Góc tâm hồn

Mẹ và mùa bão

(Dân trí) - Bão. Lá xà cừ rụng dày thành đám, cành khô bị gió quật rơi nghiêng ngả. Bão là nguồn sống của mẹ vì lá rụng, củi khô sẽ được mẹ cần mẫn gom đống, chờ hôm trời nắng, mang phơi...

 
Mẹ và mùa bão  - 1


... Mùi lá xà cừ ngai ngái, mùi củi khô hăng hăng, gặp nắng ráo trở nên khô giòn. Lúc đó, mang lá và củi để nấu cơm, lửa cháy rất đượm.

 

Cơ quan mẹ trồng rất nhiều xà cừ. Gốc xà cừ to, cả vòng tay bé tẹo của tôi ôm không xuể. Gốc cây thường được quết một lớp vôi trắng, gồm nhiều lớp vảy xếp như vảy cá. Dùng tay miệt mài cạy từng miếng vảy nâu xám, to bằng bàn tay trẻ con, phơi khô đi là cũng có thể dùng làm chất đốt.

 

Nếu chỉ gom lá hoặc chờ nhặt củi vào những ngày nắng thì được rất ít nên chỉ sau một cơn giông, lá xà cừ sẽ rụng thành vạt dày, cành củi khô nhiều không kể siết. Đó là mùa bội thu mà mẹ phải tận dụng. May mắn vớ được cành bự, có thân gỗ và vô số nhánh nhỏ túa ra xung quanh, mẹ mừng như trúng vé số.

 

Những cơn bão chợt đến vào những buổi chiều muộn, khi mẹ đã hết giờ làm còn tôi cũng vừa tan học. Tôi lũn cũn ôm bao tải dứa, cùng cái chổi tre, cũng có khi là chổi cọ, cán dài quá đầu chạy theo bóng liêu xiêu của mẹ. Lá xà cừ dính nước mưa nên rất nặng, ướt lẹp nhẹp, có dùng chổi cố sức đẩy cũng không đi. Những lúc ấy, chỉ còn cách dùng tay bốc từng đống vì dưới sức ép của gió, lá sẽ dồn thành từng đống nhỏ. Hai mẹ con sẽ tiếp tục hành trình bốc lá, lèn đầy bao tải. Củi khô sẽ được chất thành đống, cạnh bao tải lá như một ám hiệu để người khác biết, chỗ lá này đã có chủ.

 

Quét lá dưới ánh chớp lòe loẹt không làm tôi sợ bằng việc phải chở từng bao tải lá nặng trịch về trên chiếc xe đạp màu xanh lam, có thanh chắn ngang giữa xe của bố. Để ngồi được trên yên xe, tôi phải dốc toàn sức, vừa dướn người vòng chân qua thanh chắn vừa phải giữ thăng bằng cho cái xe và bao tải lá chỉ chực đổ nhào phía sau. Sau đó, phải vẹo mông qua trái, qua phải để đạp xe vì khi ấy, chân tôi còn ngắn, chưa thể chạm tới pêđan.

 

Bão còn là mùa mót lạc. Khoảng thời gian đến mùa lạc, mẹ sẽ gác công việc nhặt lá tạm thời để chuyển qua mót lạc. Cơn mưa vừa ngớt là mẹ con choàng áo mưa lụp xụp, thoăn thoắt bước trên những ruộng lạc vừa thu hoạch. Lạc sót lại sẽ trơ ra trên từng đám đất màu vàng nâu hoặc bị ứ lại dưới dòng nước, hàng rãnh giữa hai luống lạc.

 

Lạc mót phần lớn là lạc non, lạc lép, thỉng thoảng mới có được củ già, vỏ nâu, vân sần sùi. Lạc non vỏ trắng, nhẵn, mịn, chỉ bằng ngón tay út. Tôi thích lạc non vì chúng dễ bóc, chỉ cần dùng đầu móng tay, khẽ cậy lớp vỏ là nhìn thấy nhân lạc, nhỉnh hơn hạt đỗ đen một tẹo. Lạc non ăn ngọt, mát chứ không có vị bùi, béo như lạc già.

 

Cuối buổi, hai mẹ con mỗi người mót được một túi lạc kha khá. Sau đó, mẹ sẽ phân lạc thành 2 loại: lạc non và lạc già. Lạc non đem luộc ngay, cả nhà được bữa lạc luộc ngon lành. Lạc già được mẹ tãi ra sàn nhà, chờ nắng, mang đi phơi. Lạc già được mẹ chế biến thành muối vừng hoặc được rang chín, tẩm mắm muối ăn với cơm.

Giờ, mẹ không còn  phải thấp thỏm chờ bão để nhặt lá, mót lạc. Những lúc rỗi chuyện, mẹ vẫn kể lại tuổi thơ của tôi, những tháng ngày vất vả cùng mẹ đi quét lá, mót lạc. Mẹ bảo, chẳng hiểu sao lúc đó mẹ không biết sợ mưa gió, sấm chớp là gì, còn tôi thì biết, sở dĩ mẹ có sức mạnh phi thường để vượt qua thời gian khó là vì mẹ dành tình yêu vô bờ cho bố và cho chị em tôi.

 

Anh Ngà