Khi mẹ chồng “hoang”

Vợ chồng Nguyên đang phải “kế hoạch”, chờ kinh tế ổn định mới sinh con, nhưng cứ theo đà “xa hoa” của mẹ chồng, chẳng biết bao giờ cô mới dám có em bé.

Khi mẹ chồng “hoang”  - 1

Mẹ chồng Nguyên sáng nào cũng tụng kinh, gõ mõ trên gác nên hương khói nghi ngút suốt ngày. Đi chợ, bà luôn chọn những loại hoa quả thơm ngon nhất về thắp hương nhưng vì ngày nào cũng cúng bái nên hoa quả cứ nằm nguyên trên bàn thờ. Thông thường, sau khi thắp hương, con cháu sẽ được hưởng lộc, nhưng với mẹ chồng Nguyên lại bảo: “Đồ cúng phải để trên bàn thờ vài ngày, không sẽ phải tội”.

 

Nhìn thấy đống hoa quả héo trong thùng rác, Nguyên tiếc ghê gớm. Lúc ấy, vợ chồng Nguyên nhắm mắt cũng không thể ăn nổi vì hoa quả đã bị hỏng hoặc có chăng, cũng chỉ ăn được một phần, ở những chỗ quả còn tươi.

 

Những việc khác, mẹ chồng Nguyên cũng hoang phí chẳng kém. Thức ăn còn thừa, nếu Nguyên nấu lại, cất vào tủ lạnh thì đến chiều, cô đã thấy đống đồ ăn đó nằm trong thùng rác. Nguyên thắc mắc thì mẹ chồng cô bảo: “Mẹ mắc bệnh viêm đại tràng, làm sao ăn được đồ ăn cũ. Cứ tiếc như thế, mắc bệnh lại khổ”.

 

Hai vợ chồng Nguyên làm công ăn lương nên cô xót xa khi chứng kiến sự thừa mứa. Hơn nữa, vợ chồng Nguyên đang phải “kế hoạch”, chờ kinh tế ổn định mới sinh con nhưng cứ theo đà “xa hoa” của mẹ chồng, chẳng biết bao giờ cô mới dám có con.

 

Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) có lần đã to tiếng vì tính “hào phóng” của mẹ chồng. Nguyên nhân là do mẹ chồng Trang mang sạch số quần áo cũ của cậu con trai hai tuổi cho hàng xóm, chỉ giữ lại vài cái để lau nhà. Vì chỗ quần áo đó còn tốt nên Trang muốn cất, phòng vài năm nữa sinh thêm bé thứ hai.

 

Những lần có họ hàng dưới quê lên chơi, nếu không “theo dõi” mẹ chồng cẩn thận thì kiểu gì, đồ đạc của Trang cũng bị hao hụt. Mẹ chồng cô thường thích chọn đồ cũ của con dâu, tự ý mang cho người họ hàng có kinh tế kém hơn.

 

Mẫu thuẫn lên tới đỉnh điểm khi mẹ chồng Trang nằng nặc đòi con trai mua cho bộ máy massage với giá cao ngất ngưởng. Cho dù vợ chồng Trang hết mực thanh minh, có chút tiền tiết kiệm để lo cho con nhỏ, bà vẫn dỗi cả tháng. Mẹ chồng Trang tủi thân vì những bà bạn của cụ, ai cũng được con trai mua tặng máy massage còn mình thì không.

 

Ứng xử của nàng dâu

 

Kiểu mẹ chồng tiết kiệm - con dâu “xả láng” thường phổ biến hơn mẫu mẹ chồng “xa hoa” - con dâu tằn tiện. Nguy hiểm ở chỗ, hiếm mẹ chồng “xa xỉ” nào tự nhận mình sai (nếu hiểu vấn đề thì mẹ chồng đã biết cách tiết kiệm), cũng ít mẹ chồng chấp nhận lời góp ý của con dâu.

 

Nguyên nhân khiến mẹ chồng tiêu hoang có thể do gia đình nhà chồng có điều kiện, đã quen với nếp sinh hoạt thoải mái, ngay từ khi con dâu chưa bước chân về. Cũng có khi đó là mẫu mẹ chồng thích trưng diện, cho dù điều kiện gia đình chỉ ở mức trung bình.

 

Giữa mẹ chồng, nàng dâu luôn tồn tại thành kiến “khác máu, tanh lòng” nên mỗi lời nói của con dâu có thể bị mẹ chồng quy kết sai lầm.

 

Sai lầm là khi, con dâu nói bóng gió (hoặc giữ ấm ức trong lòng) để mong mẹ chồng rút kinh nghiệm. Sự bóng gió có thể gây hậu quả xấu, mẹ chồng có khả năng hiểu nhầm và cho rằng, con dâu coi thường (hoặc chê bai) phong cách sinh hoạt bên nhà chồng. Từ đó khiến con dâu “mất điểm” với mẹ chồng hoặc kết thúc bằng chiến tranh (khi con dâu không chịu nổi cách sống của mẹ chồng).

 

Vì người già thường bảo thủ nên cứ ngồi chờ mẹ chồng thay đổi, con dâu sẽ thêm ức chế. Để “cải tạo” mẹ chồng thành công, con dâu nên chọn cách “buôn dưa lê” với bà.

 

Những lúc rảnh rỗi, con dâu thử tâm sự với mẹ chồng, từ chuyện công việc, nội trợ, rồi “đá khéo” sang chuyện chi tiêu. Chẳng hạn, thu nhập của vợ chồng mỗi tháng thế nào, chi phí nuôi con nhỏ ngày nay ra sao… Thông qua đó, mẹ chồng sẽ hiểu được phần nào nỗi khó khăn của con dâu và có thể tự sửa đổi theo hướng tích cực. Hoặc người vợ có thể nhờ chồng là cầu nối để kiềm chế nhu cầu chi tiêu của mẹ chồng.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ và bé