Khi ông chăm cháu

“Cún ngoan! Bú sữa rồi ông đưa đi chơi…”, bác Tạ Thanh Liêm, 55 tuổi, Q. 6, TP. HCM, dỗ cháu. Chơi với cháu, cho bú sữa và ru ngủ là những việc thường nhật của bác Liêm. Ông chăm cháu giỏi không thua gì bà và mẹ.

 
Khi ông chăm cháu - 1


Thay vợ chăm con, thay con chăm cháu

 

Bác Liêm là bộ đội xuất ngũ, từng lái xe vào Nam ra Bắc. Khi nghỉ hưu, bác không nghỉ ngơi mà ở nhà trông cháu giúp các con.

 

 Bác Liêm có hai người con. Cô con gái đầu lòng ra đời khi bác đang ở chiến trường. Cậu con trai thứ hai chào đời được vài tháng, vợ bác lâm trọng bệnh, bác Liêm đã thay vợ vừa làm cha vừa làm mẹ của hai con.

 

Chính nhờ những tháng ngày chăm bẵm con nhỏ đó, bác Liêm đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Vì thế khi con dâu bận rộn, bác đã thay chị chăm con. Chị Thảo, con dâu bác cho biết: “Bố chồng tôi còn “mát tay” hơn cả con dâu”.

 

“Chăm trẻ cực nhưng rôi rất vui!”, ánh mắt bác Liêm rạng ngời niềm vui. Ngày nào cũng vậy, bác phải dậy trước sáu giờ sáng, khi bé Thùy Lâm chưa thức, để làm việc nhà vì khi bé đã dậy là không thể rời mắt khỏi bé để làm việc gì được.

 

Chăm sóc cháu là niềm vui của ông bà

 

“Các bé khác thường ngủ khoảng vài giờ một lần, cháu nội tôi lại ngủ nhiều lần trong ngày, mỗi lần chỉ hai mươi đến ba mươi phút nên lúc nào cũng phải canh chừng, không dám lơ là”, bác Liêm cho biết.

 

Cũng vì thế nên bác luôn bị cuốn theo giờ giấc sinh hoạt của cháu nội.

 

Nhiều hôm, bác phải bỏ cả bữa cơm vì bé không chịu nằm nôi mà cứ bắt ông phải bế đi chơi quanh nhà.

 

“Cũng may bé Lâm không quấy và chịu uống sữa lắm”, bác Liêm bảo.

 

Chín giờ tối, khi cháu ngủ, bác Liêm mới được thảnh thơi.

 

Chăm sóc con cháu là niềm vui

 

Bác làm hàng rào chắn hết các cửa ra vào để đảm bảo sự an toàn cho cháu. Ngoài ra, bác còn chăm chỉ thu thập thêm các bí quyết và kỹ năng chăm sóc cũng như nguyên tắc an toàn cho trẻ qua ti-vi, sách báo.

 

Thay vì ngày ngày đọc báo, chơi cờ như mấy ông bạn hưu trí, bác Liêm lại tất bật với việc chăm sóc con cháu. Bác cho biết mình quyết định như vậy một phần vì thương con, thương cháu.

 

Hồi bé Thùy Lâm mới chào đời, con trai và con dâu bác ở Q. 1, TP. HCM, định thuê người trông trẻ. Thế nhưng, bác thấy không yên tâm nên hàng ngày vẫn ghé qua thăm cháu.

 

Khi bé Lâm được hai tháng, bác bắt các con về Q. 6 ở chung để mình đích thân chăm sóc cháu nội. Vợ tôi mất đã nhiều năm, tôi ở một mình cũng buồn, gia đình có tiếng cười của con cháu bao giờ cũng vui hơn, bác tâm sự.

 

Bác Liêm rất tự tin vào sự chu đáo và kỹ năng trông trẻ của mình vì ngoài bé Thùy Lâm, bác cũng từng chăm cháu ngoại.

 

Chị Thảo, con dâu bác Liêm, cho biết, vợ chồng chị rất may mắn khi con mình được ông nội chăm sóc. Anh chị dự định khi bé lớn hơn sẽ cho đi học mẫu giáo. Thế nhưng, bố chồng chị vẫn muốn tự tay chăm sóc và giáo dục các cháu cho đến khi chúng trưởng thành.

 

Bác bộc bạch: “Với tôi, chăm cháu không phải là ghánh nặng hay nghĩa vụ mà là một niềm vui của tuổi già. Sống cả đời vất vả, đến cuối đời có được những đứa cháu ngoan ngoãn và xinh xắn để bế bồng, nghe chúng bi ba bi bô gọi ông, với tôi thế là hạnh phúc”.

 

Theo Tiếp thị Gia đình