Mẹ bị bạo hành, con ảnh hưởng tâm lý

(Dân trí) - Khi mẹ bị bạo hành trong gia đình, mẹ không phải là người duy nhất mang trên mình những vết sẹo…

Những đứa trẻ khi chứng kiến cảnh bố mẹ xô xát (thường là mẹ bị bố đánh) cũng mang theo những thương tổn khó lành trong tâm lý của chúng, ngay cả khi đã trưởng thành.
 
Mẹ bị bạo hành, con ảnh hưởng tâm lý


 

Còn nhớ khi bạn là trẻ con chứng kiến bố mẹ to tiếng với nhau không? Bạn đã bao giờ quan sát em bé nhà mình và phản ứng của nó khi bố mẹ “đánh nhau” (dù chỉ là đùa hay thật)? Đứa trẻ có xu hướng bênh mẹ, không cho bố đánh mẹ, thậm chí có những biểu hiện mạnh mẽ hơn như khóc, la hét, biểu lộ mong muốn bố mẹ dừng lại…

 

Các chuyên gia tâm lý tin rằng, chứng kiến bố mẹ đánh nhau khiến trẻ con vô cùng lo lắng. Và nếu chuyện đó xảy ra thường xuyên, tâm lý trẻ sẽ ảnh hưởng rất nặng nề.

 

Cảm giác lo sợ xuất phát từ việc trẻ cảm thấy bất lực vì không thể bảo vệ người đang bị bạo hành (thường là mẹ). Những em bé trai sẽ đổ lỗi cho mình kém mạnh mẽ, chúng lớn lên với suy nghĩ bản thân không đủ sức để làm một người chồng tốt. Chính bản thân các bé trai khi lớn lên cũng khó tránh khỏi việc bạo hành người khác do “tấm gương” từ người cha.

 

Các bé gái khi chứng kiến mẹ bị bạo hành mà vẫn chung sống với bố, không làm gì để thoát ra khỏi tình trạng đó cũng sẽ hình thành suy nghĩ rằng phụ nữ nên cam chịu.

 

Theo đúc kết của một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nơi trú ẩn cho những người bị bạo hành gia đình tại quận Cam (Mỹ), những trẻ em sống trong môi trường gia đình bị bạo hành sẽ:

 

- Dễ gặp các vấn đề trong hành vi giao tiếp xã hội, cảm xúc và tâm lý hơn những trẻ khác không phải chứng kiến bạo hành gia đình.

 

- Thường có biểu hiện lo lắng, tự ti, hay thất vọng, giận dữ hơn trẻ khác

 

- Có nguy cơ bị thương thân thể

 

- Có nguy cơ bị lạm dụng tình dục cao hơn

 

Bởi thế, những bà mẹ vừa thoát ra được từ bạo hành gia đình, khi nhìn lại những tháng ngày khủng khiếp đã qua, đừng vội thở phào cho rằng khó khăn đã kết thúc. Hãy quyết liệt hơn nữa trong việc hàn gắn vết thương tâm hồn cho chính đứa con mình, dọn dẹp lại những đổ vỡ đã gây ra cho tâm hồn của trẻ, để đứa trẻ lớn lên được phát triển bình thường về nhận thức, tinh thần.

 

H.A

Theo She