Kể công

Em là niềm tự hào của gia đình chồng khi ba mẹ thường được hàng xóm khen: “Ông bà thật có phúc, có cô con dâu giỏi giang, linh lợi, gặp chuyện gì cũng nhanh tay, nhanh chân giúp đỡ người khác, chẳng đợi nhờ vả”.

 
Kể công


Em là “bộ mặt” của anh, làm anh “sang” hơn (người ta thường nói sang vì vợ mà) khi từ các cháu của anh đến bà con lối xóm đều xem em là sự lựa chọn số 1, khi nhờ tư vấn chuyện học hành, nấu tiệc gia đình, đưa người thân đi bệnh viện, đi giao dịch công chứng giấy tờ…

 

Em đương nhiên là sự hãnh diện của hai con vì bạn bè các con hay bảo: “Hôm qua mẹ bạn Bông, bạn Mí mới cho nhà mình món bánh kem bác í mới thử nghiệm; bác í giúp đưa mẹ mình đi sinh em bé…”. Nói chung, giữa thành phố mà mọi người xã giao là chính, thì vợ được xem là “quý hiếm” khi có lối sống chan hòa, thân thiện.

 

Nhưng có lẽ từ những lời khen có cánh này mà sự vô tư, hồn nhiên khi giúp đỡ người khác của vợ dần ít đi. Thay vào đó, vợ nghĩ mình là người quan trọng và hay kể công. Như cô Sáu vừa khoe con trai chỉ học trung cấp, mới ra trường đi làm mà lương gần chục triệu một tháng, thì vợ đã “nhảy vào miệng” cô: “Không nhờ con tư vấn chọn ngành in thì dễ gì thằng Hiệp có được việc làm tốt vậy”. Hay mọi người tụ họp nói về sự thoát hiểm trong gang tấc của chị Tư hàng xóm khi được đưa đi cấp cứu kịp thời, thì vợ xen ngang: “May mà lúc đó em phát hiện kịp, nếu không…” - trong khi có rất nhiều người chung sức giúp đỡ chị Tư, vợ à.

 

Và điều tất yếu, vai trò số 1 của vợ ít nhiều đã bị lung lay. Hôm qua, hai đứa con của anh Hai tranh cãi quyết liệt về một bài luận tiếng Anh và thông thường, các cháu sẽ cầu cứu “thím” là vợ, vì đây vốn là sở trường của em. Nhưng các cháu nhất định không, vì “mai mốt mất công thím nói tụi con tiến bộ là nhờ một tay thím”.

 

Hay hôm sinh nhật của bé Mộc - con của chị Tư, chị và cô con gái lớn cứ mày mò đọc sách rồi tra Google học cách làm bánh kem và món vịt nấu cam, trong khi trước đây luôn có “gia sư” vợ hướng dẫn. Anh gợi ý để em giúp thì chị Tư thoái thác: “Thôi, thấy mợ nó bận rộn, chị tự làm cho quen”, và nói chuyện một hồi anh mới biết, hóa ra mọi người đều sợ em kể công, nhắc nhở người khác phải mang ơn mình. Trong khi những người được vợ hỗ trợ, giúp đỡ chưa bao giờ quên ơn vợ. Tuy nhiên, mọi người thích để họ bày tỏ hơn là cách lên mặt, vỗ ngực xưng tên kể công của vợ.

 

Em đang bị mất điểm trầm trọng, nói thật, anh không buồn vì điều này, mà chỉ thấy xót vì em đã đánh mất lòng tin, sự thương yêu của mọi người.

 

Theo PNO