Không thể có tội với con

(Dân trí) - Nhóc Xíu của mẹ năm nay sẽ vào lớp một. Thời gian từ giờ tới khi con tựu trường tính bằng vài tháng nữa thôi. Lòng mẹ ngổn ngang, lo lắng thêm nữa khi thấy các bạn cùng mẫu giáo với con bắt đầu được bố mẹ đưa đi “học lớp một” sau giờ tan học mỗi chiều.

Không thể có tội với con



Một bài toán được bố mẹ đưa ra để cùng nhau tìm lời giải: Có nên cho con đi học thêm trước khi vào lớp 1 như các bạn hay không? Vấn đề tưởng là của trẻ con mà không đơn giản chút nào. Nhiều ngày trôi qua bố mẹ vẫn không tìm được đáp án thỏa đáng. Vừa lo ép con đi học là cướp mất tuổi thơ con, vừa sợ con không học thêm sau này không theo kịp các bạn. Đuối sức, mất gốc sẽ ảnh hưởng đến con đường học tập của con rất dài.

Mẹ nhìn sang nhà anh Bi bên cạnh. Anh Bi hơn con 1 tuổi, đi học trước con đúng 1 năm. Thế mà đến nay mắt anh đã cận thị, cặp kính dày gần bằng hai đít chai gắn trên khuôn mặt nửa ngây thơ nửa ông cụ lại có lúc ngơ ngơ nom rất tội. Mẹ hay gặp bác Minh đưa đón anh đi học trong thang máy khu chung cư. Chẳng lúc nào thấy anh mà anh không kéo lê theo chiếc “ba-lô đựng chữ” cả. Mẹ vẫn bảo bố, “nhà bác Minh mắc bệnh thành tích quá, ép con học nhiều thế để làm gì”. Hai bác hay tự hào khoe anh học trường điểm, thành tích học tập lại cao. Thực lòng mẹ thấy những điều ấy là phù du. Một đứa trẻ chỉ cần ăn ngoan ngủ ngoan, học vừa sức, vừa mức độ phát triển của nó có thể tiếp thu được. Việc học đâu thể là áp lực. Các con có đến 12 năm đèn sách đang đợi chờ phía trước. Dục tốc bất đạt. Chọn cho con con đường đi lâu dài nhưng nhiều điều mới mẻ để con từ từ khám phá, hình thành ham mê mà tự say sưa chẳng tốt hơn ép con vào guồng đến nỗi thành gánh nặng đằng đẵng của 12 năm sao? Học như thế, chữ vào rồi rơi hết, thành tích cao tại một thời điểm có ích gì?

Mẹ lại nhớ cái thời bố mẹ đi học ngày xưa. Những ngày đầu đến lớp đầy bỡ ngỡ nhưng vô cùng hào hứng. Cái bảng, viên phấn, cuốn vở ô li sao mà hấp dẫn đến thế. Mẹ chưa bao giờ được ngồi khoanh tay thật ngoan ngắm cô giáo viết chữ đẹp như thế này, chưa bao giờ được làm chủ nhân của bút chì, vở ô li oai đến thế. Bài tập viết cô giáo giao về đầu tiên mẹ lĩnh trọn 1 điểm. Vì mẹ chưa bao giờ tập viết, vì mẹ tẩy xóa rất bẩn, còn không biết cách dòng. Ông bà ngoại không la mắng mẹ, cô giáo không trách phạt. Bài tập viết điểm 1 như kinh nghiệm đầu tiên, có “đau thương” một chút nhưng là động lực để mỗi lần nghĩ đến nó, mẹ nhắc mình cẩn thận hơn với bài vở. 5 năm liền cấp 1 mẹ là học sinh đứng đầu lớp. Cấp 2 - 3 mẹ vào một ngôi trường danh tiếng. Chẳng ai còn nhớ đến điểm 1 của mẹ ngày nào...

Thời đó, có ai phải học thêm? Bố mẹ vẫn trở thành con ngoan, trò giỏi và đều vào đại học, tiếp tục phấn đấu ở những nấc thang xa hơn đấy thôi. Thế nên nhìn thế hệ con bây giờ, tuổi nhỏ vậy mà khệ nệ “cõng” ba lô, chạy sô từ hết lớp này qua lớp khác chẳng đủ thời gian ăn, nghỉ, cứ như ngừng lại chút thôi đã sợ bạn khác vượt lên mất, mẹ không khỏi xót xa. Mẹ sẽ để con rơi vào cảnh như thế?

Mới rồi nghe một vị lãnh đạo trong ngành giáo dục nước ta khẳng định, “dạy trước khi vào lớp 1 là có tội với trẻ”, mẹ thấy tâm đắc lắm. Đáp án là đây chứ đâu. Vị lãnh đạo ấy đã thấu hiểu tâm tình của mẹ, và của nhiều vị phụ huynh khác có con đang độ tuổi vào lớp 1. Thì ra vẫn còn có nhiều người chung quan điểm với mẹ. Một mình mẹ làm thì khó, nhưng nếu những bà mẹ khác cũng kiên quyết nói không với việc cho con đi học trước, nếu có sự hỗ trợ từ chính những người làm trong hệ thống giáo dục, thực hiện nghiêm túc và đồng bộ từ trên xuống, cùng với một chữ tâm của chính những người rèn chữ, rèn người cho các con, mẹ tin rằng tuổi thơ con sẽ không còn gánh nặng mang tên chữ nghĩa. Tối nay mẹ về “chốt” với bố: “Vợ chồng mình quyết không có tội với con!”.

Huyền Anh