Kiến thức giới tính

Nếu tôi đồng tính…

(Dân trí) - Yêu mến, ngưỡng mộ, nhớ nhung những người cùng giới có phải là đồng tính? Dấu hiệu nào xác minh ai đó “pê đê”? Nếu bị đồng tính, tôi phải làm sao bây giờ?

Không lẽ em yêu người đồng giới?

 

“Em không hiểu nổi mình nữa, thật kỳ cục, em thích các cô giáo, bạn gái. Tất cả những người con gái đó đều đem đến cho em cảm giác đặc biệt lắm, như là yêu vậy. Em không học hành được gì, suốt ngày thẫn thờ. Trời ơi, anh chị có cách nào cứu em, rốt cuộc em bị làm sao?”.

 

Khi T.H gửi bức thư này đến một địa chỉ tư vấn, em đã chịu đựng “căn bệnh quái gở” này  (nói theo cách của em) được ba năm, từ khi em học lớp 9.

 

“Đôi khi, em nhớ cô bạn xinh xinh có giọng nói dịu dàng ở bàn trên. Nhiều lúc, em ấm ức, khó chịu ra mặt, giận dỗi mấy ngày liền với cô bạn thân vì bạn ấy vui vẻ với bạn khác. Không lẽ em ghen, không lẽ em lại yêu người đồng giới?”.

 

Em thấy mình thật là đứa bệnh hoạn

 

“Nhiều lúc em muốn kết thúc cuộc sống của mình vì em thấy mình thật là đứa bỏ đi, thật là đứa bệnh hoạn. Lúc nào em cũng thấy bế tắc và hoang mang, không biết hỏi ai, không biết phải làm gì”. Khó khăn lắm, N.T.P - một học sinh THPT ở TPHCM - mới có thể mở lời kể về câu chuyện đau đớn của mình.

 

Từ nhỏ P đã hay chơi với các bạn gái, cậu khoái chơi búp bê đồ hàng hơn ô tô tàu chiến, lại mặc đồ giống con gái, luôn là đề tài chọc ghẹo của bạn bè. Lớn lên không biết hút thuốc uống rượu, đi đâu cũng bị khích bác là “đồ con gái”. “Em luôn sống trong sự dằn vặt, xấu hổ, luôn bị mỉa mai, chế giễu, không lối thoát”.

 

“Thế em có thích các bạn gái không?” - Tôi hỏi và nhận được vẻ mặt đăm chiêu của P: “Em thấy mình rất lạ. Đôi lúc em yêu con trai, nhưng cũng thích một người con gái. Nhưng em sợ cái bệnh hoạn kia sẽ lấn át và nhấn chìm em. Làm sao em dám bày tỏ khi bạn ấy nghĩ rằng em “pê đê”, mà biết đâu em thế thật?!”.

 

Em sẽ chết mất vì tâm thần

 

Câu chuyện của H.A lại khác. H.A nhìn xinh xắn, nữ tính như bao cô gái khác. Mọi chuyện bắt đầu khi T.T, bạn thân của cô bé chuyển vào TPHCM, cách em 2000 cây số. Từ một người học khá, vui vẻ, em trở thành dốt nát, cáu gắt, ăn ngủ thất thường. Từ hệ A, em bị chuyển xuống hệ B và giờ muốn bỏ học.

 

“Em nhớ bạn ấy. Hình ảnh bạn ấy lúc nào cũng trong đầu em. Có những ngày em không ăn uống được gì, chỉ ngủ, có khi thức trắng đêm, oà lên khóc vì nhớ. Em đã thử mọi cách rồi, huỷ mọi tấm hình của bạn ấy, không chat, không gửi mail, không nghe, không gọi cho bạn ấy. Nhưng em không làm sao quên được. Cứ thế này, em sẽ trở thành người đồng tính luyến ái mất. Em sẽ chết mất vì tâm thần”.

 

Đồng tính? Có thật là đồng tính?

 

Chủ nhân của những câu chuyện đầy đau khổ, hoài nghi, dằn vặt và tuyệt vọng trên liệu có phải là người đồng tính? Yêu mến, bị kích thích bởi một người đồng giới hấp dẫn, nhớ nhung da diết người bạn cùng giới đi xa, liệu có thật là đồng tính?

 

Theo viện Giáo dục và Nghiên cứu về gia đình Mỹ, những người đồng tính luyến ái là những người trưởng thành, có khuynh hướng tình dục cố định với người cùng giới, có nhu cầu tình cảm, tình dục với người cùng giới.

 

Như vậy, nếu bạn đang ở tuổi vị thành niên và đang băn khoăn về thiên hướng tình dục của mình, khoan hãy vội kết luận. Có những thiếu niên hay thậm chí nhỏ hơn đã khám phá ra mình đồng tính, nhưng đa số chỉ biết chắc chắn khi họ trưởng thành.

 

Bạn đang ở độ tuổi vị thành niên, và yêu mến, ngưỡng mộ hay nhớ nhung một người cùng giới nào đó, chưa chắc bạn đã là người đồng tính, nếu bạn không có nhu cầu tình dục với người đó. 

 

Nếu bạn yêu người đồng giới lẫn khác giới, chưa có cơ sở để bạn kết luận bất kỳ điều gì về thiên hướng tình dục của mình. Có những người trải qua một giai đoạn tình dục đồng giới để rồi trở thành người lớn quan hệ tình dục khác giới bình thường.

 

Vậy nên, để xác định xem mình có đồng tính hay không, bạn cần rất thận trọng và kiên nhẫn. Giai đoạn vị thành niên nhiều biến động nhiều khi không đem đến cho bạn câu trả lời rõ ràng.

 

Làm sao đây nếu tôi đồng tính?

 

Biết mình bị đồng tính không phải là một điều thật khó khăn để chấp nhận và đối mặt, cho dù bạn là ai. Những vị thành niên đồng tính thường đau khổ, dằn vặt, sống khép mình với những người khác. Thanh thiếu niên bị đồng tính có khuynh hướng tự tử nhiều hơn thanh thiếu niên bình thường.

 

Nếu bạn có khuynh hướng tình dục đồng tính, hi vọng bạn là một trong những người dũng cảm chấp nhận sự thật đã an bài. Nếu không chấp nhận, bạn còn có cách nào khác? Không ai có thể chấp nhận bạn khi chính bạn không thể chấp nhận chính bản thân mình.

 

Bạn có thể tìm đến những người cùng cảnh ngộ để tìm sự sẻ chia thông cảm. Nếu bạn quá đau đớn tuyệt vọng không biết tiếp tục cuộc sống của mình như thế nào, bạn có thể tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn tâm lý. Hãy gọi đến số điện thoại của đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em 18001567 hoặc chương trình Cửa sổ tình yêu 04 8262625 để được tư vấn miễn phí.  

 

Bạn có thể lựa chọn giữ kín bí mật cho riêng mình hoặc công khai cho bạn bè, người thân. Đây là việc hệ trọng bởi điều bạn nói ra sẽ khiến không ít người sốc và không thể rút lại được. Nếu bạn tin rằng những người bạn yêu mến có thể thông cảm và giữ bí mật cho bạn, hãy chia sẻ để cuộc sống của bạn nhẹ nhàng hơn.

 

Dù điều gì xảy ra đi nữa, có rất nhiều người đồng tính trên thế giới đang sống dũng cảm và có ích, bạn có thể là một trong số đó.

 

Hằng Nguyễn

Dòng sự kiện: Đồng tính