Khi mẹ chồng nàng dâu xung đột tài chính

Im lặng và chờ "đối phương" tự hiểu, đó là đối sách của nhiều cặp mẹ chồng nàng dâu khi có xung khắc liên quan đến chi tiêu trong gia đình. Theo chuyên gia tâm lý, phương pháp "tế nhị" này sẽ khiến hai người xa nhau thêm và sự hiểu lầm sẽ ngày một lớn.

Mẹ chồng nàng dâu khó chịu với nhau do sự khác biệt về quan điểm và thói quen chi tiêu (chẳng hạn con phóng tay, mẹ tiết kiệm hoặc ngược lại) là chuyện của rất nhiều gia đình. Mâu thuẫn này thường ngấm ngầm vì tâm lý ngại nói về tiền nong. Theo thạc sĩ tâm lý Trần Lệ Thu, giảng viên Đại học Văn hóa Hà Nội, đây là một sai lầm: "Dân gian có câu tiền bạc phân minh ái tình dứt khoát, những khúc mắc về tài chính nếu không nói ra sẽ chẳng thể giải quyết được".

 

Bà Lệ Thu cho rằng, không nên né tránh hoặc chờ người khác trong gia đình tự hiểu những bất bình của mình về chuyện tiền nong, vì điều đó rất mất thời gian và trong khi chờ đợi, mâu thuẫn sẽ ngày một "leo thang". Giữa mẹ chồng nàng dâu lại luôn có sẵn thành kiến "khác máu tanh lòng", vì vậy nếu không nói rõ, mỗi lời nói, hành động sẽ dễ bị suy diễn và quy kết sai lầm. Bởi vậy, im lặng là một đối sách nguy hiểm.

 

Nhưng ai sẽ nói? Bà Thu cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về con dâu - một "người lạ" bước chân vào một cộng đồng đã thống nhất và định hình lối sống từ mấy chục năm nay. Chính cô dâu là người đầu tiên phải điều chỉnh để hòa nhập được vào cộng đồng này. Mặt khác, người già thường có khuynh hướng bảo thủ, khó thay đổi hơn.

 

Nếu thấy có sự khác biệt, thay vì bất bình, hãy cố gắng thích nghi vì rõ ràng với cách chi tiêu của mẹ, cả gia đình trong đó có người chồng vẫn thấy vui vẻ bao lâu nay. Mẹ chồng sẽ không thể hài lòng khi một người mới đến lập tức muốn thay đổi nó.

 

Và trong khi cố làm quen, bạn cũng nên bày tỏ quan điểm của mình với mẹ chồng. Nói như thế nào thì phải tùy cơ ứng biến cho phù hợp với tính cách của mẹ và hoàn cảnh lúc đó. Đây là lời khuyên của chị Lan Anh (Hà Nội) rút ra từ kinh nghiệm bản thân: "Đừng để cho câu chuyện đầu tiên bạn nói với mẹ chồng lại chính là thắc mắc về tài chính. Tôi cũng từng thấy khổ sở vì mẹ chồng tiết kiệm quá. Nhưng tôi không kêu ngay".

 

Cứ có thời gian rỗi, Lan Anh lại tỉ tê tâm sự với mẹ chồng, lúc thì kể chuyện công việc, bạn bè, khi lại bàn tán chuyện phim ảnh, mua sắm. Cũng theo hình thức "buôn dưa lê", cô cho mẹ biết thói quen chi tiêu của mình thời con gái, rằng vợ chồng mình ngoài lương cũng có vài khoản thu nhập. Rồi nhân một lần mẹ chồng mệt mỏi, cô mua thức ăn tươi về và thủ thỉ: "Bố mẹ có tuổi rồi, cần ăn uống tốt hơn để giữ sức khỏe. Con sẽ đưa thêm tiền cho mẹ đi chợ, mẹ yên tâm bọn con lo được mà". Bà mẹ chồng hiểu ý con dâu nhưng không trách giận, và từ đó bà cũng đỡ "chặt chẽ" hơn.

 

Cũng có nhiều bà mẹ không hiểu nhanh như vậy. Trong trường hợp này, nàng dâu nên tìm sự hỗ trợ của người thứ ba. "Người chồng là cầu nối mềm mỏng và hữu hiệu nhất vì anh ta là đối tượng yêu thương của hai người đàn bà. Tuy nhiên, anh ta phải rất công bằng và không được bệnh vực bên nào cả" - chuyên gia tâm lý Trần Lệ Thu nói.

 

Trong số những phụ nữ sử dụng thành công chiếc cầu đó có chị Tâm, một giáo viên cấp 3 ở Thanh Xuân, Hà Nội. Thấy mẹ chi quá ít cho bữa cơm gia đình, chị Tâm than thở với chồng và được anh hứa sẽ nói giúp. Lựa lúc mẹ vui vẻ, hai người đưa tiền chi tiêu cho mẹ, tăng một chút so với trước.

 

Ông xã của chị Tâm bảo mẹ bây giờ nhà mình khá hơn rồi, mẹ không cần vất vả căn cơ như trước. Anh cũng cho biết vợ mình khi chưa lấy chồng quen ăn ngon và bản thân mình cũng muốn vậy. Bà mẹ cau mặt tự ái, nhưng sau đấy cũng thay đổi. Và chị Tâm tìm cách lấy lòng mẹ bằng cách khác.

 

Theo bà Lệ Thu, ngoài chồng, người con dâu có thể tìm những chiếc cầu nối khác như bố chồng, chị chồng... nếu thấy thích hợp. Tiếng nói của họ "có trọng lượng" vì họ không bị mẹ chồng coi là bị nàng dâu "dắt mũi". Nhưng để nói được với người nhà chồng những chuyện tế nhị như vậy mà không gặp nguy hiểm, cô dâu phải tạo được quan hệ tốt, khi kể chuyện cũng phải nói trên tinh thần xây dựng.

 

Nếu thương thuyết không hiệu quả, người con dâu cần có những biện pháp thực tế hơn. Chẳng hạn, nếu mẹ tiết kiệm, cô dâu nên tự mua sắm thêm đồ đạc hoặc thức ăn nhưng theo cách tế nhị, nghĩ ra những lý do dễ nghe như "mới được thưởng, có đợt khuyến mãi...". Trong trường hợp mẹ hoang phí cũng vậy, ngoài việc giải thích về khả năng tài chính hạn chế của mình, nên cố gắng kiểm soát chi tiêu, thay vì để mẹ làm còn mình thì xót ruột.

 

Về phía mẹ chồng, bà Lệ Thu cho rằng cũng cần có sự điều chỉnh: "Có lúc các bà mẹ nên tạm bỏ đôi dép của mình để xỏ thử dép của con dâu xem nó ra sao". Các bà mẹ nên mở lòng với con dâu, hiểu con trong công việc và xã hội mà nó đang sống. Nhưng làm cho mẹ hiểu cũng là trách nhiệm của đôi vợ chồng trẻ. 

 

Mấu chốt thành công trong việc thương thuyết chính là sự chân thành, với mong muốn hòa hợp với nhau, chứ không phải để phân định ai đúng ai sai. Vì vậy, dù có bực đến đâu, cô dâu cũng không nên kể lể quá đáng với chồng như thế mình là nạn nhân của mẹ, vì tình yêu đối với mẹ của anh ta sẽ không bao giờ thay đổi. Sự xung khắc giữa mẹ chồng nàng dâu chắc chắn sẽ khiến tình cảm vợ chồng không được trọn vẹn.

 

Cuối cùng, khi tất cả mọi cố gắng thương thuyết đều thất bại, mối xung khắc giữa mẹ chồng nàng dâu trở nên không thể dung hòa, bà Trần Lệ Thu cho rằng nên chọn giải pháp "phá vỡ" để xây dựng lại. Hai vợ chồng nên nghĩ đến chuyện ra ở riêng để chấm dứt mâu thuẫn. Đây là chuyện cực chẳng đã, nhưng lại có hiệu quả tốt nhất trong trường hợp này.

 

Theo Hải Hà

Vnexpress