Láng giềng tốt

(Dân trí) - Bác bá Đức là giáo viên, con cái công tác xa, chỉ bác bá sống đầm ấm bên nhau trong cảnh già. Bên cạnh là nhà chú thím Trọng - cán bộ quân y mới nghỉ hưu, các con chú đều lập nghiệp ở vùng khác. Chú thím luôn hoà thuận, đùm bọc lẫn nhau.

Những ngày đầu lạ nước lạ cái, bác Đức vui vẻ cho chú Trọng mượn một góc nhà để tập kết sắt thép, vật liệu xây dựng nhà cửa, lòng tốt của bác khiến chú Đức cảm động chẳng nói nên lời. Nhà cửa xong xuôi họ trở nên gần gũi, thân thiết, là láng giềng tốt của nhau.

 

Ngày mẹ bác Đức tuổi già, sức yếu, xương cốt đau nhức mấy ngày không ăn được gì, bác bá lo cuống cuồng, may sao chú Trọng cười lớn, trấn an: “Cái này em trị suốt hồi trong quân y. Bác an tâm!”. Sau đợt đó bà tai qua nạn khỏi, đi lại, làm việc như thường, có phần khoẻ hơn. Khỏi phải nói bác Đức biết ơn chú Trọng thế nào.  

 

Mối tình thâm giao hai bên càng bền chặt và keo sơn hơn khi bà mẹ bác Đức quyết định làm mâm cơm mời anh em trong nhà chính thức nhận chú Trọng làm con nuôi. Giờ hai nhà như một.  

 

Một ngày, trời thu mát mẻ, tâm hồn phơi phới hân hoan, bác Đức trầm trồ khi nhìn thấy chú Trọng tha về hai con chó giống khá to đặt tên là Gấu và Lợn. Chú mua về để nó trông nhà, bọn lưu manh nhìn cũng phải chờn. Được khoảng tuần sau, bá Đức cũng mua về một con mèo mướp nhỏ tí xíu, do hôm trước bác trai than phiền nhà nhiều chuột. Hai con chó lớn nhanh như thổi, con mèo cũng không ngừng tăng cân. Từ ngày có Miu vắng hẳn tiếng lích rích của bọn "tiểu yêu". Hai nhà đi đâu vắng cũng yên tâm bởi có hai cận vệ trung thành Gấu, Lợn.  

 

Họ đều yêu quý những “con của” này bởi chúng rất khôn, đôi khi hết chuyện bác và chú lại sang chủ đề chó, mèo không dấu nổi niềm tự hào. Bác Đức hào hứng khoe: “Hôm trước thấy con Miu "hẹn hò" với một anh Mèo nom điển trai đáo để, khoang trắng, đen đẹp lắm”. Ít lâu sau Miu đẻ, hai con đẹp như tranh vẽ. Bá Đức tha hồ nâng niu, nựng niu như trẻ nhỏ. Đi chợ quên gì thì quên chứ nhất quyết cá cho chúng phải đủ. Bá đặt tên cho chúng là Mi và Na. 

 

Thím Trọng thi thoảng cũng mang cái đầu cá sang nịnh Mi và Na còn bọn chúng lúc lớn lên thì sang đó "ăn chực" thường xuyên. Bỗng một hôm thím Trọng xanh mặt, chạy te tái cầm con Mi đang oặt ẹo như cái dãi khoai sang thanh minh và xin lỗi: “Em có biết đâu, từ dưng thấy con Gấu ngoạp em tưởng nó bắt chuột, mãi con này nghoeo nghoeo em mới phát hiện ra. Khổ thân quá!”.

 

Bá Đức đỡ con Mi mà xót xa như chính mình bị đau. Đưa vào nhà trong sát trùng rồi băng bó vết thương cho nó. Giống mèo là loài sống rất dai nên sau lần đó con Mi không chết mà chỉ bị quặt quẹo, liệt mất một chân, đi bằng ba chân, chân kia lê, càng nhìn càng thấy tội. Bá Đức kiên trì tập luyện cho nó, mãi sau hơi hơi hồi phục nó lại tấp tểnh sang nhà chú Trọng chơi, bị đợp thêm phát nữa, lần này thì nó không qua khỏi... 

 

Con Na càng lớn càng khoẻ và đẹp mã. Nó khôn ranh và nhanh như cắt, bá Đức yêu và cưng chiều nó còn hơn mèo mẹ cưng con. Đến một ngày nó to lớn, núc ních thịt, dễ đến ba cân rưỡi. Chợt một tối nọ, bá Đức nghe thấy tiếng "Nghoéo" thật thảm thiết của Na, thím Trọng cũng chạy ra nhìn thì cả hai người cùng sững sờ, hoảng hốt. Con Gấu đã ngoặm con Na với một vết răng dài sâu và to như cái đũa ăn cơm... Bá Đức vội mang xác con Na vào trong rồi bật khóc huhu như đứa trẻ.  

 

 Trưa hôm sau bá Đức đang quét nhà thấy chú Trọng sang chơi: “Bác Đức đâu bá?”. “Ông nhà tôi đi chôn con Na”. Chú Trọng thấy nghèn nghẹn liền quay đi rồi nhìn quanh quẩn và hỏi tiếp: “Thế con Miu đâu ạ?”. “Nhà bà nội lắm chuột quá, tôi mang vào để nó bắt chuột. Thế sáng nhà chú đi đâu lại thấy đóng cửa”.  

 

“Vợ chồng em lùa con Gấu với con Lợn xuống bán cho hàng Chó thui dưới kia bá ạ. Nuôi cái giống này, bẩn lắm, lông rụng khắp nhà”. Bá Đức bỗng ngước nhìn chú Trọng mắt ngân ngấn lệ. Cùng lúc ấy bác Đức đi vào. Hai người ôm nhau thật chặt, họ mãi là láng giềng tốt của nhau.

 

Thiều San Ly