Góc tâm hồn

Mùa bắp

(Dân trí) - Tháng tư về dọc các triền đê, bờ sông đâu đâu cũng ngút ngàn một màu xanh mởn của đồng bắp phất cờ đậu trái. Gió đầu hạ của mảnh đất miền Trung khô cằn đủng đỉnh phe phẩy đưa những ngọn cờ đầy phấn của bắp lăn theo sóng lá trông thật đẹp.

Nhớ những khi học xa nhà và nay có nhiều chuyến đi xa hơn, mỗi lần theo tàu về nhà đi ngang qua dòng Thạch Hãn ngoái nhìn bãi bắp xanh tít tắp chạy đến tận chân trời mới thấy thật sự quê mình đẹp và thuần hậu.
 

Ngày trước để có được một trái bắp phải đợi đến mùa. Nhưng nay dù là mùa đông rét mướt hay khi xuân về cũng thấy người ta bày bán bắp khắp các quầy hàng ở phố. Dẫu vậy mùi bắp trái mùa chẳng làm người đi đường vương cảm xúc luyến lưu, chỉ khi mùa đến, lúc cái nắng đã bắt đầu, người ta mới miên man nhớ và thương trái bắp ở quê nhà.

 

Bắp được chặt ngoài đồng đem về cắt từng trái ra rồi lột bớt vỏ. Bắp chặt từ sáng sớm, suốt đêm dài ngậm sương được rửa sạch bởi những giọt nước tinh khiết từ trời. Nên cứ thế bắp không cần rửa qua nước mà chỉ cần sắp ngăn nắp vào nồi, kiếm củi khô trong vườn thổi bếp cháy rực luộc là ngậy thơm. Được uống từng ngụm nước bắp ngọt lịm thơm nồng thì không gì thú vị bằng.
 
Báp còn được chế biến làm nhiều món khác như bắp non bào theo chiều dọc làm nát từng hạt nhỏ, hạt bắp tứa sữa trắng thơm dùng nấu chè, khi ấy chè bắp có vị thơm riêng chẳng thể lẫn vào bất cứ loại chè cao lương nào.

 

Hay những trái bắp tươi dùng để nướng trên than hồng kêu xì xèo. Bắp chuyển màu vàng đỏ trên lửa nghe rất vui tai và bắt mắt.

 

Trong cái nắng gió tháng tư, thả mình dọc theo đồng bắp, nhìn ánh mặt trời đỏ chói soi từng tia sáng lên ruộng bắp mới có cảm nhận hít thở bầu không khí yên ả của quê, cảm nhận rõ hơn tình quê. Dẫu vẫn biết con người lớn lên có nhiều nơi để đến, có những chốn và nhiều điều thú vị đón đợi nhưng chỉ quê mới là nơi cần được trở về. Hai tiếng quê nhà chỉ đơn giản nhưng gọi mãi vẫn thấy thân thương. Dù ở đó có những thứ níu giữ rất đỗi bình dị, nhưng là điều đã làm nên tâm hồn của một con người qua mọi thời đại và miền văn hóa.

 

Phan Bảo Hòa