Những cô Ôsin “lọ lem”

(Dân trí) - Đám cưới to nhất làng. Đám rước dâu linh đình, dềnh dang từ Hà Nội làm xôn xao cái làng quê thuần nông nghèo nàn, bé nhỏ. Cả làng đổ ra xem mặt “chú rể vàng” và mừng cho cô dâu thoát khỏi cảnh nghèo hèn, như “chuột sa chĩnh gạo”...

Chuyện cổ tích với những cô giúp việc?

 

N.L.M (quê ở Thái Bình) là chị cả trong một gia đình nông dân nghèo đông con. Học hết cấp 3, không thi đỗ đại học, M quyết định bỏ quê lên thành phố kiếm việc với giấc mơ “đổi đời”, thoát ra khỏi cuộc sống nông dân lam lũ, lang bạt một thời gian với những công việc lặt vặt, ai thuê gì làm nấy.

 

Thấy M cũng chịu thương chịu khó, một bà chủ có cửa hàng buôn vải khá lớn đã thuê M về làm ôsin, chăm lo công việc nội trợ và chăm sóc thằng con trai lớn của bà những lúc bà bận rộn với công việc làm ăn.

 

Vốn là con nhà nông hay lam hay làm nên công việc ôsin đối với M tương đối đơn giản. M tận tình chăm sóc cả người và nhà cửa một cách rất chu đáo nên thường xuyên được bà chủ khen ngợi và thưởng thêm tiền để gửi về quê giúp bố mẹ.

 

Nửa năm sau, đùng một cái M báo tin về gia đình là “sẽ cưới chồng và cưới ngay con… bà chủ theo đề nghị của chính bà”. Cả làng mừng cho M bỗng nhiên từ một cô ôsin không có học hành gì nhẩy phốc lên địa vị bà chủ trong một ngôi nhà lớn và tương lai sẽ kế nghiệp bà mẹ chồng trông nom cửa hàng vải.

 

Từ ôsin lên làm bà chủ không phải là hiếm nhưng thời gian gần đây rộ lên ngày càng nhiều. Nhiều cuộc hôn nhân đã được sắp đặt sẵn. N.T.P (quê ở Hà Nam) bỏ học từ năm cấp 2, lên thành phố làm ôsin cho một gia đình giàu có.

 

Công việc của cô cũng là chăm lo việc nội trợ trong nhà. Hơn một năm sau, bà chủ nhà gọi riêng P lại và đề nghị: Bà có cậu con trai út đã đến tuổi lấy vợ nhưng “hơi bất bình thường một chút”, nếu P đồng ý lấy con trai bà thì bà sẽ lo cho hai vợ chồng một cuộc sống đầy đủ, sung túc và tương lai có thể cho vợ chồng “hai đứa” kế thừa ngôi nhà và khá nhiều tài sản khác.

 

Nghĩ đến việc vật lộn với cuộc sống vật chất vất vả, lại không được học hành tử tế thì lấy chồng giàu có là cơ hội đổi đời duy nhất nên P gật đầu đồng ý cuộc hôn nhân được sắp đặt từ trước.

 

 “Không bình thường mới đến lượt mình”

 

Từ khi M lấy chồng, gia đình cô cũng được đỡ đần nhiều về kinh tế, nhưng cả nhà M và người làng luôn thắc mắc tại sao rất ít khi thấy “con rể vàng” về quê thăm bố mẹ vợ. M đã tìm rất nhiều lý do để biện hộ cho chồng như “bận, ốm đau hay đi công tác…” vì cô không muốn cho bố mẹ biết sự thật về cuộc hôn nhân được sắp đặt của cô.

 

Thật ra chồng M là một người đàn ông “thần kinh không bình thường”. Trước đây, anh ta cũng khoẻ mạnh như những chàng trai khác, nhưng sau một cú sốc tâm lý nặng nề hồi đại học, chồng M thành ra ngớ ngẩn “lúc nhớ, lúc quên, lúc nào cũng cười, đầu óc không hơn một đứa trẻ…”.

 

“Người như thế chẳng có một cô gái có học tử tế nào chịu lấy cả mới đến lượt ôsin bọn mình. Cái gì cũng có giá của nó cả”. M ngậm ngùi kể về cuộc hôn nhân: “Lấy chồng mà chưa bao giờ được nghe một câu âu yếm của chồng, thậm chí nhiều khi chồng còn chẳng biết mình là ai. Nhưng buồn nhất là chưa bao giờ dám đưa chồng về thăm bố mẹ vì sợ cả nhà biết lại buồn”.

 

Cuộc hôn nhân của P cũng không “hạnh phúc” hơn là mấy. Trước đám cưới, bà mẹ chồng đã nói thẳng cho P biết tình trạng của con trai bà. “Nó được nuông chiều từ bé nên sớm chơi bời lêu lổng, cái tốt chẳng học chỉ toàn học bạn bè ăn chơi đua đòi”.

 

“Cậu ấm” có thâm niên nghiện hút và lăn lóc qua các trại cai nghiện. “Nhưng nó chưa bị nhiễm HIV đâu. Người như nó chắc không mong chờ gì có được một cô con dâu tử tế, môn đăng hậu đối. Mà bác lại chỉ có mình nó là con trai, nên muốn cưới cho nó một cô vợ hiền lành, khoẻ mạnh (như cháu) để sinh cho bác thằng cháu nội nối dõi tông đường. Nếu cháu đồng ý thì gia đình bác sẽ đảm bảo cuộc sống vật chất đầy đủ sung sướng cho cháu và nếu cần thì cả gia đình cháu nữa”.

 

Gánh nặng cơm áo gạo tiền đã khiến P chấp nhận cuộc hôn nhân với người chồng nghiện ngập. Bình thường thì còn đỡ, nhưng những lúc chồng lên cơn thì sẵn sàng “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với vợ.

 

Nhiều lúc cũng thấy buồn, chán nhưng nghĩ đến cuộc sống lăn lóc ở những khu nhà thuê ổ chuột, ăn bữa sáng lo kiếm bữa trưa, rồi chẳng biết ngày mai đời mình đi về đâu, cũng sợ. Thôi thì…”

 

Nhưng điều khiến P lo lắng nhất là: “lấy chồng đã một năm mà vẫn chưa có dấu hiệu gì của thai nghén, không biết do mình hay do chồng?”. Và nếu không sinh được “thằng cháu nội nối dỗi” như bà mẹ chồng yêu cầu thì không biết số phận của P sẽ ra sao?

 

Con đường thoát nghèo của các cô ôsin?

 

Trước đây, các cô gái ở nông thôn “hăm hở” xuất ngoại lấy chồng ngoại ngoại quốc với mong ước đổi đời. Nhưng thời gian gần đây, khi báo chí nói quá nhiều đến những rủi ro nơi “đất khách quê người” thì nhiều cô chuyển hướng lên “lấy chồng thành phố”.

Dù biết người chồng mình sẽ lấy “không bình thường” nhưng để đổi lại một cuộc sống không phải lo lắng về vật chất, không phải chạy ăn từng bữa các cô sẵn sàng chấp nhận tất cả.

 

“Nhiều đứa bạn em, học hết đại học, ra trường vẫn phải cầm cái bằng đi khắp nơi tìm việc, long đong tất tả, mà có kiếm được việc vẫn phải lăn lóc nhà thuê, chẳng biết đến bao giờ mới kiếm được cái nhà ở Hà Nội.

 

Như em, ừ thì chồng không bằng người ta nhưng có hộ khẩu, nhà cửa đàng hoàng. Thôi cũng là yên ổn. Chứ cứ ham xuất ngoại, ra nước ngoài lấy chồng, không khéo cũng vớ phải ông chồng “đui què mẻ sứt” mà lại bị hành hạ khổ sở. Còn em, dù sao cũng là ở quê hương mình…”. Có vẻ như M đã tính toán rất kĩ…

 

Nguyên Thảo