Nghệ thuật “khẩu chiến”

(Dân trí) - Đấu khẩu trong hôn nhân hoặc là cách để vợ chồng giải tỏa những bức bối trong lòng, từ đó thêm hiểu và hòa hợp, hoặc sẽ trở thành một mối nguy lớn cho hạnh phúc. Tất cả phụ thuộc bạn có nắm vững những nguyên tắc sau không.

 
Nghệ thuật “khẩu chiến” - 1


Chỉ nên “đấu tay đôi”

 

Chỉ các bạn mới hiểu rõ nhất vấn đề của mình, nên đừng để những người ngoài cuộc như cha mẹ, bạn bè và nhất là con trẻ “tham chiến”.

 

Các cụ thường khó có thể hiểu các vấn đề của cuộc sống hiện đại. Hơn nữa, việc cha mẹ ruột bênh con là điều rất dễ xảy ra. Để các cụ biết chuyện sẽ chỉ khiến họ phiền lòng và càng giúp càng rối.

 

Với con trẻ càng cần tránh. Khi phải chứng kiến cảnh cha mẹ bất hoà, trẻ thường có cảm giác bất an, lo lắng hay ức chế, ảnh hưởng không tốt đến quá trình hình thành nhân cách trẻ.

 

Chọn “chiến trường” thích hợp

 

Nếu trong nhà bạn không có không gian riêng phù hợp nhằm tiến hành “khẩu chiến” thì khi có vướng mắc, hãy ra ngoài tìm một nơi cùng giải tỏa.

 

Để “quyết một trận sinh tử”, nên tìm những nơi như sân vận động, những khu đất trống hay khu vực ít người qua lại. Nếu chỉ muốn trao đổi ý kiến thì có thể chọn quán cà phê hay công viên… Sau khi giải quyết vấn đề triệt để hãy trở về nhà.

 

Những nguyên tắc cần nhớ

 

- Không cố tình gây chiến: Nếu vấn đề phát sinh không quá lớn, hai người có thể tự tìm cách giải quyết, không nên “châm ngòi chiến tranh”.

 

- Không nói những câu nói có sức sát thương lớn: Nên nhớ, hai bạn đang tranh cãi cho mục đích hôn nhân của mình, không phải cãi để “ăn thua” với nhau. Do vậy, dù khi ấy có đang “hoả bốc tam trượng”, bạn cũng nên lưu ý chọn lựa từ ngữ thích hợp, cho đối phương cơ hội nói lên suy nghĩ của mình cũng như cho mình một đường lui, tránh nói năng quá cạn tình cạn nghĩa.

 

- Cùng giải quyết triệt để: Khi cả hai đã tìm ra vấn đề, hãy đưa ra cách giải quyết có lợi cho cả đôi bên. Những khúc mắc dồn nén trong lòng quá lâu sẽ gây ức chế và khiến vấn đề càng khó giải quyết hơn.

 

- Nhận lỗi và tha thứ: Bật đèn xanh cho bạn đời biết là bạn sẵn lòng tha thứ hoặc muốn được tha thứ. Đừng ngại nói lời xin lỗi nếu đó là lỗi của bạn.

 

- Tổng kết kinh nghiệm, rút ra bài học và tiến hành sửa chữa: Sau khi hòa giải, đôi bên cần tự rút ra những vấn đề của bản thân, những điểm thiếu sót khiến đối phương không hài lòng, từ đó cải thiện bản thân để vấn đề tranh cãi không tái diễn.

 

- Không nên vạch áo cho người xem lưng: Mâu thuẫn gia đình khó tránh, mọi người đều cần thời gian để lấy lại cân bằng, nhưng trước mặt người khác hãy cố gắng bày “trận giả”. Chớ để những rắc rối tạm thời của mình thành đề tài cho mọi người bình luận, thậm chí chế giễu hay thành cơ hội cho kẻ khác chen vào cuộc hôn nhân.

 

Phẩm chất cần có để phòng tránh“chiến tranh”

 

Đàn ông

 

- Nhường nhịn: Đàn ông thường rộng lượng và có khả năng chịu đựng tốt hơn phụ nữ, nên chuyện gì bỏ qua được hãy bỏ qua, vậy sẽ tránh được nhiều cuộc chiến không cần thiết.

 

Tôn trọng: Tôn trọng bạn đời và cố gắng chấp nhận những nhược điểm của vợ chính là cách tốt nhất để bạn có cái nhìn tích cực hơn với các vấn đề phát sinh.

 

Trách nhiệm: Nếu người chồng biết kiềm chế những ham muốn của bản thân và biết suy nghĩ cho người khác thì người vợ sẽ chẳng có lí do gì để gây chiến.

 

Yêu thương: Phụ nữ thường dễ mềm lòng, những tình cảm yêu thương ngọt ngào sẽ làm tan biến những khúc mắc trong lòng họ.

 

Phụ nữ

 

Biết chiều chồng: Đàn ông đôi lúc giống như những đứa trẻ không muốn lớn. Biết cách chiều chuộng họ một chút, chị em sẽ thấy những hiệu quả bất ngờ.

 

Chủ động trao đổi: Nói chuyện chính là cách tốt nhất để hai người hiểu thêm về nhau, tránh được những hiểu lầm đáng tiếc. Đàn ông thường kiệm lời nên phụ nữ cần chủ động gợi mở những đề tài để đôi bên cùng bàn luận.

 

Biết dựa dẫm: Phụ nữ quá hoàn hảo cũng không phải điều tốt. Khi ấy đàn ông sẽ có cảm giác mình bị lép vế, trong lòng bức bối nên chủ động gây chiến. Một chút yếu đuối, một chút dựa dẫm sẽ kích thích được bản tính đàn ông và tinh thần trách nhiệm của chồng.

 

Hồng Vân

Theo Sina