Hôn nhân luôn có 2 mặt

(Dân trí) - Một hôn nhân hạnh phúc luôn bao gồm sự hiểu rõ về nhau trước khi kết hôn. Tuy nhiên, tình trạng "giới thiệu" trong các cuộc hôn nhân vợ Việt – chồng Đài, không biết gì về chồng và gia đình nhà chồng, luôn chiếm một tỉ lệ lớn.

Đây là một nhận định đã được đưa ra tại Hội thảo Tiền hôn nhân cho phụ nữ lấy chồng Đài Loan tổ chức tại Cần Thơ do Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM kết hợp với Học viện Mỹ Hoà (Đài Loan) và Hội LHPN Cần Thơ tổ chức.

 

Lấy chồng ngoại vì… nghèo

 

Theo TS Trần Thị Kim Xuyến (ĐH KHXH &NV TP.HCM), một số nguyên nhân chính như vấn đề kinh tế gia đình thì hầu hết các cô gái Việt lấy chồng nước ngoài đều thuộc gia đình nghèo, muốn lấy chồng nước ngoài để có tiền giải quyết vấn đề khó khăn mà gia đình đang gặp phải. Kết quả là đa số các cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan đều có trình độ học vấn thấp, không được trang bị kiến thức hiểu biết và những đều cần cho một cuộc sống mới nên vấp phải những trở ngại trong cuộc sống.

 

Thứ hai do văn hoá vùng, vùng ĐBSCL được xem như là văn hoá mở vì có nhiều dòng văn hóa khác nhau, người dân lại thường giao lưu văn hoá với các vùng miền, khu vực khác chính vì thế rất thoải mái trong cuộc sống, không có áp lực của xã hội như ở một số vùng miền khác.

 

Các cô gái ở ĐBSCL thường nhìn thấy một số tấm gương của đàn ông cùng quê, ở địa phương không tốt nên có ý vươn ra ngoài mong có cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

Ít có hôn nhân hạnh phúc

 

Một hôn nhân hạnh phúc luôn bao gồm sự hiểu rõ về nhau trước khi kết hôn. Tuy nhiên, tình trạng "giới thiệu" trong các cuộc hôn nhân vợ Việt – chồng Đài, không biết gì về chồng và gia đình nhà chồng, luôn chiếm một tỉ lệ lớn.

 

Kết quả là, bên cạnh sự bất đồng về ngôn ngữ, các cô dâu Việt thường rất sốc khi biết rõ về chồng và hoàn cảnh gia đình nhà chồng. Đó thường là những gia đình lao động nông thôn, trình độ văn hóa thấp, người chồng thường có khuyết tật về thân thể, cao tuổi… khó có điều kiện kết hôn trong nước.

 

Kèm theo đó là sự khác biệt về văn hóa và lối sống, nỗi nhớ nhà đã khiến cuộc sống của các cô dâu Việt nơi đất khách thường vô cùng khó khăn.

 

Theo TS Trần Thị Kim Xuyến thì vấn đề trên tập trung ở một vài đặc điểm: các cuộc hôn nhân thường bỏ qua giai đoạn tìm hiểu; sự khác biệt về văn hoá và rào cản là ngôn ngữ; một số cô dâu Việt có học vấn thấp không đảm bảo được trọng trách gia đình vốn được người Đài Loan rất kỳ vọng ở cô con dâu.

 

Một số nghiên cứu khác cho thấy: những người Đài Loan thường nghĩ rằng các cô gái Việt lấy chồng Đài Loan chỉ vì tiền và những người họ lấy làm chồng thường là những người không được coi trọng trong xã hội như thất nghiệp, nghèo, già, khó kiếm vợ (lấy vợ Đài Loan thuờng tốn kém hơn là lấy vợ Việt Nam).

 

Rõ ràng, những cuộc hôn nhân nước ngoài đa số không dựa trên cơ sở tình yêu mà chỉ dựa vào mục đích kết hôn.

 

Huỳnh Hải