Những bà vợ ưa “khủng bố” chồng

(Dân trí) - … Bà cao giọng: “Ông thì cứ đi luôn đi! Không dính đến ông tôi càng nhẹ nợ. Tiền chẳng có còn nói hão…”. Ông sầm mặt, cô giúp việc thiểu não, khó xử và vội bát cơm...

 

Coi thường chồng

 

Bữa cơm có 3 người, hai ông bà và cô giúp việc. Câu chuyện đang đà đưa đẩy, ông cao hứng: “Năm tới sắp nhỏ không mang con về gửi nữa, tôi làm một chuyến sang “Sing” mới vui!”.

 

Số là từ ngày các con ông bà sinh cháu rồi quay trở lại với công việc, nhà neo người không có ai trông nên rồng rắn nhau về “ám” ngay lấy ông bà. Đang rảnh rang sáng thể dục, chiều cà phê, tối cờ tướng ven hồ, bỗng giờ bị “trói gô” lại với bầy cháu, ông cứ thấy bức bí thế nào. Ông nói thế cũng chỉ là để cho khuây khỏa.

 

Chẳng ngờ bà cao giọng: “Ông thì cứ đi luôn đi! Không dính đến ông tôi càng nhẹ nợ. Tiền chẳng có còn nói hão…”. Ông sầm mặt, cô giúp việc thiểu não, khó xử và vội bát cơm.

 

Đành rằng giờ ông không còn kiếm ra tiền, nhưng cả tuổi trẻ đã lăn xả vì gia đình, cũng cất được cho vợ con cái nhà dù xế chiều có làm ăn thua lỗ.

 

Bà có cái cửa hàng tạp hóa mở ngay ở nhà, con cái thỉnh thoảng biếu thêm, bà lo cho ông, cuộc sống không đến nỗi khó. Nhưng bà từ ấy mà sinh ra coi thường ông, trong mắt bà, ông cứ như cục nợ…

 

Các bà, các cô rơi vào cảnh này nên nhớ lấy câu: “Sông có khúc người có lúc”, nhớ lấy những lúc người chồng đã làm chỗ dựa vững chắc cho mình để thêm vững lòng “bà chăm ông” khi tuổi già xế bóng.

 

Người đàn ông sinh ra đã mang trọng trách “trụ cột”, vì một lý do nào đó họ không thể tiếp tục gánh vác thiên chức này cũng đã là một cái đau. Đừng để chồng phải đau hơn vì nỗi nhục bị vợ coi thường, xúc phạm, làm mất mặt ngay trước những người lạ. Không thiếu những ông chồng ra ngoài “ăn chả” cũng chỉ vì không được vợ “công nhận” ở nhà.

 

Lười nhác

 

Những bà vợ ưa “khủng bố” chồng - 1
 

Ngay từ ngày mới yêu, nhìn điệu bộ Hà đi học về vứt phịch cái túi xách xuống ghế ở phòng khách, áo quần giăng khắp giường, phòng, Phong đã hiểu “tình yêu của đời mình” là cô gái không được ngăn nắp lắm.

 

Song anh vẫn tự nhủ, biết đâu kết hôn rồi, được chồng, mẹ chồng “rèn” nàng sẽ khác. “Ngọc bất trác bất thành khí” - Hà cũng như viên ngọc quý chưa được mài giũa nên chưa sáng đó thôi.

 

Thời gian đầu hai người về chung sống có vẻ rất thuận buồm xuôi gió. Nàng dâu mới tỏ ra rất cố gắng, chăm chỉ dọn nhà dù mặt bàn có thể vẫn đầy bụi, cũng vào bếp rửa bát dù thi thoảng quên mất không rửa xoong. Áo quần của chồng Hà cũng là lượt cẩn thận, dù đôi lúc Phong vẫn phải xỏ tất cọc cạch nhưng như thế anh cũng đã vui và ghi nhận sự cố gắng của vợ lắm rồi.

 

Tốt đẹp được đúng nửa năm thì Hà mang bầu, đồng nghĩa với ca bài “việc nhà ơi, chào mi”. Vì sức khỏe của vợ con Phong cũng đồng tình, tránh cho Hà “lao động chân tay” càng nhiều càng ít.

 

Thói đời, học cái tốt thì lâu chứ quay về với tật xấu thì nhanh lắm. Hà từ ngày chửa đẻ rồi nuôi con lại quay về tính tạm bợ, bừa bãi và cẩu thả, thậm chí “bệnh” có phần trầm trọng hơn.

 

Áo quần sạch bẩn lẫn lộn lại xuất hiện la liệt trong phòng. Thằng cu con “dấm đài” ở đâu thì ở đó vứt ngay cái quần còn ướt đẫm mùi “ac-mô-ni-ắc”, Hà thậm chí không buồn nhặt lên vứt vào trong chậu giặt. Giường chiếu thời gian đầu cũng gấp, màn vắt lên tường, sau sáng vội đi làm lại bận con nên Hà để cái màn yên vị như đêm, cứ để vậy tối về… ngủ tiếp.  

 

Phong trước kỳ vọng “viên ngọc sáng” từ vợ là thế giờ nằm co trong đống màn chiếu lẫn lộn quần áo trên giường, túi xách của vợ làm gối. Đồ mặc đi làm nếu không phải anh tự giặt, tự là thì có mặc đi mặc lại 3 ngày liền Hà cũng chẳng bận tâm.

 

Mẹ chồng bắt đầu điều tiếng bóng gió về sự luộm thuộm lười nhác của con dâu, con dâu cậy thế sinh được “quý tử” nên chẳng cần kiêng nể, ý tứ nữa. Phong ở giữa càng thêm khó xử.

 

Với đàn ông, “giàu vì bạn, sang vì vợ”. Lấy phải một người vợ lười nhác, luộm thuộm chẳng khác nào bôi xấu mặt mình. Cánh mày râu ông nào vớ nhầm vợ như Hà đố dám mời bè bạn tới nhà!

 

Mà đành rằng, thời này không mời bạn tới nhà thì có thể mời ra quán để giấu đi cái sự “không sang”, nhưng hàng ngày vẫn sống trong mớ hỗn độn rác không ra rác nhà không ra nhà thì cũng tổn thọ và chán đời lắm lắm. Mà một khi đã chán đời, thì chán vợ cũng mấy hồi nữa đâu…

 

Nghiện shopping

 

Nhìn vợ xúng xính trong chiếc váy hàng hiệu mẫu mới nhất vừa nhờ bạn ở nước ngoài mua giá “trên trời” đến cả nghìn đô, Long chỉ muốn… ngất. Không phải vì nàng đẹp quá, mà vì anh biết chắc mình không thể kiếm nổi số tiền ấy nếu chỉ bằng lương làm việc cả tháng trời. Vậy mà, nàng “đốt” trong không đầy có một giây.

 

Thảo Anh, vợ Long, mắc bệnh “nghiện sắm”, mà sắm toàn hàng hiệu. Chiếc váy không phải “nỗi khổ tâm” duy nhất của Long, bởi cũng trong tháng này Thảo Anh đã “vứt đi” vài triệu VND khi vác về nhà chiếc túi “khẳng định đẳng cấp” rinh từ trung tâm mua sắm vào loại bậc nhất cả nước, nơi mà đến người nước ngoài bước vào cũng phải “run tay” lúc xì tiền. Và chuyện không phải hy hữu tháng này, mà tháng nào cũng xuất hiện vài “cú sốc” điển hình như thế.

 

Long kiếm được - đủ để lo cho gia đình và ve vuốt thói quen làm điệu, làm đẹp của phụ nữ - một phụ nữ bình thường nào đó, chứ không phải vợ anh. Thảo Anh xài tiền quá vô tâm, cô sẵn lòng mua một món đồ mà bản thân khi ấy chỉ biết thích, chứ chưa hình dung rõ là sẽ làm gì với nó. Để rồi rất có thể món đồ vừa mua về đã yên vị trong xó tủ, hoặc chỉ được song hành cùng người đẹp đâu có 1-2 lần. Cũng món đồ ấy nếu quy lại thành tiền có khi cứu sống được cả một tộc người ở các nước Châu Phi trong cảnh đói.   

 

Nếu là bạn, liệu bạn có “ném tiền qua cửa sổ” theo cách đó không? Đặc biệt khi cả thế giới đang lâm vào khủng hoảng kinh tế, mọi người ra sức kêu gọi tiết kiệm, cắt giảm tối đa việc mua sắm những thứ đồ xa xỉ.

 

Nếu biết rằng, mỗi thứ đồ mình “rinh” về là một sợi bạc điểm thêm trên mái đầu ông chồng tội nghiệp, nếu biết rằng mỗi “đẳng cấp đồ hiệu”đắp lên mình là bằng chứng của hành động “ăn cắp” phần tiết kiệm cho tương lai của con, các quý bà, quý cô có lẽ sẽ nghĩ lại mà không “khủng bố” chồng đến thế.

 

Trang Anh