Những gánh hàng rong đi vào miền thơ ấu

(Dân trí) - Chúng lêu lêu theo nhịp: “Tuất mắm thối…Tuất mắm thối!”. Tôi gọi mãi mà ông đạp xe qua cũng không dừng lại. Thằng Hảo rẽ vào chỗ tôi cười khờ khờ. Tôi hỏi thật mắm nhà nó có giòi không. Nó cười khờ khờ. Từ đấy, không thấy ông Tuất bán mắm qua làng nữa.

Ông Tuất đi bán mắm ở làng tôi. Ông đèo hai cái can lớn ở hai bên hông xe đạp. Bên can xanh là mắm ba bò gạo một lít. Bên can trắng là mắm năm bò gạo một lít. Trên gác ba ga, ông buộc cái bao vải màu xanh để đựng gạo. Còn cái ống hút, ông quấn luôn vào cổ phốt.

Ông đội mũ cối trắng bạc, đi dép cao su và mặc bộ quần áo bộ đội cũ. Ở cổ, ông đeo một cái khăn mặt buộc hai vòng chuyên để lau tay và lau mồ hôi mặt. Thỉnh thoảng, ông lại rao rất gọn: “Ai mắm nào. Mắm đê!”.

Nhà sắp hết mắm là bà bảo tôi ra vẫy ông Tuất. Tôi ngồi ở cổng chờ, đến trưa thế nào ông cũng đi qua. Ông hạ cái mũ chào bà tôi, tiện tay với khăn mặt lau một vòng quanh cổ. Bà bắt ông hạ cả hai can nước mắm xuống. Bà chỉ vào can xanh hỏi can này bao tiền. Ông bảo ba bò. Bà chỉ vào can trắng hỏi can này bao tiền. Ông bảo năm bò. Bà đứng tẩn ngẩn một chút, mở nắp can lấy ngón tay thọc vào mút thử rồi lại hỏi can này bao tiền.

Ngóng những gánh hàng rong qua làng.
Ngóng những gánh hàng rong qua làng.

Ba bốn lần như thế, bà mới mua. Bà chỉ mua một bò. Ông tháo cái ông hút ra, bỏ một đầu vào can to, đầu còn lại, ông mút mạnh một cái rồi cho nhanh vào chai của bà. Nước mắm chảy ra ri rỉ. Tôi đã thử làm như ông bao nhiêu lần mà không được. Bà lấy ống bơ xúc một bò gạo vào rá. Bà xúc không bao giờ có ngọn. Ông cũng yên lặng đổ vào túi vải màu xanh rồi chằng lại hai can nước mắm.

Có lần, vào buổi trưa, tôi thấy ông đỗ xe ngồi ở mô đất dưới gốc đa. Ông giở trong túi vải ra bọc lá chuối lớn. Trong đó có một nắm cơm tẻ và ít muối vừng. Có lẽ nhà ông ở xa. Tôi chưa bao giờ ăn cơm một mình. Nhưng chắc là buồn lắm.

Thằng Hảo Tềng tụ bọn trẻ con trong xóm lại. Nó bảo là nhà nó mua mắm của ông Tuất, lúc ăn hết thấy dưới đáy can có cả con giòi, mùi kinh lắm. Cả bọn hãi nhăn mặt. Tôi hỏi giòi thế nào. Nó bảo giòi bằng ngón tay, đen sì.

Mấy hôm sau, bà bảo tôi gọi ông Tuất mua mắm. Tôi ngồi ở cổng đợi. Đến gần trưa, tôi thấy ông Tuất cắm cúi đạp xe như chạy. Đằng sau, thằng Hảo cầm đầu bọn trẻ con đuổi theo.

Chúng lêu lêu theo nhịp: “Tuất mắm thối…Tuất mắm thối!”. Tôi gọi mãi mà ông đạp xe qua cũng không dừng lại. Thằng Hảo rẽ vào chỗ tôi cười khờ khờ. Tôi hỏi thật mắm nhà nó có giòi không. Nó cười khờ khờ.

Từ đấy, không thấy ông Tuất bán mắm qua làng nữa.

Dịp giỗ chạp hay bố mẹ lĩnh lương, nhà tôi mới thịt vịt. Tôi và thằng em vơ đống lông vịt lại, đem phơi khô rồi cất cẩn thận vào góc nhà. Nhặt được một thanh sắt han ngoài vườn hay có một cái ca nhựa vỡ, chúng tôi cũng cất vào đấy cẩn thận. Khi đã được một món kha khá, chúng tôi chờ hàng đổi.

Hàng đổi là các cô, các bà đi thu mua những thứ lặt vặt. Hàng đổi đi đến đầu làng đã nghe: “Ai lông ngan, lông vịt nào…”. Thằng em tôi con cón chạy xuống tít chân dốc gào hết sức: “Hàng đổi ơi…hàng đổi”. Hàng đổi dựng xe ở góc cổng. Hàng đổi có một cái sọt sắt bên cạnh và một cái “túi thần kì” buộc giải rút treo ở ghi đông xe đạp.

Bên trong cái túi ấy, có bao nhiêu thứ mà lũ trẻ quê chúng tôi đêm nào ngủ mê cũng ao ước: nào một bộ lưỡi câu dây cước, một túi bi ve đủ màu, hay những cái bánh đa nhuộm phẩm hồng mỏng dính, lại còn một lọ kẹo kéo nho nhỏ nữa. Chỉ ngần ấy thứ thôi cũng đủ cho cả tuổi thơ của chúng tôi rồi.

Hai anh em tôi khệ nệ bưng tất cả các thứ ra đổ xuống nền cổng. Cô hàng đổi ngồi xổm, bới bới lật lật để phân loại. Chúng tôi lấy một bộ lưỡi câu dây cước chiều câu cá rô và hai cái kẹo kéo. Cô còn cho mỗi đứa thêm hai cái bánh đa nhuộm phẩm hồng để kẹp kẹo kéo vào giữa. Chẳng có thức quà nào lại ngon như thế cả.

Nếu chúng tôi muốn ăn mật mía vị gừng thì phải đợi. Lúc nào thấy một bà cụ đi bộ gánh hai cái thúng thì mang ra đổi. Bà cụ đi bộ hết làng này đến làng khác nên hoạ hoằn lắm mới đến xóm tôi. Tóc bà trắng, môi đỏ nước cốt trầu và nụ cười hiền hậu.

Bà chẳng có dây cước, chẳng có bi ve nhưng lại cuốn hút tất cả lũ trẻ trong xóm bằng thứ mật mía có vị gừng. Mật mía đầy cả cái âu lớn bà đặt một bên thúng. Bà cho chúng tôi những cục lớn nhiều khi chỉ để lấy một cái ca nhựa vỡ. Đứa nào cũng quí bà kể cả thằng Hảo Tềng mắt trố.

Bà cụ gánh mật mía lại quẩy đôi thúng đến với những đứa trẻ ở một ngôi làng nào đó…

Nguyễn Anh Thế