Nhìn xã hội từ “cảm xúc tình dục đa nguyên”

Các nhà khoa học xã hội gọi con người là “động vật cảm xúc tình dục đa nguyên”, có cảm xúc tình dục hơn hẳn các loài linh trưởng khác. Một đời người có thể phát sinh tình cảm yêu đương với nhiều người khác giới.

Nhìn xã hội từ “cảm xúc tình dục đa nguyên”
Từ hàng ngàn năm trước, Trung Hoa đã có thuật phòng the cổ đại. Trong ảnh: Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa gồm Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền, Dương Quý Phi qua nét vẽ của họa sĩ Trung Quốc
Nhưng loài người lại là động vật có lý trí, được xã hội hóa cao độ. Hoạt động sản xuất của cộng đồng loài người, sự phân công hợp tác ngày càng phức tạp, yêu cầu hưng vượng của cộng đồng và sự chuyển vận bình thường của đời sống xã hội không cho phép con người muốn sao làm vậy, không bị hạn chế trước đối tượng tình dục. Do vậy, từ rất sớm, con người đã bị cấm quan hệ tình dục trong thời gian sản xuất, cấm quan hệ tình dục cùng huyết thống và đó là mầm mống của luật pháp liên quan tới tình dục sau này.

Sau Thế chiến II, tại phương Tây bắt đầu hình thành trào lưu “cách mạng tình dục”, nó bắt đầu xung đột với chế độ một chồng một vợ vốn mang tính “hợp đồng suốt đời”. Tỉ lệ ly hôn tăng lên, đạt tới 50% ở những thành phố lớn, gia đình độc thân tăng nhiều, thanh niên phổ biến “kết hôn thử”, xuất hiện tình trạng sống chung không kết hôn. Cuối thập niên 1960, trào lưu “giải phóng tình dục”, “tự do tình dục” này đạt tới đỉnh cao ở Châu Âu, Châu Mỹ.

Trước ngọn triều dâng cao, pháp luật phương Tây đành nhường bước, xuất hiện “cách mạng luật ly hôn” thực hiện “nguyên tắc ly hôn không sai khuyết”, có nước pháp luật công nhận “sống chung không kết hôn”, đồng tính luyến ái cũng được pháp luật và đạo đức khoan dung.

“Cách mạng tình dục” tuy mang lại tự do và bình đẳng về tình dục, nhưng xã hội phương Tây cũng phải trả giá nặng nề. Nó nuôi dưỡng khuynh hướng phóng túng tình dục, đã xuất hiện tự do tình dục quá mức, có người hoàn toàn không cần gia đình, chạy theo tình dục “giải phóng” và “tự do”. Tình hình này chẳng những không lợi đối với tiến bộ văn minh xã hội, mà còn đi ngược lại nhu cầu tình cảm của con người, muốn kết đôi để tìm chỗ quy tụ là gia đình.

Đến thập niên 80, những nhân sĩ trí thức của thế giới phương Tây và những nhà thực tiễn trào lưu “giải phóng tình dục”, “tự do tình dục” ngày xưa nay đã vào tuổi trung niên, đều không hẹn mà gặp, cùng đưa ra lời kêu gọi “trở về gia đình”. Bệnh AIDS lan truyền cũng làm nhiều người không thể không chú ý hạn chế tình dục.

Các nước phương Đông trong quá trình nhanh chóng công nghiệp hóa nền kinh tế, cũng lần lượt gặp phải sự quấy nhiễu của trào lưu “giải phóng tình dục”, “tự do tình dục” mà phương Tây đã gặp. Tỉ lệ ly hôn không ngừng tăng vọt, quan niệm tình dục được cởi mở trong lớp thanh niên là những tín hiệu rõ nhất.

Do truyền thống văn hóa khác nhau, các nước phương Đông đối với sự truyền bá trào lưu “giải phóng tình dục”, “tự do tình dục” của phương Tây tỏ ra lo lắng, ra sức đề phòng bằng nhiều phương pháp, nhằm hướng về mặt lợi tránh mặt hại, đó là đương nhiên và cần thiết. Nhưng các nước phương Đông khi xử lý các vấn đề cụ thể thường thiếu suy xét về lịch sử phát triển tính dục nhân loại và quy luật vận động của quy phạm tình dục, có những đối sách mang nặng tình cảm chủ quan, có người còn biểu hiện tư tưởng bi quan.

Đàm Đại Chính - nhà nghiên cứu Trung Quốc – tin rằng, nhân loại có khả năng giải quyết những vấn đề mới xuất hiện trong sự phát triển nền văn minh, văn minh nhân loại để không ngừng phát triển tiến lên theo quy luật “vô trật tự - có trật tự - vô trật tự mới – có trật tự mới”. Tăng cường quy phạm pháp luật, xây dựng đạo đức, giáo dục tình dục, đều sẽ có những tác dụng quan trọng. Trong đó, pháp luật là một đòn bẩy mạnh, bởi lẽ pháp luật do nhà nước định ra và đảm bảo dựa trên sự cưỡng chế của nhà nước, có tác dụng đảm bảo, đánh giá và hướng dẫn đối với quy phạm tình dục, giáo dục giới tính. Một môn khoa học liên ngành mới – Luật học tình dục – đã được phát triển ở nhiều nước.

Ở Trung Quốc từ cuối năm 1994, Hội tình dục học đã được thành lập ở Bắc Kinh. Năm sau, tức tháng 10.1995, Hội này đã thành lập Hội đồng chuyên môn luật học tình dục nhằm thúc đẩy việc xây dựng và phát triển luật học tình dục Trung Quốc.

Trong khi đó, với một chuyện quan trọng dường ấy, thì chúng ta gần như chưa có gì cả, chưa làm gì cả.
 

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc chia văn hóa tính dục thành bốn hệ thống

1. Hệ thống thực hiện tình dục gồm phong tục yêu đương và kết hôn của các dân tộc, hành vi tình dục của con người đi kèm theo tình yêu, tình yêu và sự thay đổi tư thế thân thể trong làm tình, và gồm cả những mặt trái như mại dâm, cưỡng dâm… là phương thức hoạt động tình dục riêng biệt của con người.
 
2. Hệ thống quy phạm tình dục gồm luật pháp tình dục, đạo đức tình dục, luật giới tình dục của tôn giáo và cấm đoán tình dục.
 
3. Hệ thống bù đắp tinh thần gồm sự bù đắp về tinh thần sau khi loài người tiếp nhận quy phạm tình dục, tức sản phẩm nghệ thuật liên quan mật thiết tới tình yêu, bao gồm hội họa, điêu khắc về cơ thể người, ca khúc phổ thông, vũ đạo, văn học miêu tả sinh hoạt tình ái, tác phẩm điện ảnh… mặt trái của nó là tác phẩm sắc tình đồi trụy. Ngoài ra còn bao gồm trang phục, trang điểm, nghệ thuật làm đẹp…
4. Hệ thống bảo vệ nhận thức tình dục (hay khoa giáo tình dục) gồm khoa học tình dục, kỹ thuật y học tình dục (kỹ thuật tránh thai, sinh đẻ nhân tạo, thay đổi giới tính), giáo dục giới tính, thuật phòng the cổ đại Trung Hoa…
 

 
 
Theo Lao động