Làm sao để chữa “bệnh sĩ” của chồng?

(Dân trí) - Từ hồi yêu nhau, em đã biết chồng em là người tiêu tiền không nghĩ ngợi. Lúc đó đang yêu, chưa nắm rõ gia cảnh và khả năng tài chính của anh ấy, lại nghĩ đàn ông hào phóng không keo kiệt thế là tốt nhất rồi. Đời em chỉ sợ lấy phải ông chồng keo kiệt “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” thì tận khổ. Nhưng bây giờ thì em lại đang quá chán nản vì sự “phóng khoáng” của chồng em.

Làm sao để chữa “bệnh sĩ” của chồng? - 1

Hai vợ chồng lương cũng không quá cao, hàng tháng trừ tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền các kiểu, số tiền còn lại không được bao nhiêu. Thế nhưng chồng em lại luôn tỏ ra là người có tiền. Anh luôn nói với em: “ra ngoài đừng có kêu nghèo kể khổ. Tiền trong ví mình có bao nhiêu chỉ có mình biết. Than nghèo người ta cũng chẳng cho mình đồng nào mà họ còn khinh thường cho”. Em cũng đồng ý là không nên kể lể khổ nghèo, nhưng như vậy cũng đâu nhất thiết là phải tỏ ra mình giàu có.

Đi chơi hay đi ăn uống với bạn bè, không phải em tính toán gì nhưng “có đi có lại” mới vui, hôm nay đi ăn người này trả tiền, thì lần sau người khác trả. Khổ nỗi chồng em cuộc vui nào cũng xung phong “bao” hết. Lúc nào anh ấy cũng “một vài triệu bạc, ai trả chẳng được mà phải tranh nhau”, dù cho có khi trả xong thì hôm sau chìa tay xin vợ tiền đổ xăng hay nạp điện thoại.

Em sợ nhất là mỗi lần giỗ chạp hay tết nhất về quê. Đến thăm nhà ai anh cũng mua những loại quà bánh đắt tiền. Anh bảo “sợ mang tiếng ở thành phố mà mua đồ rẻ tiền bà con họ cười cho.” Nhà chồng có ba anh chị em, anh cả và cô út đã lập gia đình, ở quê nhưng biết làm ăn nên kinh tế khá giả. Thế nhưng trong nhà có việc gì anh cũng đòi góp phần hơn, kể cả việc họ hàng anh cũng tình nguyện đóng góp hơn mức quy định. Thấy chồng em hào phóng, mọi người lại nghĩ bọn em ở thành phố kiếm được nhiều tiền, ai cũng tâng bốc lên tận mây xanh, bố mẹ chồng nở mặt nở mày, còn chồng em thì hả hê sung sướng.

Bọn em lấy nhau đã gần một năm, hai đứa đều có thu nhập tương đối vậy mà không để dành được đồng nào. Gần đây chồng em bảo em đưa mấy triệu để anh về góp xây lăng mộ tổ ở quê, em bảo: “Hàng tháng anh chỉ đưa em tiền ăn, còn lại anh bảo tiết kiệm. Anh không muốn đưa tiền em giữ thì thôi em không ép, nhưng có việc cần anh lấy tiết kiệm của anh ra mà góp. Tiền em, em phải dành dụm còn lo sinh con đẻ cái, chẳng lẽ cứ làm đến đâu tiêu đến đấy, rồi bao giờ cho có nhà mà ở, sau này lấy gì mà lo cho con?” Em tự thấy em chẳng nói sai điều gì, vậy mà chồng em sửng cồ lên: “Tiền! tiền! tiền! Cái gì cần tiêu thì cứ phải tiêu. Mình sống đâu chỉ riêng mình, cha mẹ, anh em, họ hàng, bè bạn cũng phải quan hệ chứ. Có đồng tiền mà cứ khư khư giữ thì mất hết tình cảm. Sống không quan hệ giao lưu qua lại với ai à? Đã thế từ nay tiền anh anh tiêu, tiền em cứ giữ lấy, anh không hỏi nữa”.

Nghe chồng nói xong, em chán đến phát khóc lên được. Nào có phải em không biết đối nhân xử thế gì đâu, nhưng cái gì cũng vừa phải chừng mực. Lương tháng có gần vài chục triệu mà anh ấy đối đãi với mọi người như thể đại gia. Đi với bạn bè thì lúc nào cũng “để đấy tao trả”. Với bố mẹ thì “cứ để con lo”, với anh em họ hàng thì “khoản này cháu tài trợ”. Thế nhưng với vợ thì “tiền anh anh tiêu, tiền em em giữ”.

Hồi chưa cưới em yêu chồng em lắm đấy chứ, vậy mà lấy nhau về bao nhiêu trận cãi vã chỉ vì chuyện tiền nong. Nói ra thì chồng cho rằng em thực dụng, lúc nào cũng coi trọng đồng tiền, coi đồng tiền lớn hơn tình cảm. Nhưng em nào có đòi hỏi gì lắm đâu, chỉ mong chồng em biết chăm lo vun vén cho gia đình riêng của mình, đừng đi đâu cũng tỏ ra mình có tiền rồi “vung tay quá trán”.

Công bằng mà nói, chồng em ngoài tính thích sĩ diện, tỏ vẻ ta đây ra thì tính tình cũng không đến nỗi nào. Ai có chiêu nào chữa “bệnh sĩ” mách em để em áp dụng cho chồng em với. Chứ cứ đà này chắc vợ chồng em đi ở nhà thuê suốt đời mất.

N. Hà