Khắc khẩu

(Dân trí) - Mọi người không ai hiểu tại sao vợ chồng Hoa hay cãi nhau đến thế mà vẫn sống với nhau được gần chục năm. Chưa bao giờ gia đình nội ngoại thấy Hoa và Khải ngồi yên 5 phút nói chuyện mà không tìm ra vấn đề để tranh cãi.

Trước lúc cưới cô và anh cũng có đôi lần cãi cọ, đôi lần tranh luận nhưng Hoa coi đó là chuyện thường tình, đôi nào yêu nhau chẳng thế. Lấy nhau về chuyện tranh luận xảy ra như cơm bữa. Đôi lúc vì những vấn đề hết sức buồn cười kiểu như "đi Đầm Sen hay đi Suối Tiên". Mỗi người muốn đi một nơi, sau đó là so sánh hai nơi, chê bai hai nơi cuối cùng vợ chồng quyết định ở nhà xem phim, không đi nữa.

 

Không thiếu những đôi vợ chồng khắc khẩu nhau. Vợ nói một câu chồng ngồi mỉa một câu và ngược lại. Thế nhưng những vấn đề họ đem ra để cãi nhau, để tranh luận đa phần rất nhỏ nhặt, chính họ cũng biết như thế nên chẳng ai để bụng. Họ coi chuyện cãi nhau như một phần của cuộc sống, nhiều lúc tức thì tức thật nhưng một ngày không được tranh luận với chồng hoặc vợ là thấy thiếu vắng trống trải ngay.

 

Người ngoài nhìn vào những đôi vợ chồng này thường cảm thấy họ rất hạnh phúc, tuy nhiên cũng khá ồn ào. Đôi lúc tranh luận hơi gay gắt một trong hai sẽ bỏ đi. Đây là dạng khắc khẩu kiểu trẻ con, "yêu nhau lắm cắn nhau đau".

 

Ở một mức độ nặng hơn là cả hai cảm thấy lời nói của chồng hoặc vợ đôi lúc không lọt tai, hoặc cảm thấy ngượng ngùng nên phải phản bác để chữa thẹn với người ngoài. Đương nhiên như thế sẽ làm người bị phản bác thấy ngượng và cãi nhau là chuyện đương nhiên.  

 

Kiểu khắc khẩu như thế này thường khiến người ta quên mất sĩ diện, làm mất mặt vợ hoặc chồng. Đối với một số người biết kiềm chế, họ thường im lặng không nói nữa hoặc đi chỗ khác, không biểu lộ thái độ nhưng về nhà chiến tranh lập tức bùng nổ.

 

Liên, 26 tuổi, nhân viên kế toán và Hùng, 30 tuổi, làm kỹ sư xây dựng lấy nhau được hai năm. Cả hai vốn khắc khẩu, anh sống kiểu khác chị nên nhiều lúc nghe cách anh nói chuyện chị không lọt tai, ngược lại anh cũng thế. Liên chê chồng "đã không biết còn hay thích nói", anh chê vợ " biết tin vịt mà cũng đi buôn". Thế là cứ cái gì anh nói ra chị cũng bảo anh nói khoác, cái gì chị kể anh cũng phải vặn vẹo "con vịt này ở đâu ra!"

 

Một lần bạn bè gặp nhau nói chuyện, Hùng đang luyên thuyên về việc xe ô tô này ô tô kia có gì khác nhau, tính năng thế nào, anh đã đi thử loại xe nào,... thì vợ từ bàn các cô nghe thấy giọng chồng oang oang ngứa tai nói với sang "anh ấy bốc phét đấy, đã bao giờ biết đi xe". Hùng quê độ ngồi im bặt.

 

Chuyện hai vợ chồng không hợp nhau khoản ăn nói là bình thường. Nhưng nếu giữ ở mức độ trong nhà, biết giữ thể diện cho nhau thì không sao, còn nếu không dễ làm người kia bị hụt hẫng, xấu hổ với bạn bè mà sinh ra khó tính, bực mình, tự ái. Đôi lúc còn không muốn chung sống cùng người bạn đời hay "xé vé" mình nữa.

Đến một mức nào đó, khi sự khắc khẩu đi quá giới hạn của nó vợ chồng khó có thể sinh sống được với nhau nữa. Không đơn giản chỉ là tranh luận suông mà cả hai còn sử dụng những từ ngữ không hay ho để ví von. Thỉnh thoảng gắt lên một câu so sánh khiến người nghe tự ái. Cảm thấy cuộc sống gia đình như địa ngục, nhất là khi phải nói chuyện với chồng/vợ.

 

Phương, mới ly dị chồng cách đây hai năm, đã kể về cuộc sống khủng khiếp của chị chỉ vì khắc khẩu với chồng. Ban đầu cũng nhẹ nhàng thôi, tranh luận những chuyện vớ vẩn thôi, dần dần thành quen cộng với những va chạm hàng ngày, những giận hờn bực bội khiến chị và anh từ tranh luận chuyển sang cãi nhau. Sau đó từ cãi nhau chuyển sang xách mé, nói đểu và dần dần là chửi nhau theo đúng nghĩa của nó.

 

Chị kể không hiểu sao những gì chị nói ra anh đều nghĩ là chị đang muốn cãi nhau với anh. Anh phản bác tất cả ý kiến của chị. Thế nhưng chị cũng thú thực là "mỗi khi nghe anh ấy đưa ra ý kiến, chị lại thấy nó ấu trĩ và trẻ con vô trách nhiệm kinh khủng, như kiểu chuyện viễn tưởng ấy. Rồi dần dần đến lời ăn tiếng nói của nhau cũng bị xét nét, sửa chữa".  Cứ như thế một thời gian không biết từ khi nào cả hai bắt đầu "mày , tao" với nhau, cấp độ cứ tăng dần cho đến khi chị không chịu nổi nữa, viết đơn ly dị chấp nhận chia tay.

 

Khắc khẩu chỉ là yếu tố nho nhỏ trong cuộc sống vợ chồng. So với những lo toan hàng ngày điều đó không phải là lớn lao. Nhưng nếu không biết kiềm chế, để sự khắc khẩu được tự tung tự tác, không biết nghĩ đến đối phương mà chỉ nhằm thỏa mãn sự hiếu thắng và ý muốn của bản thân, nó sẽ trở thành kẻ phá hoại hạnh phúc gia đình.

 

Tùng Nhi