Mẹ chồng “hành xác” để làm khó con dâu

Trước đây, mẹ chồng tôi sống ở quê. Sau khi bố chồng tôi lâm bệnh qua đời, vợ chồng tôi đón bà lên thành phố ở cùng để tiện bề chăm sóc.

Tôi luôn ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của con cái đối với bố mẹ nên cố gắng gần gũi, chăm sóc bà. Tuy nhiên, mẹ chồng tôi vẫn chẳng hài lòng với những việc tôi làm. Bà phản ứng với con dâu bằng việc thường xuyên “hành xác”.

Một tuần có 7 ngày thì phải đến 5 ngày mẹ chồng tôi giận dỗi vì những chuyện vô cùng nhỏ nhặt. Đôi khi tôi nói những câu vô thưởng vô phạt bà vẫn suy diễn là tôi nói kháy khỉa bà. Ví dụ như tôi mắng con lười biếng, bừa bộn thì bà cho rằng tôi mượn con để nói mẹ chồng. Tôi kêu hóa đơn tiền điện sao đột nhiên tăng thì mẹ chồng tôi giận dữ: “Chị nói tôi dùng điện nhiều đúng không? Chị sợ tốn thì đi làm cứ khóa cửa, tôi sang nhà hàng xóm ngồi nhờ”… Và mỗi lần như thế bà đều bỏ cơm, lên giường nằm quay mặt vào trong, có khi còn khóc. Vợ chồng tôi thấy vậy lại phải giải thích, xin lỗi, năn nỉ bà. Vậy mà có lần bà vẫn không chịu ăn cơm, nhịn hẳn một ngày đến nỗi tụt huyết áp phải đi cấp cứu.

Biết tính mẹ chồng như vậy, tôi hết sức cẩn trọng trong lời nói. Tuy nhiên, vẫn không tránh được việc mẹ chồng phật ý bởi bà quá nhạy cảm với những lời nói của con dâu.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sức khỏe của mẹ chồng tôi khá tốt nhưng không tránh khỏi những bệnh thường gặp của người già như đau khớp, thoái hóa cột sống… Bà không chịu được đau nên khi trái gió trở trời thường kêu than nhiều về bệnh tật. Những khi ấy vợ chồng tôi bận đi làm không hỏi han chu đáo hoặc chưa kịp thời đưa bà đi khám là y như rằng bà lại dỗi cơm. Có lần bà còn đi bộ 3km để tự đi khám bệnh. Sau đó bà gọi điện cho con gái than rằng: “Ốm đau phải tự bò đi khám bệnh, chứ có đứa nào hỏi han đâu”.

Mẹ chồng tôi khá kén ăn. Khi tôi hỏi: “Hôm nay mẹ thích ăn gì để con mua?”. Bà luôn đáp lại: “Tôi ăn gì cũng được”. Thế nhưng bà lại luôn phàn nàn chuyện cơm nước không ngon. Nhiều hôm ngồi xuống mâm cơm, bà nhăn nhó lắc đầu chê món này, món kia rồi ăn cơm trắng chan với xì dâu. Nếu tôi lên tiếng giải thích về các món ăn là y như rằng bà buông đũa đứng dậy ngay lập tức.

Từ ngày về làm dâu, tôi mua cho mẹ chồng rất nhiều đồ đẹp: Đồ trang sức, quần áo đi chơi, quần áo mặc ở nhà, khăn tất… Thế nhưng không mấy khi mẹ tôi dùng. Ở nhà hay ra đường bà cũng thường mặc quần áo cũ nhăm nhúm xỉn màu và đi tất rách. Tôi động viên bà mặc đẹp thì bà gạt đi ngay: “Già rồi, đẹp cho ăn ngắm?”. Nhìn thấy mẹ chồng tôi lếch thếch, hàng xóm xì xào: “Nhà đấy chẳng đến nỗi nào mà để bà già khổ quá”. Vậy là vô tình tôi mang tiếng ác với mẹ chồng.

Rồi nhiều hôm trời lạnh, tự nhiên bà lại mang chăn chiếu ra sân ngồi giặt trong khi tôi đã nói những việc ấy cứ để ngày nghỉ tôi làm. Giặt giũ xong thế nào bà cũng kêu đau đầu, cảm lạnh rồi gọi điện than vãn với chị chồng tôi. Con gái bà ở xa không hiểu chuyện nên luôn nghĩ rằng vợ chồng tôi bạc đãi bà.

Mới tối hôm qua, mẹ chồng tôi lại dỗi cơm vì tôi đi làm về muộn mà không báo trước. Cả đêm bà lục sục rồi thở dài thở ngắn trong phòng. Tôi phải bảo chồng mang cháo vào tận giường. Thuyết phục mãi bà mới chịu ăn.

Từ ngày mẹ chồng tôi lên sống cùng, chẳng mấy khi cả nhà tôi vui vẻ. Tôi thấy căng thẳng vì lúc nào cũng phải lựa ý mẹ chồng. Mỗi lần bà giận dỗi, tôi lại ăn không ngon, ngủ không yên. Ở cùng chúng tôi 1 năm mà đã 2 lần bà lặng lẽ bỏ về quê khiến vợ chồng tôi hoảng sợ. Tôi suy nghĩ nhiều mà chưa tìm ra cách nào để thay đổi tình hình. Tôi thấy vô cùng bất an, mệt mỏi!

Theo Phương Ngọc
Dân Việt