“Người giúp việc” đáng yêu

(Dân trí) - Một cậu nhóc chạy lon ton trong nhà, giúp bố lấy nước mời khách, giúp mẹ dọn bàn ăn, nét mặt hăm hở và một cô bé ngồi xếp bằng trên xa lông xem TV, miệng không ngớt sai vặt bố mẹ, bạn muốn con mình là ai?

Sau đây là những bí quyết để biến con bạn thành “người giúp việc” đáng yêu.

Tại sao? Khi nhà tôi đã có …người giúp việc rồi

Nhà đã có bố mẹ và ôsin, có thể chăm lo cho bé yêu từ A đến Z, tôi đâu cần thêm một người giúp việc tí hon nữa? Vấn đề ở đây không phải là bạn cần, điều quan trọng là rèn luyện cho con thói quen và tình yêu lao động ngay khi con còn nhỏ - điều đặc biệt cần thiết khi con lớn lên.

Nếu ngay từ bé, con chăm chỉ làm việc nhà cùng bố mẹ, đó là sự rèn luyện tuyệt vời thói quen kiên nhẫn, tự lập, biết khắc phục khó khăn. Qua lao động, cháu cũng học được cách hợp tác với mọi người, cảm nhận được niềm vui của lao động, của việc giúp đỡ người khác.

Nếu bạn không rèn luyện cho con ngay từ thời thơ ấu, lớn lên con của bạn sẽ là một đứa trẻ lười biếng, ỷ lại, không mó tay vào bất kì việc gì, chỉ thích được phục vụ, luôn ngại khó, ngại khổ. Những đứa trẻ như vậy không những không thể thành công trong đời mà còn đem đến sự bất hạnh cho chính mình và người thân.

Thu hút một đứa trẻ lười biếng tham gia lao động, trở nên chăm chỉ là rất khó, nhưng rèn luyện để những cô bé, cậu bé 3 tuổi thích bắt chước người lớn thành những người giúp việc đáng yêu cho gia đình, không khó chút nào.

Con có thể làm gì?

Lười biếng không phải là bản tính của trẻ. Ngay từ khi trẻ mới chập chững đi, chúng đã có nhu cầu giúp đỡ bố mẹ làm việc.

Hai tuổi trẻ đã có thể giúp cha mẹ lấy một số đồ vật nhỏ.

Ba tuổi, trẻ muốn như người lớn, thấy mẹ giặt đồ cũng muốn bắt chước, thấy bố sửa xe cũng lon ton chạy lại đòi tham gia. Trẻ ba tuổi có thể tự mặc áo quần, cài cúc áo, thu dọn vỏ trái cây…

Bốn, năm tuổi, trẻ có thể thu dọn đồ chơi, quét nhà, gập quần áo, tự rửa bát đĩa của mình. Trẻ cũng rất thích đi chợ cùng bố mẹ, được chọn rau, thịt, củ quả…

Đây là những công việc rất đơn giản, vừa sức với trẻ, bạn có thể dạy con làm một cách dễ dàng.

Con sẽ thích làm việc, nếu:

Làm việc cũng như vui chơi

Không gì thu hút với trẻ em, làm cho trẻ vui và hào hứng bằng trò chơi. Nếu bạn muốn bé yêu làm việc tự nguyện và chăm chỉ, bạn hãy sáng tạo ra những trò chơi. Dọn bàn ăn cũng có thể là trò chơi hấp dẫn với trẻ nếu bạn cho phép con sắp xếp bát đĩa theo ý thích, chọn chỗ ngồi cho từng người... Muốn con dọn phòng, bạn hãy làm như chơi cùng con: “Đố con búp bê cất ở đâu?” hay “thi xem ai dọn nhanh nhất nhé”, con bạn sẽ tham gia đầy hào hứng!

Công việc mới mẻ, không nhàm chán

Trẻ con thích những gì mới lạ, không gì chán hơn cứ làm mãi một việc, nên sẽ không ngạc nhiên nếu con bạn nhăn nhó: “Con lúc nào cũng phải quét nhà”. Nếu con bạn phụng phịu như vậy, hãy thay đổi công việc cho con để bé không thấy nhàm chán. Cho con tự chọn công việc con thích cũng đem đến niềm vui cho trẻ, khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng và tự lập.

Hãy nhờ con giúp đỡ như người lớn

Trẻ không thích bị “sai vặt” mà muốn giúp đỡ bố mẹ như người lớn. Do vậy, khi muốn con giúp việc gì đó, hãy nhờ như nhờ người lớn, với thái độ trân trọng nhẹ nhàng. Nếu bạn nói “Lấy cho mẹ cái bát” thay vì “Con có thể giúp mẹ lấy bát được không”, thái độ của con sẽ khác. Cho con cùng tham gia, cùng quyết định công việc, chẳng đứa trẻ nào lại từ chối, nếu không nói là chúng sẽ hãnh diện và tự hào.

Cho con cảm nhận niềm vui khi giúp đỡ người khác

Nếu trẻ cảm nhận được niềm vui khi giúp đỡ bố mẹ và mọi người, không những trẻ sẽ thêm yêu lao động mà còn bồi dưỡng tình cảm yêu thương, nhân ái của trẻ với mọi người xung quanh. Hãy thể hiện niềm vui tình cảm yêu thương của bạn khi được bé giúp đỡ, điều này sẽ làm cho bé hoàn thành công việc một cách hào hứng và luôn muốn làm việc.

Cả nhà cùng vui

Làm sao có thể thu hút một cậu nhóc 6 tuổi nhặt rau cùng mẹ khi ông bố luôn nằm khểnh xem TV, xem đó là “công việc của đàn bà”? Và cô em gái 4 tuổi nếu giúp mẹ sẽ ấm ức như làm “đầy tớ” vậy. Giải pháp tốt đẹp nhất chỉ có thể là cả nhà cùng chia sẻ công việc, giúp đỡ lẫn nhau. Không gì tuyệt vời hơn nếu biến khoảng thời gian làm việc nhà thành thời điểm vui tươi của cả nhà bằng những trò chơi, sự thi đua, những chủ đề hấp dẫn…để mọi người yêu thương và xích lại gần nhau hơn.

Đừng bắt ép con

“Con với chả cái, không chịu làm gì cả, làm một tí cũng ra vẻ khổ nhục lắm”. Tại sao con lại thấy khổ sở khi làm những việc đơn giản nếu không phải thái độ ép buộc của bạn tạo nên. Sự bắt ép của người lớn khiến trong đầu óc trẻ, công việc đi liền với sự khó chịu, chỉ làm tăng sự chống đối ở trẻ. Một lúc nào đó, cháu từ chối giúp bạn, không có nghĩa cháu lười biếng, và bạn nên tôn trọng điều đó.

Cứ để con chơi!

Đừng phàn nàn “Con lúc nào cũng chỉ chơi, không giúp mẹ làm việc”. Khi con đang hăng hái với một trò chơi, đừng dội nước lạnh lên cháu bằng câu: “Dừng ngay, lại đây giúp mẹ”. Hãy cứ để cháu chơi, đơn giản vì con bạn vẫn còn là trẻ con. Với trẻ, trò chơi là công việc, là cuộc sống. Qua các trò chơi: nấu ăn, búp bê, bán hàng, bác sĩ… bé học cách làm việc: cách chuẩn bị nấu ăn, dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh, chăm sóc em bé… Hãy nhớ là, trẻ (3-6 tuổi) chơi cũng giống như người lớn làm việc vậy.

Khen ngợi, khen ngợi và khen ngợi!

Nếu nhấn mạnh ngàn lần cũng không thừa, hãy khen ngợi! Nếu bạn quên khen con khi con hoàn thành việc gì đó, nếu bạn tiếc lời khen khi kết quả công việc làm bạn chưa thực sự hài lòng, bạn đã tước đi một cơ hội để bé yêu tự tin hơn. Trẻ con giúp ít đã là nhiều, không thể đòi hỏi như người lớn.

Dù kết quả chưa như ý bạn, hãy cứ cảm ơn và khen ngợi con, sẽ khiến con bạn hứng khởi, tự hào và sẽ tiếp tục cố gắng. Khi 5 tuổi, nếu trẻ chưa sắp xếp đồ chơi gọn gàng, không sao cả, có lòng tự tin và tình yêu lao động, cháu sẽ có mọi thứ trong tương lai!

Hằng Nguyễn

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con cái