Năm sai lầm của nàng dâu

Nếu chưa có nhà riêng, các cô vợ trẻ thường thích hai vợ chồng về ở nhà mình. Lý do là như vậy sẽ tránh được mâu thuẫn với mẹ chồng, mẹ và con gái có thể giúp đỡ lẫn nhau, thường xuyên tâm tình trò chuyện.

1. “Ở nhà mình tốt hơn!”

 

Trên thực tế, việc về ở nhà ngoại sẽ khiến các chàng rể cảm thấy không thoải mái. Chàng sẽ ít ở nhà, hay đi làm về muộn, hay về nhà mình... càng ngày càng xa vợ hơn. Mẹ chồng thì lo con trai mình bị "lép vế" quan hệ với con dâu và với gia đình thông gia trở nên xấu đi.

 

Theo các chuyên gia tâm lý, việc ở nhà ngoại hạ thấp vị trí, uy tín của người chồng trong mắt người thân, bạn bè. Anh ta nhất định sẽ tìm cách nâng mình lên. Tốt nhất là trường hợp anh ta tăng uy tín, quyền lực bằng cách kiếm tiền hoặc thăng tiến trong sự nghiệp. Tuy nhiên, có không ít người đã tìm kiếm và khẳng định điều đó trong bia rượu, bồ bịch...

 

2. “Mình sẽ giúp mọi việc!”

 

Về làm dâu, cô gái cố gắng làm mọi việc trong nhà nhưng quan hệ với mẹ chồng vẫn không ổn. Mẹ chồng muốn mọi việc vẫn theo ý mình như bao năm nay, còn nàng dâu lại nghĩ "mình có quyền theo ý của mình!".

 

Mẹ chồng muốn dạy cô dâu cách mình vẫn làm, cô dâu phản ứng lại. Việc nội trợ trở nên căng thẳng, mâu thuẫn. Theo các chuyên gia thì các cô dâu nên "lùi bước" vì trong nhà mẹ chồng vẫn là chủ. Cô dâu chỉ như đứa trẻ cần được dạy dỗ mà thôi. Hãy chấp nhận và làm theo cách của mẹ chồng. Chỉ có một việc cô dâu không được để mẹ chồng can thiệp vào - đó là cuộc sống riêng tư của hai vợ chồng.

 

3. “Mẹ chồng sẽ thay mẹ mình!”

 

Những cô gái thiếu tình cảm của mẹ từ bé, thường hy vọng mẹ chồng sẽ là người để mình yêu thương như mẹ đẻ. Lúc đầu mọi chuyện thật êm đẹp, dễ chịu, nhưng thực ra, một cái bẫy vô hình đã dần hình thành. Cùng với thời gian, mâu thuẫn nảy sinh, bao nhiêu hy vọng của cô dâu vào mẹ chồng như sụp đổ hết. Cô tìm cách kéo chồng đứng về phía mình, mẹ chồng lại tìm cách kéo con trai ủng hộ mẹ.

 

Theo các chuyên gia, quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu cần có những ranh giới nhất định. Chỉ như thế cô dâu mới không kỳ vọng mẹ chồng sẽ coi mình như con gái để rồi thất vọng. Mẹ chồng cũng thấy mình không nhất thiết phải yêu quý con dâu như con đẻ. Nếu giữa hai người không có ranh giới thì nhất định mâu thuẫn sẽ bùng nổ.

 

4. “Bà ấy có lỗi trong mọi chuyện!”

 

Các cô dâu thường coi mẹ chồng là nguyên nhân gây nên mọi chuyện khó chịu trong gia đình riêng của mình. Bực chồng đến mấy các cô cũng không gây sự vì cho rằng mẹ chồng là căn nguyên của những khó chịu đó, chính bà đã xúi bẩy con trai bà như vậy.

 

Mẹ chồng tức tối, con trai bà lại làm ngơ, cho rằng chuyện của mẹ và vợ là chuyện đàn bà, vợ mình đâu có hay cãi nhau với mình. Theo các chuyên gia, đổ hết lỗi cho người khác là dấu hiệu của sự chưa trưởng thành về tâm lý.

 

Bạn đã lựa chọn anh ấy thì phải có trách nhiệm với anh ấy, với gia đình riêng của mình, không thể đổ lỗi cho mẹ chồng được. Nếu quả thực là mẹ chồng can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng của hai vợ chồng thì bạn cần có biện pháp ngăn chặn. Như vậy, chồng con bạn sẽ vừa kính trọng bà vừa kính trọng mẹ.

 

5. “Bà nội không nên can thiệp vào việc dạy dỗ cháu”

 

Dù quan hệ với con dâu không tốt, mẹ chồng vẫn luôn yêu chuộng cháu nội. Bà nhất mực cho rằng mình biết cách dạy dỗ cháu tốt hơn ai hết. Có thể chọn lựa giữa ý kiến của mẹ và ý kiến của bà, đứa trẻ bắt đầu nhõng nhẽo, khó bảo. Hơn nữa, bỏ công chăm nom, dạy dỗ cháu, mẹ chồng cho rằng mình đã giúp đã con dâu, và như thế là bà có quyền can thiệp vào cuộc sống của hai vợ chồng.

 

Theo các chuyên gia, để giảm bớt sự lệ thuộc vào bà nội trong việc trông nom con cái, con dâu cần tìm hình thức phù hợp để bày tỏ lòng biết ơn với bà (tặng quà, giúp đỡ một số việc v.v...). Con dâu cũng nên hạn chế việc nhờ bà chăm cháu, tất nhiên là nên tìm những lý do thật tế nhị để bà khỏi mất lòng. Nếu cứ đổ hết việc trông nom con lên đầu bà nội, nhất định mâu thuẫn gia đình sẽ bùng nổ.

 

 

Theo Phụ Nữ Việt Nam