Kẻ tám lạng, người nửa cân

"...Có lần nàng dâu nấu canh hơi mặn, nếm xong mặt bà mẹ chồng nhăn lại, nhưng một nụ cười thật tươi cũng đồng thời bung ra ngay, bà bảo: Dâu mẹ khéo quá, chắc lại sợ cả nhà bướu cổ nên bổ sung thêm lượng iốt đây...".

Trong nhà “cơm có lành, canh có ngọt” còn phải xem người vợ có hiểu được câu: “một sự nhịn bằng chín sự lành”. Ngày Nhung lên xe hoa, mẹ dặn mãi một chữ: Nhịn.

 

Chẳng thế mà mẹ cô đi làm dâu tính đến giờ đã được 30 năm tròn mà không để lại một điều tiếng xấu. Noi gương mẹ, Nhung cố gắng trở thành nàng dâu tốt, luôn tỏ ra ngoan ngoãn lễ phép, đi hỏi về chào khiến bố mẹ chồng dù khó tính đến mấy cũng không thể bắt bẻ điều gì.

 

Mẹ chồng cô là người khéo léo, tế nhị nên có thể xử lý một việc hết sức căng thẳng thành bầu không khí hữu nghị và hòa bình. Bà ít khi làm phật lòng người tiếp chuyện, lỡ ai có làm bà không hài lòng thì bà chỉ giữ kín trong lòng.

 

Con người bà là một tổng thể hoàn chỉnh của sự dung hòa giữa nhu - cương, khôn - khéo. Muốn phê bình ai, bà không đi thẳng vào vấn đề để tránh gây xúc động mạnh cho đối phương. Nắm bắt được quan điểm “Dĩ hòa vi quý” của mẹ chồng, Nhung cũng hết sức khéo léo trong ứng xử.

 

Nhìn bên ngoài ai cũng nghĩ cô chăm sóc mẹ chồng còn hơn cả mẹ đẻ, đi công tác xa hay đi nghỉ mát cô đều mua quà cho từng thành viên trong gia đình. Đặc biệt, giỏi ở chỗ Nhung nhớ rõ sở thích của từng người và cả điều họ ghét nhất. Cuộc sống cứ êm đềm như thế không có gì để bàn, nhưng khi cả hai người phụ nữ đều quá khéo thì họ “đi guốc trong bụng” nhau, dễ sinh nhiều chuyện.

 

Có lần nàng dâu nấu canh hơi mặn, nếm xong mặt bà mẹ chồng nhăn lại, nhưng một nụ cười thật tươi cũng đồng thời bung ra ngay, bà bảo:

 

 “Dâu mẹ khéo quá, chắc lại sợ cả nhà bướu cổ nên bổ sung thêm lượng iốt đây”.

 

Trong lòng cô hậm hực vì bị phê bình, nhưng ngoài mặt vẫn tỏ ra mềm mỏng: “Tại con thấy mẹ mới mua cả thùng Aj-ngon nên sợ để lâu hết hạn thì phí lắm”. Cả nhà cười vui vẻ và thêm nước vào canh cho vừa rồi dùng bữa ngon lành.

 

Hôm sau, bà đi chợ gặp hàng xóm, người ta chưa kịp hỏi gì bà đã thao thao kể tội: “Dâu nhà tôi vụng thối vụng nát nó nấu còn mặn đắng hơn cả kho, muốn kiếm bữa cơm ngon e chừng quá khó”.

 

Chẳng vừa, Nhung cũng đi kể với bạn: “Cụ ông thì dễ chịu nhưng bà già chồng nhà này tính như Bécgiê, đang nghén có muốn ăn lẻ cũng bị móc họng ra”. Chả là Nhung thèm ăn thịt gà quá nên đã mua con gà hơn 1 kg về luộc rồi bóc ăn ngon lành mà quên không phần ai cả. Đã vậy, cô thường hay đòi chồng cho đi ăn hàng để có thể tự do chọn món mình thích như: Tôm hấp bia, mực xào lăn, ốc hấp lá gừng hay lươn cuốn...

 

Mẹ chồng xót ruột nhưng lại sợ làm mất lòng con cái nên nói tránh: “Con cố mà ăn cho cái thai nó khỏe nhưng nhớ cầm chừng kẻo to quá không đẻ được đâu rồi lại phải đụng dao kéo mổ xẻ thì khổ”. Những câu chuyện nhỏ nhặt đời thường được đẩy đưa thầm lặng nhưng cả hai đã chú ý “giữ miếng”, đề phòng. 

 

Thấy mẹ thích màu vàng, Nhung đi siêu thị mua ngay cho mẹ bộ váy vàng tươi để mặc vào có thể trẻ ra mấy tuổi. Mẹ mặc thử, con dâu khen không ngớt lời: “Trông mẹ trẻ ra tới 5 tuổi ấy, bố nhìn chắc sẽ mê lắm đấy”.

 

Để vừa lòng con dâu bà cũng niềm nở không kém: “Cha bố chị, làm đỏm cho mẹ thế này thì tốn kém lắm đây! Sao không mua cho con một bộ luôn thể”.

 

Có ai biết, lúc quay mặt đi chỗ khác bà lẩm bẩm: “Mặc cái mầu chó nó không thèm nhìn này ra ngoài đường họa có bị thần kinh đến thời kỳ phát bệnh”.

 

Nàng dâu thì thoáng nghĩ trong đầu: “Trẻ không chịu ăn chơi đến khi về già lại đổ đốn. Lên chức bà nội đến nơi rồi còn bày đặt đi học nhẩy học nhót, trông như gà móng đỏ thế kia bồ bịch rồi là cái chắc”.

 

 Mẹ chồng ngầm chê con dâu không có gu thẩm mỹ, con lại gọi mẹ là gà móng đỏ, họ đều biết nhưng để bụng. Đang tuần ở cữ, bà phục vụ con dâu đủ mọi việc, động viên chỉ bảo cô ăn uống kiêng khem kỹ để sau này đỡ khổ. Đằng sau bà lại đi than phiền với hàng xóm: “Ăn như heo nái ấy, đẻ mà chẳng chê thứ gì, ăn thủng nồi trôi trã. Ngày xưa mình đẻ chồng nó chỉ có muối rang với rau luộc chứ đâu có sung sướng như bây giờ. Nó cứ làm như mình nó biết đẻ, được chồng nâng như nâng trứng lại đâm ra nhõng nhẽo, ngứa cả mắt”.

 

Mọi chuyện lại đưa đến tai Nhung, bề ngoài cô tỏ ra nhẫn nhịn nhưng sau lưng bà cô lại lẩm bẩm: “Gừng càng già càng cay, bà càng già càng hay lắm chuyện... cho liều bả chuột thì hết chỗ mở mồm”.

 

Nghe được những lời cay độc từ miệng thiên hạ, bà hết nhịn nổi, la lối om sòm: “Ối giời ơi là giời, nhà tôi mả táng hàm chó nên rước về được đứa con dâu mất nết, nó muốn giết cả mẹ chồng để cướp tài sản. Tao sẽ bắt con trai tao bỏ vợ”.

 

 Lần đầu tiên hàng xóm nghe thấy bà to tiếng. Thỉnh thoảng, Nhung lại ghé tai bà nói nhỏ: “Bà xui con trai bà bỏ vợ, chẳng lẽ tôi lại không biết xui chồng tôi bỏ mẹ”.

 

Thật tình, nàng dâu vì chồng con mà kìm nén giữ kẽ đủ đường, còn bà mẹ chồng ấy cũng vì thương con trai mà nhịn như “nhịn cơm sống” chứ trong lòng chẳng yêu quý gì nhau. Hai người phụ nữ, hai thế hệ có cách sống giống nhau nhưng họ đều không hiểu: Mọi sự giả dối được giữ bí mật đến đâu, khi đã tuột khỏi bờ môi thì nó thành quả bộc phá.

  

Theo Y.C  

Hạnh Phúc Gia Đình