Khổ vì kiêng tắm sau sinh

Mẹ chồng Hảo bắt con dâu tuân thủ lịch kiêng cữ nghiêm ngặt bao gồm: không được tắm gội trong thời gian ở cữ; hai mẹ con phải nằm ở phòng kín gió nhưng không được mở điều hòa hay quạt điện vì chúng sinh ra “khí độc” gây lạnh người…

Khổ vì kiêng tắm sau sinh  - 1
Vệ sinh cơ thể sạch sẽ khiến người mẹ thoải mái tinh thần để chăm nuôi con nhỏ.
 
… phải dùng bông bịt tai để gió độc không xâm nhập, dễ điếc tai sau này v.v.

 

Đến ngày thứ 5, Hảo không chịu nổi ngứa nên đành khóc lóc, năn nỉ chồng xin mẹ cho đi tắm. Cuối cùng, mẹ chồng Hảo cũng đồng ý nhưng vẫn cảnh báo: “Không kiêng cữ thì về già sẽ khổ thôi”.

 

Các cụ thường quan niệm rằng, sau khi sinh, cơ thể sản phụ đang ở trạng thái tăng nhiệt độ. Do đó, nếu tắm sớm, sản phụ dễ bị hao hụt một lượng nhiệt lớn, dễ bị lạnh, cảm…

 

Hơn nữa, vì điều kiện sinh hoạt ngày xưa không được tốt nên  nhiều khả năng sản phụ bị “trúng gió”. Ngày nay, người mẹ có thể tắm trong phòng kín với nước ấm thì những nguy cơ gây hại cho sức khỏe hầu như không có.

Nhập viện vì kiêng tắm sau sinh

 

Nhớ lại “tai nạn” do phải kiêng tắm cách đây 4 năm mà giờ, vẻ mặt của Thu (Bắc Giang) vẫn hoảng hốt. Thu sống ở quê nên chuyện kiêng là “đương nhiên”. Không chỉ mẹ chồng mà cả mẹ đẻ của Thu cũng ra “chỉ thị”, hết 1 tháng sau sinh, cô mới được tắm gội.

 

“Mấy chị bạn đồng nghiệp sang thăm bé đều nhăn mặt kêu: “Mùi gì hôi quá” khiến mình ngượng đỏ mặt. Còn anh xã vừa đặt lưng cạnh vợ là bật dậy, ôm gối đòi ngủ riêng” - Thu kể.

 

Được hơn tuần, Thu không chịu đựng nổi lên bí mật, giấu mẹ chồng đi tắm. “Nhưng vừa sung sướng vì được tắm thì mình lại phải nhập viện vì choáng. Bác sĩ giải thích, do lâu ngày không tắm nên lỗ chân lông bị bít lại. Khi gặp nước, lỗ chân lông bị giãn nở mạnh nên dẫn tới cảm lạnh” - Thu thuật lại.

 

“Kiêng” hợp lý

 

Kim Anh (một người mẹ có kinh nghiệm chia sẻ): “Mình sinh thường ở một bệnh viện “xịn” nên họ rất tận tình. 2 ngày sau, y tá đã gợi ý giúp mình đi tắm. Khỏi phải nói, mình vui mừng như “cá gặp nước” nên đồng ý ngay. Tắm xong mình cũng không thấy lạnh gì cả vì điều kiện phòng ốc và nước tắm ở đây khá tốt”.

 

Các bác sĩ cho rằng, “vượt cạn” là một hành trình gian nan khiến người phụ nữ tiêu hao năng lượng và mồ hôi. Do đó, sau sinh, người mẹ càng nên vệ sinh cơ thể để giữ gìn sức khỏe. Đặc biệt là trong thời tiết mùa hè nóng bức, việc tắm gội cho sản phụ càng cần thiết, tránh những chứng bệnh viêm nhiễm ngoài da và khiến người mẹ thoải mái tinh thần để chăm nuôi con nhỏ. Các chuyên gia cho rằng, sau sinh khoảng 2-3 ngày là sản phụ có thể tắm, gội chứ không nhất định phải chờ đầy tháng.

 

Tùy vào điều kiện sinh thường hay sinh mổ, người mẹ có thể tự tắm hoặc nhờ sự giúp đỡ của người thân. Tuy nhiên, sản phụ nên tắm nhanh, khoảng 10-15 phút, trong phòng kín gió với nước tắm đủ ấm, kể cả mùa đông hay mùa hè. Việc gội đầu cũng nên được tiến hành theo cách tương tự. Sau khi tắm, sản phụ cần lau khô người bằng khăn bông mềm và mặc quần áo ấm để tránh bị lạnh cơ thể. Sản phụ cũng nên chú ý vệ sinh vết rạch tầng sinh môn hoặc vết mổ (nếu mổ đẻ) để không bị nhiễm trùng. Thai phụ cũng nên tránh thụt rửa âm đạo vì việc làm này có thể gây nhiễm trùng vùng kín.

 

Nếu sợ làm mất lòng mẹ chồng, con dâu nên cùng chồng trao đổi với bà về kiến thức kiêng cữ trước khi sinh nở. Nếu thông tin về việc chăm sóc sản phụ hợp lý thì ít có bà mẹ chồng nào bắt ép con dâu phải kiêng tắm quá lâu. Suy cho cùng, mẹ chồng muốn con dâu tuân thủ chuyện kiêng cữ cũng là vì lo cho sức khỏe của con dâu.

 

TheoNgọc Bình

Mẹ và bé