Góc tâm hồn

Lúa thơm mùa gặt

(Dân trí) - Một sớm, nhìn ra cánh đồng trước mặt thấy lúa đã trổ bông nặng trĩu, vàng ươm giữa đồng. Vậy là mùa gặt ở quê đã về, nghe hương lúa thơm ngào ngạt theo làn gió cũ.

Đi qua cánh đồng, thích nhất là hít hà vị ngọt của lúa chín đậm mùi no ấm. Dạo trước cả biển lúa xanh rờn như một tấm thảm. Mấy cô em ở thành phố về nghỉ lễ, tụ tập nhau ra giữa đồng mà chụp ảnh, biển lúa xanh mát mắt làm nền đẹp đẽ cho bao bức hình nhí nhảnh. Bây giờ thì lúa chín vàng ươm, lung linh trong nắng sớm, đẹp còn hơn cả khi xanh.

Cánh đồng ngay trước mặt nhà nên cứ chiều chiều tôi lại nghe rõ mồn một tiếng máy tuốt lúa đang làm việc. Người nông nay đỡ vất vả hơn nhiều bởi gặt xong có máy tuốt luôn trên đồng. Thấp thoáng thấy bóng o Thảo còng lưng gặt lúa, chị Huyền đon đả xách ly nước tới mời cậu Kệ, anh Mùi đưa tay lên trán quệt mồ hôi. Cả ruộng lúa bao nhiêu người thì cũng chừng ấy người hối hả trong niềm phấn khởi, ai cũng háo hức chờ đợi thành quả của mình. Rồi thì chẳng mấy chốc cả sào ruộng lớn chỉ còn trơ gốc rạ.

Từ sớm tinh mơ, khi còn ngái ngủ, tôi đã nghe mấy cô chú gọi nhau í ới, hôm nay em cắt cho nhà chị, mai chị cắt cho nhà em. Tình làng nghĩa xóm được thắt chặt hơn, có khi nhà này cắt xong rồi, nhà kia chưa xong lại xắn tay qua phụ.

Nhớ hồi còn đi học, cứ tới mùa gặt, đám chúng tôi lại háo hức vô cùng, tung tăng về phụ gặt giúp nhà mấy bạn trong lớp. Thường thì chẳng có đứa nào cầm liềm cho vững, đứng giữa ruộng còn sợ đỉa bám. Lũ con trai còn được việc khi biết gánh lúa về nhà, chung quy phụ gặt thì ít mà phụ ăn bữa lỡ (bữa cơm cho người gặt lúa nghỉ giữa chừng) thì nhiều. Thế nhưng, chủ nhà ai nấy đều vui vẻ, có đám học trò về chơi phấn khởi hẳn lên, lại đon đả nấu chè đãi cả bọn.

Những đêm trăng sáng, nghe tiếng tuốt lúa rầm rầm đến nửa đêm. Tiếng người trò chuyện, vụ này tính tới tính lui hơn thua vụ trước ra sao, vụ sau đổi giống thế nào, cũng rôm rả và xôm tụ không kém ban ngày. Chị em tôi thích lắm, chập tối lại trốn qua nhà dì đứng xem để về nhà bị mẹ la “tối nay nằm ngủ, thế nào cũng bị xót cho coi”.

Nội vẫn thường dạy chúng tôi phải biết quý hạt gạo, đó là hạt ngọc của trời, là mồ hôi nước mắt của bao người làm ra nó. Vậy nên, mỗi khi ăn cơm, có hạt nào rơi vãi, nội bảo nhặt vào bằng được, không được dẫm lên. Người không ăn thì để đó vật ăn. Cố gắng ăn hết cơm trong chén, đừng để thừa, trước khi rửa chén cũng tráng đi lớp cơm còn đó, đừng vứt đi dù chỉ một hạt, tội lắm. Tôi nhớ như in lời nội thành ra kỹ tính như bà già, đi ở trọ mà bạn bè đều khiếp.

Cũng chưa bằng cô bạn cùng lớp, nghe kể bạn thường chịu khó đi lấy cơm thừa của mỗi phòng sau bữa ăn rồi đem phơi khô. Cả kỳ học, số cơm xóm trọ vứt đi phải hơn chục ký sau khi phơi xong. Cô bạn rang lên, trộn thêm đường cho cả bọn ăn thử, ngon lạ chẳng thua gì cốm. Số còn lại bạn đem về quê để mẹ nuôi gà. Cái tính chắt bóp đáng quý ấy của con nhà nông làm mấy cô bạn thành phố ngạc nhiên quá chừng.

Những ngày phơi lúa, nhà nào nhà nấy đều ngóng mây, trông trời mà nơm nớp lo sợ. Nghe “ông” nổi sấm chớp, vợ chồng con cái bỏ cả chén cơm, người cầm chổi, người đi lấy bao đựng, nhanh tay hốt lại cho kịp trước khi cơn mưa đổ xuống. Mà mùa này, mưa giông chẳng cần báo trước. Không gì khổ bằng lúa ướt, có lúc “ông” chẳng cần “hù”, giông tới thì mưa cũng vừa trút, chỗ lúa bị ướt phải phơi, hong khô thật kỹ chứ không là phải bỏ. Thế mới biết, để có hạt gạo ăn, người nông phải vất vả đến nhường nào.

Mặt trời tắt nắng, cánh đồng lởm chởm bởi những chỗ gặt dang dở trải dài cho đến tận chân trời. Phía lưng núi chênh vênh, bao nhiêu người vẫn hăng say gặt hái. Lại nhớ lời bạn, chỉ những người lớn lên từ quê mới biết mùi thơm của lúa, mùi hăng hắc của rơm rạ khi đốt đi, bưng bát cơm biết quý hơn vàng…

Diệu Ái