Khi “cục cưng” xuất giá

Lúc mới yêu, bạn bè ai cũng cho rằng Liễu là “chuột sa chĩnh gạo”, bởi Hùng vừa tài giỏi, đẹp trai và quan trọng hơn cả, lại là con trai độc nhất trong một gia đình khá giả. Thế nhưng, từ ngày cưới được cô con dâu về, xung đột trong gia đình bắt đầu nảy sinh.

Mẹ chồng “huấn luyện”

 

Bà Hoa, mẹ Hùng, bắt đầu xét nét cô con dâu mới bằng những cái nhìn soi mói. Liễu vốn là “cục cưng” khi chưa lấy chồng, nên việc tề gia nội trợ đâu có rành. Bà Hoa tỏ ý khó chịu khi thấy Liễu thức dậy trễ, ăn uống không “nhìn trước ngó sau”, việc nhà giao phó hết cho người giúp việc. Riết rồi tất thảy mọi hành động trong sinh hoạt của cô con dâu đều nằm trong tầm ngắm của bà.

 

Bà phàn nàn con dâu: Lúc thì phơi cái khăn mặt không thẳng, khi lại để đôi dép không ngay hoặc để cái ly uống nước không đúng chỗ, phòng ngủ không gọn gàng... “Ở nhà bố mẹ không dạy con sao, việc gì cũng làm không tới nơi, tới chốn!”, bà than.

 

Để rèn cô con dâu “cái gì cũng không biết”, khi Liễu sinh con, bà tách Hùng ngủ riêng một phòng, mọi việc chăm sóc con ban đêm Liễu phải tự đảm trách. Hằng ngày, bà bảo người giúp việc chừa đồ của Liễu lại không giặt...

 

Trải qua những ngày như đi đày, Liễu nhỏ to với chồng để ra riêng: “Từ bé, em quen được chiều rồi, anh biết mà, ở nhà em có phải làm việc nhà đâu. Em không thể sống thế này được”. Thương vợ, Hùng đề xuất xin được ăn riêng, thậm chí mọi sinh hoạt cũng riêng hết, tưởng thế đã yên, nào ngờ mọi việc còn tồi tệ hơn. Đêm đến, vợ chồng Hùng đóng cửa phòng lại và bắt đầu cãi nhau, Liễu giận ôm con về nhà mẹ đẻ...

 

Bố mẹ ruột ra tay

 

Cưới nhau xong, Lâm và Tâm được bố mẹ hai bên đầu tư cho một căn chung cư khá khang trang ở quận 4, TP.HCM. Tưởng đâu thế là hai vợ chồng trẻ yên ổn làm ăn như bao cặp vợ chồng khác, đằng này, cứ một tuần Tâm lại gọi điện về cho bố mẹ than phiền: “Anh ấy đi làm về rồi lại đi đánh banh, nhậu nhẹt, tối nào cũng về trễ, con chịu hết nổi”.

 

Thấy con gái cưng nói vậy, bố mẹ Tâm đứng ngồi không yên, bèn viết một lá thư dài gửi cho ông bà sui: “Ông bà khuyên giải thằng Lâm thế nào chứ con gái tôi đâu có thua kém ai. Chúng tôi nuôi dạy đàng hoàng, học hành giỏi giang. Sao thằng Lâm lại tối ngày vắng nhà, coi nó không ra gì như thế!”.

 

Tâm đang được bố mẹ chồng quý như vàng, từ ngày có bức thư của sui gia, thái độ ông bà khác hẳn. Ông bà chẳng những không nhắc nhở gì con trai mà còn trách con dâu: “Thằng Lâm nó tập thể thao, vui vẻ với bạn bè, chứ có trai gái gì đâu mà con than!”.

 

Tuy nhiên, cũng có khá nhiều cô con dâu vốn được cưng chiều, nhưng khi xuất giá lại khôn khéo, biết học hỏi để chăm sóc chồng con và đối xử tốt với gia đình chồng. Trường hợp của Thanh là một ví dụ.

 

Cũng là con trai một, Dũng - chồng Thanh - luôn được mẹ mình quan tâm chu đáo. Biết vậy, Thanh thường tranh thủ lúc rảnh rỗi tâm sự với mẹ chồng.

 

Cô thú nhận, bố mẹ mình ở nhà rất chiều chuộng nên có những việc cô không biết làm, nhờ bà chỉ bảo. Cô chủ động học từ mẹ chồng những món ăn bà thường nấu, cùng mẹ chồng đi chùa, đi chợ...

 

hi vợ chồng có chuyện bất đồng, Thanh chủ động nhắn tin cho chồng về phòng riêng nói chuyện nên không bao giờ có chuyện vợ chồng cãi vã, mặt nặng mày nhẹ trong nhà. Bà Linh rất tự hào về cô con dâu, đi đâu bà cũng khoe: “Gia đình tôi chỉ có một đứa con trai, nay có thêm con dâu về coi như trời cho tôi có thêm một đứa con nữa”.

 

Bà Hồ Thị Tuyết Mai, chuyên viên tư vấn tâm lý, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam: Tế nhị trước mẹ chồng

 

Tâm lý của tất cả những người mẹ đều yêu con mà nhất là con một. Chính vì thế, ai cũng muốn con dành tình cảm riêng cho mình và không muốn san sẻ. Khi có con dâu xuất hiện, lòng ích kỷ trỗi dậy trong người mẹ dẫn đến thái độ xét nét, thậm chí ganh ghét.

 

Trong trường hợp này, con dâu phải hiểu được tình cảm mẹ - con là rất thiêng liêng, khó chia sẻ. Con dâu nên tế nhị trước mặt mẹ chồng, coi mẹ chồng như mẹ mình để thương yêu, chăm sóc.

 

Bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc Trung tâm Tư vấn gia đình và ly hôn FDC:  Nên dạy cho con những kỹ năng

 

Những cô con dâu vốn được sinh ra trong gia đình ít con, từ bé được cưng chiều nên không những không biết đến nữ công gia chánh mà đối nhân xử thế cũng rất hạn chế vì môi trường gia đình ít thành viên khiến họ ít có cơ hội tiếp xúc, chia sẻ. Nên khi lấy chồng, những “cục cưng” này thường khó hòa nhập với gia đình nhà chồng.

 

Do đó, con gái dù sinh ra trong gia đình ít hay nhiều con, cha mẹ cũng nên dạy cho con những kỹ năng sống phù hợp, biết hy sinh, nhường nhịn... để có thể thích nghi với những hoàn cảnh sống khác nhau.

 

Theo Ngọc Mai - Thùy Vinh

Người lao động