Một cục tiền

Cuối năm, chồng mang về một cục tiền. Thưởng Tết âm lịch, tổng kết thi đua bình xét, trợ cấp… tất cả dồn lại được một khoản kha khá. Lãnh tiền xong, chồng cho tất cả vào phong bì, mỗi khoản cột dây thun có một miếng giấy ghi rõ tiền gì bao nhiêu.

Bỏ qua hết mấy lời rủ rê gầy độ của đồng nghiệp, chồng từ từ chạy xe về nhà, thong dong nhàn nhã. Đưa cho vợ cục tiền, mặt vợ giãn ra như có phép màu, như thể mệt nhọc bay biến hết. “Phép màu” còn tiếp diễn ngoạn mục hơn: khi biết tổng số tiền, vợ nở nụ cười tươi hơn hớn. Chồng nghĩ, chao ôi, phải chi ngày nào ta cũng mang về nhà được một cục tiền như vậy!

Đợi tiền



Đợi tiền

Thế nhưng, chồng biết, hễ nói đôi câu nhận xét về cái nỗi “đợi tiền” của vợ là lập tức chiến tranh bùng nổ ngay! Đàn bà lạ vậy, bà nào cô nào em nào cũng thích tiền, nhưng hễ người khác bảo mình thích tiền là lồng lộn lên, coi đó như một sự xúc phạm, là ra sức chứng minh tôi thèm vào tiền bạc của các ông, các anh. Biết vậy, nên anh chỉ âm thầm thưởng thức nụ cười “tiền vô” của vợ, chứ nào dám hó hé. Ngoài mặt vẫn coi như mình vui vẻ đưa cục tiền cho vợ một cách tự nhiên tự nguyện - nào có đáng gì đâu, vợ cứ chi dùng, chừng nào có anh đưa liền, đưa bằng hết!

Nhưng chồng vẫn nghĩ: bảo tiền là nỗi mong đợi của vợ, thì có gì sai? Cái sai nằm ở chỗ đợi tiền mà lại cứ làm ra vẻ không thèm đợi, cần tiền mà không dám thừa nhận mình cần tiền. Thì đấy, hàng trăm thứ cần đến tiền: con ăn, con học, sữa, gạo, dầu ăn, mắm muối, gas, xà phòng giặt, xà phòng tắm… Vợ đâu có cần tiền cho riêng mình. Ai chẳng muốn sống không màng đến tiền bạc, nhưng thử cưới một cô không màng đến tiền bạc xem sao, thế nào rồi cũng tới cái kết cục gây gổ xào xáo chỉ vì thiếu tiền.

Lúc còn yêu nhau, em bảo chẳng cần tiền, chỉ cần anh mà thôi. Anh chồng nào cũng xem đây là “quả lừa” đắng nhất mình ăn phải, vì sau ngày cưới các nàng đều đổi sở thích cái rụp. Nhưng nghĩ cho cùng, chị em cũng ăn phải quả lừa tương tự: trước khi cưới anh nào cũng bảo sẽ nâng niu bảo bọc em trọn đời, anh sẽ là bờ vai cho em nương tựa, cưới xong rồi thì “anh chỉ có nhiêu thôi, em phải học cách thu xếp chi dùng cho đủ chứ”.

Xét cho cùng, cánh phụ nữ vẫn nhất quán: không phải em cần tiền của anh, mà chính con anh, chính tương lai của chúng ta, chính trách nhiệm với gia đình lớn gia đình nhỏ… đang cần đến tiền của anh. Gia đình là một dự án đầu tư dài hơi mà các khoản vốn phải được huy động liên tục, cả hai bên cùng chăm sóc, quản lý. Dự án nào chẳng khát vốn, đợi vốn, tiền của anh và tiền của em nữa, đều chui vào đấy cả chứ đi đâu!

Tiêu tiền…

Hỏi mấy ông bạn, ra sự tình ở nhà nào cũng thế. Một ông cười khà khà: tiền không quan trọng, quan trọng là tiêu tiền! Thực chất nỗi ấm ức của nhiều ông chồng nằm ở chỗ tiền đưa cho vợ như bỏ vào một cái thùng không đáy, không bao giờ đầy, không bao giờ lấy lại được. Ai làm ra tiền người ấy mới biết tiếc biết xót. Vậy nên, nhiều cặp đôi hiện đại đang tán thành cách sống “tiền ai nấy tiêu”, phần vì không ai xâm phạm vào tiền của ai, nhưng phần quan trọng hơn là vì chuyện này quá dễ: chúng ta ai chẳng vậy trong một thời gian dài, mình làm mình tiêu, tự do tự tại. Vậy nên, chẳng cần cố gắng gì cả, mà lại khỏi phải tranh cãi, khỏi sứt mẻ tình cảm, anh cứ giữ lấy tiền của anh, em sẽ giữ tiền của em, bình đẳng, tội gì mà không theo cho nó yên nhà yên cửa và yên cả cái ví của mình!

Tuy nhiên, thực tế là cách sống “tiền ai nấy tiêu” khó có thể kéo dài được. Vợ chồng Thắng - Liên kể về con đường từ riêng đến chung của mình: cả hai đều đi làm, lương cao, họ có một thỏa thuận từ lúc còn yêu: “độc lập kinh tế”. Hẹn hò, đi ăn bên ngoài cũng “cưa đôi”, hoặc luân phiên trả, không ai phải bao ai. Cưới xong, họ tiếp tục giữ thỏa thuận này. Thời gian đầu, Liên cảm thấy rất thoải mái. Cô kiêu hãnh về khả năng kiếm tiền của mình nên không thèm mè nheo chuyện tiền bạc với chồng. Đổi lại, cô có thể mua sắm những gì mình thích, không bị chồng cằn nhằn hoang phí. Nhưng ngay cái Tết đầu tiên, đôi vợ chồng son đã thấy phát sinh vấn đề: tiền biếu ông bà bên nội, bên ngoại sẽ sao đây? Ừ thì vẫn bên ai người ấy biếu, nhưng đã phải đưa “định mức” cân bằng nhau, không thì “nhất bên trọng nhất bên khinh”. Mà các cụ cũng rắc rối ghê cơ: ông nội nhận tiền con trai biếu coi là chuyện bình thường, bao lâu nay vẫn thế, nhưng ông bà ngoại được con rể biếu tiền, ông bà nội được con dâu biếu tiền, thì hãnh diện lắm, khoe loạn cả lên với bạn bè làng xóm! Lại còn quà cáp, sắm sanh cho mấy ngày Tết, để rủ bạn bè đến chơi nhà. Thế là vợ chồng từ “chia” chuyển thành “cộng”, hùn chung một khoản sắm Tết và đổi tiền mới lì xì em út cháu chắt cho nó vô tư, kẻo không nhỡ gặp cháu nào lại phải phân loại cháu chồng hay cháu vợ thì cũng mệt! Hết Tết, thấy “cộng” cũng hay, thế là ngân quỹ chung của gia đình hình thành từ lúc nào chẳng rõ. Chồng giao cho vợ nắm tay hòm chìa khóa. Thỉnh thoảng nguồn vào chậm, vợ lại hỏi “tháng này chậm lương hả anh?”. Thỉnh thoảng, muốn thưởng thức tâm trạng vui sướng của vợ, chồng lại tha về cho vợ một cục tiền “ngoài kế hoạch”.

Từ khi có ngân quỹ chung của gia đình, mỗi người đều thấy mình tiêu pha có trách nhiệm hơn. Những khoản chi lớn trong gia đình, họ đều có trao đổi. Mua sắm trở thành một thú vui chung khi cả hai cùng cân nhắc một món đồ, cùng chia sẻ niềm vui khi được giảm giá dù chỉ chút đỉnh. Khi hai đứa trẻ nối nhau ra đời, thu nhập của Liên hụt xuống vì cô bận con nhỏ, Thắng sẵn lòng làm thêm để kiếm tiền cho cả gia đình. Hỏi anh có tiếc cái thời “độc lập kinh tế”, anh cười: “Nếu độc lập hoài, mình làm gì có nổi hai cục vàng này, phải không…”.

Bố vợ tổng kết: đàn bà tiêu tiền giỏi lắm con ạ. Có ba cái giỏi: thứ nhất là tiêu tiền người khác, thứ hai là tiêu mà được người ta vui vẻ cho tiêu, nhưng cái thứ ba mới quan trọng hơn nhiều: tiêu nhưng mà không hết. Tiền ở tay đàn ông, đã tiêu là biến. Tiền ở tay đàn bà, tiêu ra nhà ra cửa, ra con cái, ra cơ nghiệp. Không tin vào vợ, đàn ông mình hóa thành thằng giữ kho cả!

…và trên cả tiền

Phương là con nhà nghèo, cần kiệm từ bé, vợ chồng thuê nhà trọ, nên anh khao khát mong ngày nào đó mình đủ tiền mua một căn hộ nhỏ cho riêng mình. Biết tính chồng, Thái, vợ anh thỉnh thoảng vẫn phải đưa một ít tiền cho chồng dằn túi. Đến lúc cấn bầu, chủ trọ không cho thuê nữa, vợ chồng lại phải đùm túm nhau dọn nhà. Thương vợ bụng đã lớn mà vẫn phải đứng lên ngồi xuống giặt đồ, cuối năm, công ty có một khoản trợ cấp khó khăn, thay vì đem về đưa cho vợ một cục tiền, Phương dẫn vợ ra siêu thị điện máy, thuyết phục vợ mua cái máy giặt. Vợ nhất định không chịu, ai đời ở nhà thuê để vừa lọt tấm nệm mà bày đặt máy giặt, nhưng khi anh bảo máy giặt là dành cho em bé sắp sửa chào đời, cho tã lót của nó được giặt sấy, vợ anh vui vẻ đồng ý. Cái máy giặt mô đen cũ, đang giảm giá hết mức, được đưa về ngự trị trong căn phòng thuê của họ như một bà hoàng. Lớn hơn giá trị của khoản tiền mua, bản thân nó cũng gần như đã là một hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ.

Sao tránh khỏi những lúc khó khăn, sao tránh hết những khi thiếu hụt, nhưng nếu coi chuyện đó cũng bình thường, nếu coi tiền không là đam mê quá mức của ai, cũng không là trách nhiệm bắt buộc của ai, sẽ có một thái độ ứng xử đúng mực với đồng tiền. Nên trả tiền về đúng vị trí của nó trong đời sống gia đình: người ta tiêu tiền để mang về niềm vui, hạnh phúc, chứ không phải bản thân đồng tiền là hạnh phúc. Nụ cười “một cục tiền” trên gương mặt các bà vợ chẳng phải là nụ cười mê tiền không thôi đâu, xin hãy hiểu, đó còn là nụ cười của những dự tính đủ đầy, no ấm cho cả gia đình…

Theo Hoàng Mai
PNO