Những bà vợ tự đeo “gông”

Những lần công ty đi nghỉ mát, chị Thạnh thường không đi nếu không có chồng con theo cùng. Còn trong những chuyến công tác, buổi tối, khi các đồng nghiệp đi dạo hay mua sắm, chị ở lại khách sạn, ôm điện thoại gọi về nhà.

Chị Lê Kim Thạnh, nhân viên ngành kinh doanh thực phẩm, nhập tâm một câu “ranh ngôn” của cánh đàn ông cơ quan: “Vợ đẹp thì không ngoan, vợ ngoan thì không đẹp”. Biết là họ chỉ tổng kết vui nhưng chị cứ bị ám ảnh, và luôn lo lắng mình là một điển hình của loại thứ ba “không đẹp cũng chẳng ngoan”. Nghĩ thế, chị cố gắng đạt được một tiêu chuẩn để làm vốn xây dựng hạnh phúc gia đình.
 
Những bà vợ tự đeo “gông”  - 1

 

“Ngoan” có vẻ dễ đạt hơn “đẹp”. Mỗi lần công ty tổ chức đi nghỉ mát, chị thường nằm trong danh sách “bận việc gia đình”, vì không thể đi chơi nếu không có chồng, con theo cùng. Trong những chuyến đi công tác, buổi tối, khi các đồng nghiệp đi dạo hay mua sắm, chị ở lại khách sạn, ôm điện thoại gọi về nhà hỏi chồng từng li, từng tí về con.

 

Có lần, gọi về nhà, nghe con nói ba đi vắng, chị như có lửa trong lòng. Trước khi đi công tác, chị thức cả đêm nấu sẵn thức ăn, để đầy tủ lạnh, mà vẫn lo con không chịu ăn, chồng không chăm con... Đáp lại sự tận tụy của vợ, chồng bà lại rất thờ ơ: “Em cứ tự làm khổ mình, chúng có chết đói đâu mà lo”.

 

Còn chị Trần Hoài Khanh, từ ngày lập gia đình là tự cắt các khoản mua sắm cho bản thân. Sau một thời gian nghỉ hậu sản, chị nghĩ không còn cơ hội để diện những bộ đầm đắt tiền sắm từ hồi con gái nên gửi làm quà cho các cô em. Nhưng chị cũng không nghĩ đến chuyện sắm những bộ váy khác. Cũng có khi ưng ý bộ đồ nào đó, nhưng nhìn bảng giá, chị lại quy ngay số tiền đó mua được bao nhiêu lon sữa, bao nhiêu món đồ chơi cho con, hoặc tăng thêm bao nhiêu tiền trong sổ tiết kiệm...

 

Có lần, cả nhà đi nghỉ ở Mũi Né, chồng chị thuê một phòng “xịn”, giá gần hai triệu đồng một ngày, có phòng riêng cho con, phòng tiếp khách, hoa tươi trên bàn. Số tiền làm chị mất hẳn hứng thú để nghỉ ngơi và chuyển qua thấy “mệt”. Hôm sau, chị yêu cầu chồng đổi phòng khác để chống lãng phí.

 

Chuyến đi mất vui, chồng chị cụt hứng và cảm thấy gò bó bên người vợ lúc nào cũng “gồng gánh” gia đình một cách khắc nghiệt. Thế nhưng, chị không quan tâm đến cảm xúc của anh, còn nghi ngờ anh không biết lo xa, chỉ biết hưởng thụ theo nhu cầu bản thân. Thật ra, chồng chị nghĩ có gia đình là có thêm niềm vui, chứ không phải có thêm nỗi lo như vợ.

 

Những cái gông mà các bà vợ tự đeo vào cổ chính là những niềm tin sai lạc. Ngay từ bé, họ đã được bà ngoại, mẹ cảnh báo: “Lấy chồng là hết bay nhảy”, vì phải giữ hầu bao của gia đình, chăm sóc con cái, giúp chồng phát triển sự nghiệp và sau đó giữ chồng bằng cách kiểm soát các mối quan hệ của anh ta. Công việc ở nhà của các bà vợ không chỉ là những việc lặt vặt, mà toàn chuyện đại sự. Họ muốn trở thành bà chủ thật sự của gia đình, nên trong nhà các ông chồng chỉ được đóng vai phụ.

 

Các bà vợ cố chứng minh rằng: “Không có phụ nữ thì gia đình không thể tồn tại”. Sự nỗ lực đó khiến họ cắt giảm thời gian dành cho bản thân, tự hạn chế những nhu cầu cá nhân: du lịch, giải trí, đọc sách, bạn bè... với mong muốn có được niềm vui bên con ngoan, chồng tốt.

 

Thế nhưng, đáp lại sự hy sinh này, cuộc sống chung không phải lúc nào cũng êm ả. “Nội chiến” trong gia đình là điều không tránh khỏi. Sự thay đổi của ông chồng làm bà vợ bối rối. Họ mau kiệt sức vì phải giải quyết nhiều rắc rối trong nhà. Khi không kiểm soát được chồng, các bà vợ ngao ngán nghĩ rằng hôn nhân là cái bẫy.

 

Một lý do khác khiến các bà vợ không vui an hưởng thái bình được là họ hay nghĩ đến những điều không hề mong muốn: chồng có bồ, mang tiền về cho cha mẹ... Phụ nữ tự cho mình có tài năng bẩm sinh thấu hiểu chồng, ngay cả khi đối phương không nói ra. Tuy nhiên, đôi khi đó chỉ là những cảm xúc chưa được lý trí “duyệt” qua, nên trở thành nguy cơ đe dọa hạnh phúc gia đình.

 

Theo các nhà tâm lý, các bà vợ phải biết tạo cho mình hạnh phúc, để luôn có hạnh phúc trao tặng cho chồng con. Muốn thế, họ phải biết cân bằng mọi hoạt động cá nhân trong các lĩnh vực gia đình, công việc và bản thân. Đừng quá nhập vai bà mẹ hay bà vợ mà tự làm lu mờ những vai trò khác của mình. Đừng vì mọi lúc với chồng con, mà quên hết bạn bè, đồng nghiệp. Bởi khi mất cân bằng, bạn sẽ mất sự hài hòa, hạnh phúc trong cuộc sống.

 

Phụ nữ