“Mẹ ơi, con muốn làm mẹ”

(Dân trí) - Trẻ con thường có những ước mơ vĩ đại và dễ thương lắm. Đứa thì ước muốn trở thành siêu nhân, đứa muốn thành phi công, đứa muốn thành bác sĩ để cứu người, có đứa muốn làm công an để bắt tội phạm. Vậy mà con gái tôi mới tròn bốn tuổi chỉ có một ước mơ duy nhất: “Làm mẹ”.

“Mẹ ơi, con muốn làm mẹ” - 1

Sau khi nín khóc vì bị mẹ đánh đòn bởi tội lén đổ cơm ra thùng rác, cô con gái bốn tuổi của tôi thủ thỉ:

- Mẹ ơi, con muốn làm mẹ

- Sao lại muốn làm mẹ?

- Để có con, con hư là đánh.

Đây không phải là lần đầu tiên con nói với tôi điều đó. Mọi lần con nói, tôi chỉ nghĩ con thơ ngây nói thế thôi, chứ không để ý là mong muốn đó đều nảy sinh sau khi bị la mắng hay đánh đòn. Tôi ôm con vào lòng, tự dưng nước mắt cứ thế trào ra, tự trách mình không biết kiềm chế cơn nóng giận.

Ngày tôi còn nhỏ, tôi cũng hay có những trách hờn vụn vặt như thế với mẹ. Đến nỗi nhiều khi tôi cảm giác như mẹ không thương tôi, như là chỉ cần chờ tôi phạm lỗi là nổi giận. Tôi nhìn nhà người ta, thấy bạn bè cũng trang lứa được cha mẹ yêu chiều, nhiều lúc không giấu nổi nỗi tủi thân. Tôi chưa lớn để hiểu rằng biết bao nhiêu nỗi lo toan, áp lực với những khó khăn đè nặng đã làm mẹ tôi bớt đi những dịu dàng, mềm mại.

Sau này có con, tôi mới biết rằng làm mẹ thực ra cực kì khó. Làm một người mẹ luôn dịu dàng lại càng khó biết bao nhiêu. Chỉ đơn giản như việc cho con ăn đôi khi cũng trở thành một cuộc chiến. Bao nhiêu việc còn dang dở, bao nhiều chuyện cần được giải quyết, cứ hễ cho con ăn là cảm thấy ức chế. Con gái tôi biếng ăn, bữa cơm của nó luôn kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Cháu cứ ngậm cơm trong miệng mặc cho mẹ hết dỗ dành đến quát nạt. Và khi sự kiên trì của tôi đã cạn, tôi bắt đầu nổi cáu. Có lần ngay trước mặt ông nội cháu, tôi đã ném ngay cả cái thìa xuống sàn nhà, còn con gái tôi thì khóc nức nở. Đã có lúc tôi tự nhủ: Thôi kệ cứ để bát cơm đó, con ăn được thìa nào thì ăn, không ăn thì cho nhịn. Nhưng rồi nhìn bát cơm còn nguyên vẹn sau hàng giờ đồng hồ lại không chịu được, lại ngồi xuống xúc từng thìa dỗ dành, lại quát nạt, lại khóc lóc.

Mẹ tôi bảo “sao bây giờ chúng mày nuôi con khổ thế, cái gì cũng giờ giấc, cũng khoa học mà con cứ bé tẹo teo. Con không ăn thì thôi, ép ăn dặm theo kiểu Nhật, kiểu Pháp làm gì. Đừng sợ con đói mà hãy mong con đói. Phải mình không muốn ăn mà cứ bị ép tận mồm thế thì cảm thấy làm sao”. Mẹ nói không sai, tại sao chúng ta cứ tự làm mọi chuyện trở nên nghiêm trọng như thế. Ta ngồi kiên trì nhẫn nại bón cho con ăn, hoặc đuổi con chạy khắp sân để đút cho con thìa cháo, xong rồi ta than mệt mỏi và quát nạt con. Đến nỗi có những đứa trẻ hễ thấy mẹ cầm bát cháo là chạy hoặc òa lên khóc.

Trẻ con thường có những ước mơ vĩ đại và dễ thương lắm. Đứa thì ước muốn trở thành siêu nhân, đứa muốn thành phi công, đứa muốn thành bác sĩ để cứu người, có đứa muốn làm công an để bắt tội phạm. Vậy mà con gái tôi mới tròn bốn tuổi chỉ luôn lặp đi lặp lại một câu: “Con muốn làm mẹ”. Bởi trong mắt con làm mẹ thì có quyền làm gì cũng được. Làm mẹ, con hư là đánh, không hài lòng là mắng om sòm lên. Làm mẹ, con không muốn ăn cũng ép ăn, không buồn ngủ cũng bắt đi ngủ. Làm mẹ, dạy con học chữ, đọc ba bốn lần không nhớ là giận. Làm mẹ luôn luôn chê bai con mình và lấy “con nhà người ta” làm gương. Thâm chí đôi khi buồn bực chuyện ngoài đường cũng đem về nhà trút lên đầu con trẻ chỉ vì con đòi bế hay muốn mẹ chơi cùng.

Những khi nhìn con ngủ say tôi mới lại có phút tĩnh tâm nghĩ suy để nhận ra con mình còn rất bé bỏng. Vậy mà kẻ làm mẹ như tôi lại luôn muốn con phải hành xử và hiểu chuyện như một người lớn, đòi hỏi con phải hiểu rằng mẹ làm tất cả những điều đó là vì con, là vì yêu thương và lo lắng cho con. Rằng mẹ bận rộn là để kiếm tiền, để mua cho con những gì con thích. Vậy nên khi mẹ mệt mỏi, đừng quấy rầy, đừng đòi, đừng khóc. Để rồi khi con mang cả tiếng nấc vào giấc ngủ mới giật mình tự hỏi: Mình đang làm mẹ kiểu gì thế này? Và tôi nhận ra từ ngày có con tôi trở nên hay cáu bẳn và xấu tính đi rất nhiều.

Tôi có lẽ cũng giống nhiều bà mẹ đương thời, khi bận rộn đã đành, nhưng khi rảnh rỗi cũng thường tiết kiệm thời gian dành cho con mà phung phí nó cho thế giới ảo. Công nghệ ngày càng phát triển, nó kết nối mọi người trên thế giới lại với nhau, nhưng lại đẩy những người trong gia đình xa dần nhau. Buổi tối trong rất nhiều ngôi nhà, thay vì hỏi han, nô đùa cùng nhau, thì chỉ thấy tiếng đạn bắn chíu chíu trên máy tính, tiếng phim hoạt hình không được thuyết minh, và những ngón tay lướt lướt trên bàn phím điện thoại không mệt mỏi. Chúng ta hăng say nói chuyện với những người cách xa cả nửa vòng trái đất, quan tâm đến sao này sao nọ, và cả những chuyện chẳng liên quan gì đến chúng ta. Trong khi đó, những đứa con chúng ta, chúng lủi thủi một mình xem hết phim hoạt hình này đến phim hoạt hình khác. Rồi chúng nì nèo “bố chơi với con, mẹ chơi với con” và bị chúng ta đuổi như đuổi tà để thảnh thơi mà chuyện trò trên facebook.

“Mẹ ơi, con muốn làm mẹ”, nhiều người nghe con tôi nói thế có thể cảm thấy buồn cười, nhưng tự trong tim mình tôi thấy rất đỗi xót xa. Tầm hiểu biết non nớt của con cho rằng làm mẹ để có quyền sai khiến, quát nạt, đánh đòn. Con chưa hiểu được đằng sau nó là cả sự lo lắng, chăm bẵm, yêu thương và kì vọng. Chính mong muốn của con đã nhắc nhở tôi rằng tôi là một người mẹ chưa đủ tốt. Hoặc là tôi đã chọn nhầm cách để yêu con.

Lê Giang