Lấy chồng trẻ con

(Dân trí) - Không phải những anh chồng “bé tẹo tèo teo” như trong câu hát xưa, mà là chồng thời hiện đại “to, cao, đen, hôi”, công ăn việc làm hẳn hoi nhưng vẫn thích lang thang phiêu bạt, tụ tập bạn bè và giữ khư khư thói quen tự do tự tại của những ngày độc thân.

Không bỏ được…

 

Hồi chưa lấy vợ, Hùng chơi cùng một đội kém mình khá nhiều tuổi. Ngày ngày hết giờ làm anh lại lang thang ngoài đường cùng "lũ nhóc" hoặc ngồi quán trà đá, có khi cả đội dạt nhà vì thua lô đề Hùng cũng theo "hóng" luôn.

 

Đến lúc lập gia đình, có con rồi, Hùng vẫn giữ "nề nếp" cũ. Bạn bè tụ tập ở nhà ăn uống suốt ngày, thỉnh thoảng lại rủ nhau đi chơi xa. Để kệ vợ con cho ông bà nội ngoại, Hùng đăng ký ngay một suất. Được cái mấy chú em kết nghĩa cũng "tâm lý", đi chơi là cứ phải thứ Bảy, Chủ nhật để "anh hai" đi cùng.  

 

Mùa bóng năm ngoái, mấy cậu choai choai thuê nhà nghỉ tập trung xem bóng và cá độ, Hùng cũng không bỏ qua. Cứ 11h đêm là anh dắt xe ra khỏi nhà, lấy cớ "ra ngoài xem cho em và con ngủ". Hùng sống đúng nghĩa "ăn ngủ cùng bóng đá" và tất nhiên, kèm theo cả sự hồi hộp của cá cược đỏ đen.

 

Nhiều anh chàng "trẻ con" đến vô tư. Đối với họ, lấy vợ là lấy vợ, mà thói quen là thói quen, những cuộc vui ngày độc thân không thể nào chỉ vì đã có gia đình mà bỏ được. Ở nhà họ là bố, là chồng, đi làm là nhân viên năng nổ nhưng khi gặp bạn bè thì "anh vẫn là anh". Dạng người này bạn bè rất quý vì "cái thằng vợ rồi nhưng không quên chiến hữu".

 

Trẻ con tếu táo không phải cái tội. Nhưng những suy nghĩ trẻ con của một số chàng lại bộc lộ qua hành động khiến họ mất dần sự tin tưởng từ người khác, thậm chí lòng tin từ ngay chính vợ mình, chỉ vì những lời hứa trẻ con không biết bao giờ mới thành sự thật.

 

V.Khiêm có con lên hai rồi, tuổi cũng đến “băm” nhưng anh cứ lông bông, chẳng chuyện gì nghiêm túc. Đến cả bố mẹ Khiêm cũng không tin tưởng giao quyền điều hành công ty cho anh, họ xin cho con trai vào làm nhà nước với mức lương ba cọc ba đồng.

 

Trong mắt mọi người, Khiêm chưa bao giờ được coi là một người đàn ông thực sự. Mọi chuyện làm ăn quan trọng hay chuyện gia đình chẳng ai dám để Khiêm giải quyết, đến nỗi vợ anh cũng thành "vô giá trị" theo trong mắt gia đình chồng.

 

Được vợ góp ý, Khiêm hứa sửa đổi nhưng rồi đâu lại vào đấy. Dần dần chính vợ Khiêm cũng thấy chồng mình trẻ con đến… vô dụng.

 

Khoa, chồng Lương, thì yêu game online và truyện tranh hơn yêu vợ. Ngoài giờ đi làm, Khoa chúi mũi vào máy tính, kệ vợ con thích làm gì thì làm. Ông chồng này còn trẻ con đến mức bỏ ra không biết bao nhiêu tiền tin nhắn mua thẻ nạp Vcoin mua đồ cho nhân vật "prồ" hơn.

 

Rời máy tính là rẽ sang truyện tranh, Khoa không còn thời gian âu yếm vợ. Tiền bạc chỉ có nướng vào hai thứ trò chơi này, thi thoảng tốn tiền thuốc nước cho những dịp “offline” họp hội, họp bang gì đó…

 

Nỗi khổ của các cô vợ

 

Vợ Hùng không ít lần phải chịu cảnh "khủng bố" của lũ trẻ con khi cứ đêm đến là chúng ném đá vào cửa. Thi thoảng lại nghe hàng xóm rỉ tai "chồng em có bồ, chị thấy nó đi từ nhà nghỉ ra". Chẳng biết thật giả thế nào vì có hỏi anh cũng chỉ nói "vào với mấy thằng đệ".

 

Đã thế, nhiều đêm con ốm, chồng lại "bận" xem bóng đá ở quán, gọi di động tắt máy, cực chẳng đã, chị phải báo cho bố mẹ đẻ - sợ gọi bố mẹ chồng, hôm sau anh bị mắng lại dỗi chị.

 

Vợ Khiêm cũng không khỏi trăn trở khi chồng vẫn dậm chân tại chỗ với mức lương tháng 1 triệu mà không hề có sự cố gắng nào. Bạn bè trong cơ quan đều lên lương lên chức cả, còn anh vẫn "tại chức" với cuộc sống vợ chồng chật vật một tháng 2 triệu nuôi ba miệng ăn giữa đất Hà thành.

 

Trẻ con đôi lúc có cái hay, nhưng cái dở sẽ nhiều hơn nếu trên vai là trách nhiệm làm cha, làm chồng. Không thăng tiến, không biết giữ sức khỏe, không nghị lực khiến các ông chồng trẻ con cứ dậm chân tại chỗ trong công việc và đi thụt lùi trong tình cảm vợ chồng.

 

Đối với Khoa, điều duy nhất khiến vợ anh hài lòng là khi nào con khóc, anh đều có sẵn đĩa hoạt hình để dụ. Nhưng không ít lần cô cáu nhặng lên chỉ vì chồng mải mê điện tử, hỏi gì cũng chỉ trả lời mỗi câu đúng ba từ. Có lần rủ chồng sang ông bà ngoại thì anh nói: "đợi anh tý, đang gặp cạ, thắng liên tục, bỏ thì phí".

 

Nhiều lần cãi nhau, Lương bỏ về nhà bố mẹ đẻ, Khoa cũng kệ. Chơi chán chê anh mới sang đón vợ con về. Xin lỗi vài câu rồi đâu lại ra đấy.

 

Lấy phải ông chồng trẻ con đến vô tâm không ít người vợ cực nhọc khốn khổ. Chẳng kiên nhẫn nổi thì phải góp ý, phải làm ầm lên, còn chồng thì vẫn cứ ung dung sung sướng.

 

Các anh có biết rằng, nếu như chưa lấy vợ người ta gọi đó là trẻ con và thông cảm thì khi đã có gia đình, người ta nhìn anh là kẻ vô trách nhiệm, không thể chấp nhận được hay không?

 

Tùng Nhi