Nhọc nhằn… “moi” tiền chồng (4): Sự vô trách nhiệm xé nát hạnh phúc

Mâu thuẫn về tiền bạc được coi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ ly hôn. Một nghiên cứu mới đây cho thấy, sự vô trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình biểu hiện rõ nhất trong vấn đề tài chính. Còn nếu người chồng đưa hết tiền lương cho vợ thì hôn nhân càng hạnh phúc.


Khi các cặp đôi tin tưởng nhau thì hạnh phúc từ đó sẽ được nhân lên. Ảnh minh họa

Khi các cặp đôi tin tưởng nhau thì hạnh phúc từ đó sẽ được nhân lên. Ảnh minh họa

Tiền bạc quyết định sự “tan hợp” của hôn nhân

Để thấy vấn đề tiền bạc ảnh hưởng như thế nào đến sự tan hợp của hôn nhân, chúng tôi xin trích đăng những dòng tâm sự rất thật lòng của các bà vợ.

Tâm sự của chị Hạnh ở Hoàng Mai (Hà Nội): “Chồng mình làm ra khá nhiều tiền, tiêu tiền không phải nghĩ nhưng chỉ đưa cho mình 5 triệu mỗi tháng. Mặc dù, mình đã nói chuyện thẳng thắn rất nhiều lần với chồng rằng toàn bộ các khoản chi của gia đình, tiết kiệm hết mức vẫn hết khoảng 15 triệu đồng/tháng vì gia đình mình có 3 đứa con.

Lương mình 7 triệu đồng/tháng. Mình đề nghị chồng đưa mình 10 triệu đồng/tháng nhưng anh ấy cứ im re không nói gì và chỉ đưa cho mình đúng 5 triệu tiền học của các con. Hậu quả là mình đi làm có được bao nhiêu tiền là chi hết cho gia đình, không bao giờ để dư ra được đồng nào để có một khoản tiền “phòng thân” những khi ốm đau, trái nắng trở trời.

Sinh đứa thứ 3 xong, mắt mình bỗng dưng mờ đi nhưng nói thật là mình không có tiền để đi khám xem sự thể thế nào. Đó là chưa nói đến cảnh thiếu trước hụt sau, nhiều lúc phải chạy bữa. Nghĩ mà thấy buồn”.

Một người vợ trẻ khác cũng cho biết: “Mình thì chồng chẳng đưa cho đồng nào hết, cứ kệ vợ thôi. Có cách gì không đây, chán nản vô cùng!”.

Hay một tâm sự không kém phần não nề như: “Tôi cũng đang đau đầu vì vấn đề này đây. Lương chồng 10 triệu/tháng nhưng chỉ đưa cho mình 3 triệu coi như đóng tiền ăn, còn lại mình tự lo mà nuôi con. Lương mình 5 triệu đồng/tháng, làm sao mà xoay xở hết trong gia đình. Vợ chồng mình có hai đứa con, nhà đang đi thuê. Mình cảm thấy chán nản vô cùng vì sự vô cảm lạnh lùng như vậy của chồng”.

Hay tâm sự của một người con: “Mẹ tôi 40 năm nay chưa được cầm một đồng của bố tôi. Tôi rất phục mẹ, hết lòng vì con!”…

Chán nản, thất vọng, mệt mỏi, muốn ly hôn, bế tắc… là tâm trạng chung của các bà vợ khi chồng không đưa đủ khoản chi tiêu trong gia đình. Nhiều người thường nói “khi yêu nhau tiền không là tất cả nhưng khi cưới nhau rồi thì tất cả lại vì… tiền. Hạnh phúc hay đau khổ, thuận hòa hay cãi vã… cũng chủ yếu từ vấn đề tài chính mà ra. Thế nên từ trước đến nay, dù ở bất cứ xã hội nào, phương Đông hay phương Tây, châu Á hay châu Âu thì mâu thuẫn về tiền bạc vẫn được liệt vào nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ ly hôn”.

Chồng đưa tiền cho vợ, gia đình sẽ hạnh phúc hơn

Theo TS Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, dù muốn dù không thì trong bất cứ cuộc hôn nhân nào, tài chính luôn là yếu tố hàng đầu có tính quyết định đến sự "tan hợp" của cuộc hôn nhân. Khi yêu nhau người ta có thể dệt mộng ước xây dựng một gia đình “1 mái nhà tranh, 2 trái tim vàng” nhưng khi bước vào hôn nhân thì hai người cần phải sống một cách thực tế.

Khi đồng ý kết hôn là bạn đã có đầy đủ tâm thế để bước vào đời sống hôn nhân, để tự tin ký vào bản cam kết chia sẻ cuộc sống với người bạn đời. Hôn nhân là sự kết hợp giữa hai con người xa lạ để trở thành một gia đình. Để xây đắp gia đình đó, cả hai cần phải ý thức rất rõ trách nhiệm của mình.

Với người đàn ông thì trách nhiệm căn bản nhất vẫn là trách nhiệm tài chính. Xưa người đàn ông đi kiếm miếng ăn về cho vợ con thì nay họ sẽ giữ ở vai trò chính trong vấn đề tài chính của gia đình. Trong cuộc sống vợ chồng, vấn đề tài chính đóng vai trò quan trọng. Dù là quyết định tiết kiệm tiền cho tương lai hay một bữa ăn trưa ở nhà hàng, tất cả đều ảnh hưởng đến người bạn đời của bạn.

Một người chồng có trách nhiệm sẽ không bao giờ để người vợ phải bươn chải kiếm tiền nuôi sống gia đình. Một người chồng có trách nhiệm sẽ không bao giờ buộc vợ phải chi đến đồng lương cuối cùng của cô ấy cho gia đình.

Bởi khi người phụ nữ phải chi đến đồng lương cuối cùng của mình cho đứa con hay cho cái ăn của gia đình thì vô tình người chồng đã đẩy vợ vào thế bị động. Họ bị động trong nuôi dạy con, bị động trong công việc nội tướng của gia đình, bị động trong chính công việc và sự nghiệp của họ.

Khoa học đã chứng minh rằng một người chủ động được vấn đề tài chính (tức là không bị thiếu thốn, thiếu trước hụt sau) sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, nuôi dạy con tốt hơn, khả năng phát triển công việc sự nghiệp tốt hơn và và gia đình đó cũng hạnh phúc hơn.

Việc chia sẻ tiền bạc nhiều hay ít phụ thuộc vào mức độ tin tưởng vào người bạn đời. Khi các cặp đôi tin tưởng nhau thì hạnh phúc từ đó sẽ được nhân lên. Với những cặp vợ chồng đã có con mà người chồng vẫn giữ khư khư lương của mình thì điều tồi tệ tất yếu sẽ xảy ra. Những cuộc tranh cãi sẽ liên tiếp xảy ra trong gia đình. Rất nhiều gia đình tan nát chỉ vì chồng không hỗ trợ vợ về mặt tài chính để nuôi con cái.

Một nghiên cứu mới đây của nhà xã hội học Jan Pahl và nhà báo Megan McArdle cho Tạp chí Bloomberg còn chứng minh được một sự thật rằng: Người chồng càng tự nguyện đưa nhiều lương cho vợ thì gia đình càng hạnh phúc, lý tưởng nhất là chỉ giữ lại 5% cho mình mà thôi.

Ngược lại, mức độ hạnh phúc giảm dần theo số tiền mà người chồng không đưa cho vợ hàng tháng. Kỳ lạ là sự kém hạnh phúc ở đây không chỉ ở các bà vợ mà nó diễn ra ngay chính ở các ông chồng.

Theo Ngân Khánh
Gia đình và Xã hội