Người yêu du học: Chờ đợi hay ra đi?

(Dân trí) - Đó là câu hỏi người viết đặt ra cho bạn bè và nhận được đa số ý kiến là nên ra đi tìm cho mình một người yêu mới. Cũng có người ngồi phân tích khi nào nên chờ đợi, khi nào nên thôi từ chính kinh nghiệm bản thân. Còn bạn, nếu người yêu bạn chuẩn bị tu nghiệp ở nước ngoài, bạn nghĩ sao?

Chờ làm sao được…

 

Khi một trong hai người đi du học nghĩa là tình yêu của họ sẽ bị ngăn trở bởi không gian và thời gian. Yêu xa, họ sẽ không còn được ở bên nhau, không được gặp nhau, dựa dẫm vào vai nhau mỗi khi có chuyện buồn. Trên hết là nỗi trống trải nhớ mong từng ngày. Rồi còn chưa kể đến sự xa mặt cách lòng mà các cụ ngày xưa đã đúc kết. Liệu họ có giữ được lòng khi có cơ hội tiếp xúc với những người khác, gặp gỡ những người tuyệt vời hơn. Hay đơn giản hơn những lúc trống vắng mà có một chỗ dựa, ai chẳng xiêu lòng.

 

Suy nghĩ của họ là “mình chung thủy chờ đợi nhưng anh ấy có như thế không, hay rồi lại mòn mỏi mà phí tuổi thanh xuân”. Và thế là trước lúc đối phương lên máy bay, họ cũng tiễn, cũng ôm hôn nhưng trong sâu thẳm, nỗi sợ mất người yêu đã nhen nhúm, làm mất lòng tin và sự vững vàng chờ đợi trong họ, chỉ cần một chút hiểu nhầm là bộc phát.

 

Hương - 22 tuổi là người chọn cho mình quyết định ra đi. Cô yêu Long ba năm, những tưởng đến năm thứ tư cả hai sẽ làm đám cưới thì Long thông báo anh sẽ đi tu nghiệp ở Đức ba năm. Long thuyết phục Hương chờ anh trở về sẽ làm đám cưới. Long cũng ngỏ ý ăn hỏi trước rồi đi cho Hương yên tâm, ngoài ra cứ nửa năm anh sẽ về nhà một lần nhưng Hương không đồng ý.

 

Ngoài những trăn trở phía trên, Hương cũng bị tác động bởi bạn bè, gia đình rằng cô không nên chờ đợi, nhỡ đâu sang đấy Long có người khác, ai mà biết được. Hương xao lòng, cô quyết định nói lời chia tay.

 

Người ở lại không tin tưởng và nói lời chia tay đã đành, nhưng cũng có những trường hợp người ra đi không chắc chắn tình cảm của mình, hoặc không muốn người yêu chờ đợi mòn mỏi, họ cũng sẽ tự khắc nói lời chia tay để cả hai cùng nhẹ nhõm. Một số người tuy nói sẽ chờ đợi nhưng cả hai đều ngầm hiểu khi người yêu lên máy bay nghĩa là tình cảm của họ sẽ chấm dứt từ đây.

 

Niềm tin vững chắc

 

Khi đã xác định được những câu hỏi phía trên và gạt bỏ nó ra khỏi suy nghĩ, nhiều người chọn phương án tin tưởng và chờ đợi. Ở đây niềm tin xuất phát từ hai phía, họ đều mong muốn có một cuộc sống tốt hơn, một cơ sở vững chắc cho tương lai của mình. Chấp nhận hy sinh để chờ đợi, đối với họ đây cũng chỉ là một trong những thử thách xem tình yêu của mình vững chắc đến đâu.

 

Trường hợp của Lan và Minh là điển hình. Cả hai yêu nhau từ thời cấp ba. Tốt nghiệp xong Minh sang Úc học bốn năm đại học, gia đình cũng như bạn bè chẳng ai khuyên nhủ gì chuyện tình cảm của đôi bạn trẻ vì nghĩ rồi cũng sẽ chia tay. Thế nhưng một năm, hai năm, rồi đến năm cuối ra trường mọi người vẫn thấy cả hai quấn quýt nhau mỗi khi Minh về Việt Nam.

 

Lan thổ lộ cũng đôi lúc cô xao lòng trước những chàng trai khác ở bên cô, cho cô cảm giác yên bình nhưng nghĩ đến Minh ở nơi đất khách quê người, đang cố gắng học hành vì tương lai hai đứa nên Lan lại gạt bỏ mọi cơn “say nắng”.

 

Cũng có nhiều lúc hiểu nhầm chuyện nọ chuyện kia, cả hai lên mạng chat một lúc để giải tỏa là đâu lại vào đấy. Hơn nữa, chẳng có ngày nào cả hai không nhắn cho nhau một tin vào buổi sáng và trước khi đi ngủ, để cho đối phương yên lòng.

 

Minh cũng có ý kiến tương tự, đôi lúc anh thiếu thốn tình cảm, có ngã lòng đôi chút nhưng đó chỉ là để lấp chỗ trống. Buổi tối nhận được tin của Lan anh lại thấy an lòng. Hơn nữa mỗi khi về Việt Nam, Lan đều dành hết thời gian cho Minh. Minh cũng rất vui khi bố mẹ nói Lan thường xuyên qua lại thăm nom các cụ. Chính vì thế anh tin và yêu Lan hơn.

 

Biết cách tạo niềm tin cho nhau, khiến đối phương an lòng là điều kiện tiên quyết để nuôi dưỡng tình yêu, chiến thắng sự cách trở không gian. Trên thực tế không hiếm những đôi vượt qua được thời gian thử thách này và có một hôn nhân hạnh phúc.

 

Tùng Nhi