Những cô vợ "vung tay quá trán"

Cần gấp khoản lớn cho việc làm ăn, anh Hoàng tá hỏa khi biết tất cả số tiền giao vợ giữ đã được Thúy "gửi" gần hết vào các cửa hàng thời trang, salon làm đẹp hay những cuộc tụ tập bạn bè.

Sau gần chục năm vất vả tạo dựng được xưởng nhựa ở Hà Đông, Hà Tây và mua được căn nhà nhỏ, anh Hoàng mới lấy vợ. Đám cưới xong, anh giao tay hòm chìa khóa cho Thúy giữ và yên tâm vì từ nay không phải căn cơ từng đồng như trước. Thúy mới tốt nghiệp cao đẳng thương mại, nhưng ở nhà không đi làm.

 

Mới đây, cần số tiền lớn để đặt cọc nơi xây xưởng mới, mở rộng sản xuất, Hoàng về hỏi vợ thì Thúy đáp tỉnh bơ: "Ơ, nhà mình làm gì còn nhiều tiền thế hả anh". Hoàng tá hỏa bởi theo tính toán của anh, trừ mọi khoản ăn tiêu hằng tháng, lẫn tiền vợ mua sắm đồ đạc thì số tiền anh giao cho Thúy giữ vẫn dư khoản anh cần khá lớn. Lúc này, anh mới tự trách mình vì đã không để ý đến các khoản chi tiêu quà đà của vợ.

 

Chồng mới là chủ doanh nghiệp nhỏ, có khi ký được hợp đồng hàng trăm triệu, nhưng cũng có lúc phải nhặt nhạnh vài chục một, nhưng Thúy tiêu tiền kiểu phu nhân của đại gia. Quần áo của cô toàn từ vài trăm trở lên và thay đổi liên tục. Các loại mỹ phẩm cô dùng phải là hàng cao cấp, có khi mấy triệu một hộp. Thúy cũng không tiếc tiền đầu tư làm đẹp ở các salon sang trọng. Để không hổ với danh "vợ giám đốc", Thúy cũng phóng tay cho các cuộc gặp gỡ bạn bè, vốn toàn những nàng quen ăn tiêu sành điệu. Vì thế, số tiền Hoàng giao chẳng mấy lúc mà cạn.

 

Trước "việc đã rồi", Hoàng ra tối hậu thư: "Từ nay, anh sẽ quản tiền để tiện cho việc làm ăn, em cần gì thì nói anh đưa" mặc cho cô vợ trẻ giận dỗi và cho là chồng "keo kiệt". Trước mắt, anh phải chạy vạy đôn đáo, thế chấp cả căn nhà để lấy tiền xây xưởng. 

 

Anh Dần ở Ngọc Khánh, Hà Nội cũng khốn đốn vì có cô vợ mắc "bệnh" ham mua sắm. Hai vợ chồng anh đều có thu nhập cao, nếu biết tính toán thì ngoài các khoản chi tiêu và lo cho cậu con trai 5 tuổi cũng còn khá dư dả. Nhưng hầu như các khoản tiền đều được Thảo "biếu" các shop thời trang, các cửa hàng nội thất hay những lần đi du lịch nước ngoài...

 

Mới đây, bố Thảo mắc bệnh nặng phải vào viện, cả nhà đều nghĩ vợ chồng cô có tiềm lực kinh tế nhất nên nhờ hai người hỗ trợ về tài chính. Nhưng lúc này, kiểm lại tài khoản, anh Dần mới ngớ ra vì chẳng còn là mấy. "Nói ra là nhà không có tiền chắc chả ai tin, lại cho là mình bủn xỉn, không muốn lo cho bên ngoại nên đành bấm bụng vay mượn khắp nơi để trang trải cho những ngày ông cụ nằm viện", anh Dần buồn bã tâm sự.

 

Theo bà Trần Thị Hồng Hà, Phó giám đốc trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình thuộc hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, kiểu tiêu tiền "vung tay quá trán" của các bà vợ không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình mà còn tác động tới cách sống của con cái và mối quan hệ vợ chồng. Đa số đàn ông đều mong lấy được người vợ đảm đang, biết thu vén gia đình để họ yên tâm làm việc. Vì thế, nếu bà vợ không được như vậy, người chồng sẽ cảm thấy bị gánh nặng về kinh tế, thiếu tin tưởng vợ, hai người dễ xung đột với nhau. Còn nếu người chồng cũng theo kiểu "được đồng nào, xào đồng nấy", gia đình thiếu nền tảng kinh tế vững chắc, không có khoản tích lũy, thậm chí phải vay mượn thì hạnh phúc gia đình rất dễ lung lay.

 

Bà Hà cho rằng, lối chi tiêu cũng là một tính cách hình thành từ nhỏ, do thói quen, điều kiện kinh tế từng người nên rất khó thay đổi. Tốt nhất là các anh mày râu nên tìm hiểu thật kỹ trước khi kết hôn, còn sau đám cưới, vợ chồng cần thống nhất với nhau về quản lý ngân sách gia đình. Nếu vợ không làm tốt vai trò "tay hòm chìa khóa" thì người chồng phải chân thành góp ý, thậm chí đứng ra đảm đương việc này.

 

Anh Phạm Hải Nam (Gia Lâm, Hà Nội): May mà mình có một người vợ rất đảm đang, biết tính toán đâu ra đấy nên yên tâm giao toàn bộ lương cũng như các khoản "mềm" cho cô ấy. Nói thật, nếu có vợ tiêu hoang, chắc gia đình "liêu xiêu" vì mình vốn đã là thằng không biết giữ tiền rồi.

 

Anh Quang Toàn (Trương Định, Hà Nội): Bà xã nhà này trước đây cũng là con nhà giàu, quen tiêu tiền không tiếc tay. Trước khi lấy nhau tôi nói thẳng, anh chỉ là công chức quèn, lương được ngần ấy, cưới xong, anh tin tưởng giao cho em, em làm sao để con cái sau này đừng phải nheo nhóc. Cũng may, cô ấy biết thương chồng, yêu con nên giờ mình chẳng phải lo "chồng làm, vợ phá" như bọn bạn vẫn dọa trước đây.

 

Theo Minh Thùy

VNExpress