sợ sẽ mất đi gia đình và bạn bè. Từ khi tôi tham gia vào nhóm. Tôi không cảm thấy cô đơn nữa, họ là bạn của tôi”...

Phổ Yên, một huyện nhỏ của Thái Nguyên nhưng có tỉ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao nhất tỉnh, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Chỉ tính riêng tại Phổ Yên, có khoảng 600 người có HIV. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS ở đây chủ yếu là do tiêm chích ma túy (70%), nhưng số phần trăm lây lan do con đường tình dục (chiếm khoảng 20%) đang ngày một tăng lên.

 

Trong hai năm qua, VSO Việt Nam đã xây dựng chương trình HIV/AIDS tại tỉnh Thái Nguyên và năm vừa rồi VSO đã hỗ trợ một nhóm các phụ nữ là người có HIV tại này. Thực sự họ là một nhóm những người phụ nữ xinh đẹp như tất cả chúng ta nhưng lại có các câu chuyện khác nhau.

 

Câu chuyện của Nga được bắt đầu bằng một sự kiện vui vẻ. Đó là sự ra đời đứa con thứ hai của chị. Hạnh phúc khi bế con trên tay nhưng phải nằm lại bệnh viện. Sau khi sinh con, Nga bị sốt và bác sĩ khám cho Nga. Từ thời điểm đó, mọi chuyện đã thay đổi. Nga nghe thấy bác sĩ và y tá nói chuyện về mình, họ hàng và bạn bè thì xa lánh. Cảm thấy buồn, Nga không thể hiểu vì sao lại có sự lạnh nhạt như vậy. Khi hỏi em gái về lý do, Nga mới biết rằng mình có HIV dương tính và tin rằng đó là sự thật vì chồng mình là người nghiện và bản thân cũng có kiến thức về y tế do Nga là y tá xã, cô hiểu rằng đó là một trong những cách lây truyền.  

 

Trong tâm trạng rối bời, Nga trở về nhà cùng với con. Hàng xóm tới thăm Nga nhưng họ không dám uống nước ở nhà Nga. Người trên đường thì nhìn Nga và xì xào về chị. Nga cảm thấy khỏe mạnh và bắt đầu nghi ngờ, liệu mình có thực sự có HIV/AIDS không và con của mình thì sao. Cô bế con xuống Hà Nội và hai mẹ con cùng thử máu. Đứa trẻ không bị nhưng chị dương tính với HIV. Trong thất vọng và cùng cực chị thử máu 3 lần và kết quả vẫn như cũ.

 

Giờ đây sau 6 năm, Nga và con chị sống khỏe mạnh hạnh phúc. Nga nói rằng sau cú sốc ban đầu và chấp nhận tình trạng của mình, thì việc bị kỳ thị là một trong những phần khó nhất của việc chung sống với HIV/AIDS. Hai năm sau khi chị sinh con ra, chồng chị chết, mọi người không dám khênh quan tài. Chị phải mua loại găng tay cao su đặc biệt để mọi người dùng, nhưng họ vẫn cảm thấy sợ. Người dân cũng không mua thuốc của chị bán nữa. Tuy nhiên, Nga nói, cho đến bây giờ thì với sự giúp đỡ của các dự án truyền thông, sự phân biệt đối xử và kỳ thị đã giảm.

 

VSO Việt Nam đang hỗ trợ Hội phụ nữ Thái Nguyên thông qua việc cử chuyên gia tình nguyện làm việc với họ về truyền thông HIV/AIDS trong hai năm. Anh Robert người Uganda, làm việc tại các huyện khác nhau ở Thái Nguyên về các vấn đề phòng chống, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử. Một trong những huyện này là Phổ Yên. Nga nói rằng, vấn đề quan trọng ở đây là làm cho mọi người hiểu rằng có HIV dương tính không có nghĩa rằng chúng tôi là những người xấu, rằng chúng tôi có thể làm lây lan ra những người khác và rằng chúng tôi bệnh tật. Chúng tôi cũng là những người bình thường như tất cả những người bình thường.

 

Nga và một vài những người phụ nữ khác muốn bắt đầu một nhóm bao gồm những phụ nữ có HIV/AIDS và nhờ đó họ có thể chia sẻ thông tin về căn bệnh này và cùng sống khỏe mạnh. Nhiều phụ nữ tại Phổ Yên không muốn tiết lộ tình trạng của họ do lo sợ sẽ mất đi gia đình và bạn bè. Lập nhóm sẽ cho mọi người cơ hội để học cách chấp nhận tình trạng của mình và chia sẻ cũng như giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm cách nào để lập nhóm?  

 

Trong khoảng thời gian 8 tháng, Marieke, một chuyên gia tình nguyện của VSO Việt Nam đã phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên về việc xây dựng năng lực để hỗ trợ nhóm phát triển. Nhóm nhận được hỗ trợ cách xây dựng cấu trúc nhóm, tổ chức các buổi gặp mặt nhóm, làm cách nào để dẫn dắt một buổi hôi thảo, gặp mặt, làm sao để lập kế hoạch và kỹ năng có sự tham gia để lôi kéo mọi người hòa nhập.

 

VSO tổ chức cho nhóm có các buổi tập huấn từ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS của tỉnh, Hội Phụ nữ về các chủ đề khác nhau liên quan tới HIV/AIDS, thuốc điều trị ARV và dinh dưỡng. Đồng thời nhóm cũng thu nhận được các kiến thức kinh nghiệm về cách chia sẻ và lắng nghe những chuyện đã xảy đến và ảnh hưởng tới những người khác. Nhóm đã học được cách viết các đề xuất dự án nhỏ và ngân sách. Họ đã nhận được khoản hỗ trợ nhỏ từ VSO để thực hiện một số hoạt động và tổ chức lễ chính thức ra mắt nhóm.

 

Sau 8 tháng, những người phụ nữ lạc quan này đã tự tin hơn. Một trong những phụ nữ có HIV đã nói như sau: “Khi phát hiện ra mình có HIV, tôi cảm thấy rất cô đơn. Tôi rất sợ, sợ vì tôi nghĩ tôi sắp chết tôi sợ lây sang người khác, sợ sẽ mất đi gia đình và bạn bè. Từ khi tôi tham gia vào nhóm. Tôi không cảm thấy cô đơn nữa, họ là bạn của tôi. Giờ đây tôi có thể sống thêm nhiều năm nữa và tôi không phải sợ lây nhiễm cho người khác nếu tôi cẩn thận. Tuy nhiên tôi cũng cảm thấy tiếc vì tôi cũng mất đi những người bạn bởi vì chỉ đơn giản là họ không hiểu…”

 

Câu nói trên đã cho thấy việc là thành viên của nhóm khiến phụ nữ hiểu về tình trạng của họ hơn. Mỗi tháng họ gặp gỡ, nói chuyện về các chủ đề khác nhau và chia sẻ thông tin với nhau. Họ nhận thấy bước tiếp theo là làm cho những người trong cộng đồng hiểu hơn về họ. Kế hoạch của họ được VSO ủng hộ. VSO Việt Nam luôn hỗ trợ những người phụ nữ có HIV lạc quan tại Phổ Yên!

 

Marieke Appelboom

(Cán bộ xây dựng năng lực của VSO Việt Nam)