Mùa lúa chiêm

(Dân trí) - Ở quê tôi mỗi khi những cơn gió Lào ù ù thổi, tiếng ve não nề chào mùa Hạ và những chùm phượng vĩ nở bung hết mình giục giã cô cậu học trò phút chia tay cũng là lúc mùa gặt lúa chiêm bắt đầu...

Mùa lúa chiêm


Hồi ấy bà còn sống, cứ mỗi lần nhìn cánh đồng bắt đầu ngả màu là bà lại thấp thỏm, từ lúc ấy cho đến vụ gặt sao mà dài đằng đẵng, bà bảo “ Lúa vang vang vàng con mắt” quả không sai, không gì lâu hơn thời gian chờ đợi. Hồi ấy khổ lắm, nhà hết lúa phải chịu cảnh ăn đong từng bữa nên cảm giác chờ mùa gặt không khác gì mong mẹ về chợ.

 

Đến khi đàn tu hú cất tiếng gọi bầy, nhìn ra xa cánh đồng ngả một màu vàng ươm thì nhà nhà mới lục tục chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, nhà nền đất chứ làm gì có xi măng, gạch hoa như bây giờ nên những chỗ lồi lõm phải san phẳng kĩ càng, quét một lớp tro bếp cho ra dáng một căn nhà mới đón hạt lúa mới từ cánh đồng về. Ngày gặt rộ, trên khắp cánh đồng râm ran tiếng cười nói, tiếng í ới chành chọe nhau, nhà nhà vàn công, đổi công cho nhau chứ làm gì có tiền thuê mướn như bây giờ. Đến trưa, khi mặt trời gần đứng bóng từng đoàn xe bò lích kích cao ngất ngưởng chở lúa về...

 

Lúa ngập từ nhà ra sân, từng bó lúa nằm ngổn ngang, ai cũng muốn mau mau chóng chóng phơi cho kịp nắng, ngặt nỗi làm gì có máy tuốt mà phải đạp bằng chân, một con sào dài buộc vào hai cột nhà, hai tay tì lên sào còn chân đạp cho đến lúc những bông lúa được rủ sạch... Những anh thanh niên khỏe, đạp lúa giỏi nhanh chóng lọt vào mắt xanh các chị, khỏi mất công tán tỉn gì cho mệt và nhà nào đông con gái cũng hoàn tất vụ mùa sớm từ khi gặt đến lúc phơi... Đêm đêm các anh đến chơi, vừa đạp lúa vừa tán dóc, các chị giũ rơm đến lúc trăng chênh chếch họ mới đưa nhau xuống giếng làng tắm, nhiều đôi nên vợ nên chồng từ những đêm trăng đạp lúa như thế...

 

Vùng đất đỏ chúng tôi đã nghèo nhưng ở dưới đồng bằng mới thật khổ, chỉ biết trông chờ vào hạt lúa, gặp phải khi hạn hán mất mùa là đói cả năm... Quê tôi trở thành cứu cánh, niềm hy vọng trong cuộc vật lộn mưu sinh, mới bảnh mắt họ đã tấp nập, lũ lượt từng đoàn đứng quanh bờ ruộng chờ người ta gặt thì xuống nhặt nhạnh những bông lúa còn vương vãi nhưng “ của khó con đông”, xem ra chẳng ăn thua. Họ chỉ còn cách đứng kì kèo gặt thuê, đến cuối ngày trả công bằng lúa... Có nhà tử tế cho gặt, trưa mời bữa cơm trưa, chiều về trả công hậu hĩnh nhưng có người khó tính họ mắng mỏ, xua đuổi thậm tệ... Trong đám người đi mót lúa chị với bà siêng năng, chịu khó và thân thiết với nhà tôi nhất. Từ đầu mùa bà và chị đã rập rèm dò hỏi gặt chưa...

 

Con gái đồng bằng, đồng chua nước mặn nhưng chị đẹp lạ, nước da trắng mịn, bắp chân tròn lẵn. Bà kể, mẹ chị mất khi chị mới lọt lòng, bà nuôi chị từ khi còn đỏ hỏn đến giờ lớn lên bà cháu nuôi nhau... Mẹ khen chị vừa xinh vừa khéo, chị xây cái tay lúa to mà đẹp như bó hoa cô dâu ngày cưới. Buổi trưa, cơm nước xong, bà tôi và bà ngồi tỉ tê chuyện ngày xửa ngày xưa, chị kéo chúng tôi ra gốc mít bắt chấy... Cái đói cái nghèo hình như làm cho con người ta chai sạn đi thì phải, những sĩ diện của người con gái đành tắt ngúm nhường chỗ cho kế mưu sinh, mỗi lần vô tình gặp người dưới quê lên làm dâu chị khe khẽ kéo nón che mặt...

 

Đám trẻ con chúng tôi cũng ra đồng, đi ra chăn bò, xem bố mẹ gặt lúa nhưng thích nhất là đi để được ngồi xe bò, ngày nay ngồi xe hơi máy lạnh sao vẫn không khoái bằng những chuyến xe bò ngày xưa... Một dạo đang tha thẩn cho bò ăn ở vệ đường thì gặp chị và bà vồn vã đi lên, tôi bỗng nảy sinh trò đùa ác, chỉ tay về đám ruộng cạn lố nhố người “ Chỗ ấy đang cần người, chị đi lẹ lên không mất phần đấy”, chị và bà hăm hở chạy đến, chạy văng cả dép... Rủi thay, gặp phải nhà lão Bương, cái lão vừa keo kiệt vừa ác, mắng nhiếc chưa bõ lão còn vác đòn xóc đuổi hai bà cháu ngã dúi dụi trên bờ ruộng... Gương mặt chị vừa sợ hãi vừa chưng hửng chốc trắng bệch chốc đỏ lừ lấm tấm mồ hôi, hình như chị khóc...

 

Rồi chúng tôi cũng lớn lên, ra thành phố học, mỗi lần thấy chùm phượng vĩ nở bung như hàng nghìn ngọn nến lại nhớ quê da diết, thèm bát cơm ngày mùa. Mỗi lần về quê thăm vào đúng mùa lúa chiêm, thấy mọi người tất tả bận rộn nhưng vẫn thiêu thiếu cái gì đó. Đồng ruộng giờ đã thu hẹp, chỗ người ta chuyển đổi, chỗ cấp đất làm nhà nên không khí háo hức chờ ngày mùa không còn nữa... Có lần buột miệng hỏi mẹ “ Sao dưới đồng bằng họ không lên mót lúa nhỉ...” ? Mẹ bảo đập thủy lợi đủ nước tưới cho cả vùng, mỗi năm làm ba vụ, mình còn phải đi gặt thuê cho họ nữa là, lúa ăn không hết đi mót làm gì... Nghe mẹ nói tự nhiên thấy vui vui trong lòng nhưng sao có cái gì trống trải, vậy là không còn được gặp chị nữa, giờ chắc chị đã chồng con đuề huề, không phải lo ăn lo mặc nữa rồi, không biết còn nhớ trò đùa dại dột của tôi ngày xưa không?...

 

Đình Dũng